Xích lại gần Trung Đông

Trong khi đang dẫn dắt Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin lại có chuyến công du trực tiếp hiếm hoi tới Trung Đông.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong khi đang dẫn dắt Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin lại có chuyến công du trực tiếp hiếm hoi tới Trung Đông với kỳ vọng góp phần tháo gỡ căng thẳng cho cuộc chiến Hamas - Israel.

Trong bối cảnh rất hạn chế công du nước ngoài kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga – Ukraine hồi tháng 2/2022, việc ông Putin “xuất hành” chớp nhoáng tới Trung Đông nóng bỏng được cho là mang ý nghĩa chiến lược.

Ông đến Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Xê-út ngày 6 và 7/12 trong bối cảnh thế giới Ảrập ở Trung Đông đang tỏ ra bất mãn với hành động của Mỹ và Israel tại Dải Gaza.

Chính vì vậy, ngoài vấn đề giá dầu, thương mại thì chuyến đi Trung Đông của ông Putin lần này đã thảo luận nhiều với lãnh đạo khu vực về cuộc chiến Nga – Ukraine và cuộc xung đột Israel – Hamas, hai điểm nóng căng thẳng nhất thế giới hiện nay. Giới chức UAE và Ả-rập Xê-út đã dành những cử chỉ ngoại giao thân thiện và trọng thị cho ông Putin.

Cuộc chiến tại Ukraine khiến quan hệ của Nga với các nước phương Tây xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Nga đã phải chịu áp lực từ hàng nghìn lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị từ Mỹ và châu Âu vì cuộc chiến tranh này. Giữa áp lực về kinh tế và chính trị nặng nề này, việc Nga tập trung hơn vào việc phát triển mối quan hệ với các nước Trung Đông là điều dễ hiểu.

Nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin đang tạo dựng hình ảnh tốt đẹp với các nước Hồi giáo thuộc các hệ phái khác nhau. Ngay sau chuyến công du hiếm hoi tới UAE và Ả-rập Xê-út, trong ngày 7/12 ông Putin cũng có lịch trình tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Moscow. Nga và Iran vừa tuyên bố sẽ phối hợp với nhau để chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ.

Lần gần đây nhất ông Putin tới Trung Đông là vào tháng 7/2022, thời điểm ông có cuộc gặp gỡ với Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran. Lịch trình liên tiếp các chuyến đi Trung Đông trong bối cảnh hạn chế công du nước ngoài này của ông Putin càng cho thấy vai trò quan trọng của Trung Đông và các nước Hồi giáo đối với Nga hiện nay.

Cả Nga và Trung Đông có điểm chung đều là những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Giá dầu là huyết mạch trong nền kinh tế của cả Nga và các nước Trung Đông và đây cũng là mấu chốt để Nga duy trì sức ảnh hưởng ở khu vực này, kể cả việc thiết lập mối quan hệ tốt với các những nước là đối tác quan trọng của Mỹ như Ả-rập Xê-út hay UAE, hay cả nước đối đầu với Mỹ như Iran.

Việc cả UAE và Ả-rập Xê-út vốn là đồng minh thân cận của Mỹ đều dành cho Nga và cá nhân Tổng thống Putin sự trọng thị có thể coi là một thắng lợi ngoại giao của Moscow trong bối cảnh chịu sức ép nặng nề hiện nay. Việc các nước Trung Đông đang bất đồng với Mỹ và Israel trong cuộc chiến tại Dải Gaza cũng càng đẩy họ đến gần với nước Nga hơn.

Nga với tư cách là quốc gia có quan hệ thân thiện với cả Israel và Palestine lại đang có lợi thế để thể hiện vai trò là trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Dải Gaza, đặc biệt là khi Moscow nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước Hồi giáo. Những yếu tố này càng giải thích lý do tại sao Nga ngày càng có dấu hiệu xích lại gần khu vực Trung Đông trong chính sách ngoại giao của mình.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xich-lai-gan-trung-dong-post663942.html