Xin 3 năm mới được lắp đặt cột điện gió, vậy khi nào có khu công nghiệp sinh thái?

Khu công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường là giải pháp mà Chính phủ đã sớm nhìn ra. Nhưng sau hai năm ban hành nghị định, cả nước vẫn chưa có khu công nghiệp nào được công nhận đạt chuẩn.

Khu công nghiệp sinh thái đã trở thành một khái niệm pháp lý trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Theo đó, ở đây phải có các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này phải có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường này được kỳ vọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đang gặp không ít vướng mắc, lúng túng.

Cơ chế cộng sinh

Theo ông Bruno Jaspaert - Giám đốc điều hành Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng), vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu những quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển.

"Ở thời điểm này, Việt Nam chưa có một chính sách ưu đãi nào dành riêng cho khu công nghiệp sinh thái trong khi chi phí đầu tư, thời gian đầu tư và công sức đầu tư vào những khu này cao hơn và lâu hơn".

 Dự án Tuabin điện gió với chiều cao 100m tại KCN DEEP C Hải Phòng. Ảnh: MINH TRÚC

Dự án Tuabin điện gió với chiều cao 100m tại KCN DEEP C Hải Phòng. Ảnh: MINH TRÚC

Lấy ví dụ, ông Bruno cho hay, để lắp đặt cột điện gió, Deep C phải mất 3 năm vì phải đợi tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt trong điện gió trong khu công nghiệp. Hay để tái chế rác thải trong nội khu cũng phải xin giấy phép thu gom và xử lý chất thải mới có thể thu gom rác.

"Nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó vận hành và phát triển", ông Bruno nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho khu công nghiệp sinh thái cần tiếp tục hoàn thiện.

Điện mặt trời áp mái là một giải pháp, nhưng quy định mang tính hỗ trợ, khuyến khích chưa có. Việc đầu tư, xây dựng khu công nghiệp sinh thái lại liên quan một loạt luật như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... trong khi tính đồng bộ về mặt chính sách của các đạo luật này còn là dấu hỏi.

 Hệ thống cây xanh, kênh và hồ nước tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: MINH TRÚC

Hệ thống cây xanh, kênh và hồ nước tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: MINH TRÚC

Tiếp theo, ông Điệp cho hay, cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước cần phải có sự đồng bộ để họ liên kết với nhau, cùng xây dựng một hệ kinh tế tuần hoàn cũng như hệ doanh nghiệp cộng sinh trong khu công nghiệp.

"Các doanh nghiệp rất cần những cơ chế chính sách để tạo cảm hứng. Ví dụ như chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái ngang bằng khu kinh tế, nâng thời hạn sử dụng đất", ông Điệp đề xuất.

Nỗ lực của Chính phủ

Trước khi tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35, Bộ KH&ĐT với nguồn tài trợ quốc tế đã triển khai một số dự án thí điểm hỗ trợ khu công nghiệp truyền thống sang mô hình sinh thái, thân thiện hơn với môi trường.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, với tài trợ của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), các khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu (tại Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (Cần Thơ) đã thí điểm triển khai một số nội dung chuyển đổi.

Năm 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Thụy Sỹ, mô hình này được nhân rộng tại một số khu công nghiệp của Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM.

Kết quả thí điểm đã góp thêm dữ liệu để năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35, với một mục riêng gồm 10 điều về khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên đến nay cả nước chưa có khu công nghiệp sinh thái nào được công nhận theo Nghị định 35.

Về vấn đề này, bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế nhìn nhận nguồn lực để chuyển đổi, đầu tư khu công nghiệp sinh thái là vấn đề lớn với doanh nghiệp.

Đối với hành lang pháp lý, bà Hiếu cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ rà soát, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện những quy định liên quan đến khu công nghiệp sinh thái.

 Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT). Ảnh: MINH TRÚC

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT). Ảnh: MINH TRÚC

Riêng về nguồn vốn, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục kết nối với quỹ, mạng lưới hỗ trợ về chuyển đổi khu công nghiệp trên thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các dòng tín dụng xanh.

Ngoài ra bà cho biết, cơ quan này cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi những văn bản pháp lý về môi trường, tài nguyên nước để khuyến khích các khu công nghiệp phát triển theo mô hình mới, trong đó có mô hình công nghiệp sinh thái.

Theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ có 34 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 13.000 ha. Đến nay, ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng - cho biết thành phố đã thành lập 14 khu công nghiệp với diện tích trên 6.000 ha.

Đáng chú ý hiện mới có hai khu công nghiệp chuyển sang mô sinh thái mạnh nhất là Deep C và Nam Cầu Kiền. Dù đạt nhiều tiêu chí trong xếp hạng toàn cầu và khu vực, nhưng cả hai vẫn chưa thể được công nhận là khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định 35.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng ông Bùi Ngọc Hải cho rằng hệ thống pháp luật liên quan cần được sửa đổi, điều chỉnh đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ nên cân nhắc thành lập quỹ đầu tư xanh và tín dụng xanh hỗ trợ cho doanh nghiệp sinh thái và khu công nghiệp sinh thái.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/xin-3-nam-moi-duoc-lap-dat-cot-dien-gio-vay-khi-nao-co-khu-cong-nghiep-sinh-thai-post808267.html