Xin các bậc phụ huynh đừng chủ quan lơ là nữa!

Cho dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhiều cái chết thương tâm của trẻ em do rơi từ tầng cao chung cư xuống đất. Thế nhưng sự việc đau lòng ấy vẫn liên tục xảy ra... Trách nhiệm thuộc về ai trong những vụ việc xót lòng đó?

Liên tiếp các vụ việc trẻ em rơi từ tầng cao chung cư

Mới đây, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xảy ra vụ cháu bé 5 tuổi tử vong do rơi từ tầng cao chung cư xuống. Theo đó, lúc 10g05 ngày 1 - 7, trong quá trình kiểm tra, nhân viên kỹ thuật của Tòa nhà A1, chung cư Vinaconex 1, 289A Khuất Duy Tiến (Trung Hòa, Cầu Giấy) đã phát hiện một cháu bé khoảng 5 tuổi đi lạc tại cầu thang bộ tầng 9. Ban quản lý đã liên hệ với gia đình cháu bé, ngay sau đó cháu bé đã được bố đón về.

Đại diện Ban quản lý tòa nhà cho biết, lúc 10g45 cùng ngày, bố cháu bé đã để con ở nhà tại tầng 11 rồi xuống tầng 6 họp với nhân viên. Tầm 11g, bố cháu bé xuống hô hoán với nhân viên rằng con mình rơi xuống sàn văn phòng tầng 3. Ban Quản lý đã hỗ trợ đưa cháu bé đến bệnh viện nhưng cháu bé đã không qua khỏi.

Cái chết đau lòng của cháu bé thêm một lần khiến người ta xa xót và không ngừng đặt câu hỏi, chung sống ở chung cư là xu thế phát triển của các đô thị lớn. Với Việt Nam, việc sống trên các chung cư cao tầng không quá xa lạ. Vậy tại sao sau vài chục năm "làm quen" vẫn cứ tiếp tục có sự cố!

Hà Nội tiếp tục xảy ra vụ cháu bé 5 tuổi tử vong do rơi từ trên cao xuống

Hà Nội tiếp tục xảy ra vụ cháu bé 5 tuổi tử vong do rơi từ trên cao xuống

Trước đây, khi các sự việc trẻ nhỏ tử vong do rơi từ chung cư xuống, không ít người đã mổ xẻ, soi xét kiến trúc cũng như thiết kế của các phòng của từng chung cư. Từ những câu chuyện thực tế, sau thời gian sử dụng, Bộ, Sở Xây dựng cũng đã liên tục điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo cho việc người dân có thể sinh sống an toàn ở chung cư. Độ cao ban công, độ cao cửa sổ cùng với những lỗ hổng lan can đều có quy chuẩn.

Theo đó, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam (QCXDVN) 05:2008/BXD, lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ tầng 9 trở lên phải có chiều cao tối thiểu là 1400mm. Tương tự, cửa sổ các phòng chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở, vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cũng phải cao ít nhất từ 1400mm tính từ mặt đất. Thậm chí khoảng cách giữa hai thanh lan can cũng được quy định rất rõ, độ rộng tối tiểu không quá 10cm.

QCVN 04-1:2015/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà ở và công trình công cộng cũng quy định, cửa sổ các phòng từ tầng 9 trở lên chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải thực hiện theo QCVN 05:2008/BXD. Rào hoặc lan can chống rơi ngã tại các cửa sổ đối với phòng từ tầng 9 trở lên phải không thấp hơn 1,4m; đối với phòng dưới tầng 9 phải không thấp hơn 1,1m.

Với QCVN:2019/BXD, vẫn tiếp tục rào, lan can ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m.

Đã rõ ràng tính toán như vậy, nhưng bọn trẻ vẫn cứ ngã, vẫn cứ rơi bằng... mọi cách.

"Khó có thể quy kết đó là lỗi của chủ đầu tư. Bởi dự án có sai xót trong thực hiện dự án, gây nguy hiểm hoặc dẫn đến chuyện tử vong của người dân thì chủ đầu tư sẽ phải đối diện với án hình sự. Mà việc bớt xén như hạ thấp độ cao ban công hoặc cửa sổ... không khiến chủ đầu tư giảm bớt được kinh phí nên không có chủ đầu tư nào dại dột cắt xén những hạng mục đã thuộc về quy chuẩn đó." - anh Nguyễn Bá Hồng, kỹ sư xây dựng của Công ty TNHH Ngọc Linh cho biết.

Cũng dễ hiểu, chủ đầu tư thực hiện đúng và đủ các hạng mục theo quy chuẩn, đã đủ tiêu chuẩn bàn giao và khi sinh sống, những vấn đề về an toàn trong cuộc sống lại thuộc trách nhiệm của người sử dụng.

Trao đổi về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Loan (Nam Đồng, Đống Đa) nêu quan điểm, trong các sự việc đau lòng trên, nên nhìn nhận trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Trẻ em từ 3 – 6 tuổi là lứa tuổi hiếu động lại chưa đủ ý thức về sự nguy hiểm, nên nếu lơ là, không chỉ việc rơi ngã mà bất cứ điều gì cũng khiến chúng tổn thương. Thực tế có nhiều gia đình bỏ qua những thiết kế mang tính quy chuẩn về an toàn mà sửa lại để cho tiện, hoặc thoáng... Thế nên mới có chuyện trẻ con leo ra hoặc chui qua các lổ hổng này để rơi xuống.

Cũng cùng quan điểm việc xảy ra những tai nạn thương tâm phần lớn là do người lớn chủ quan, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) cho rằng, cái lỗi thường để bàn học hay giường sát của sổ cũng là một cách tạo "điều kiện" để các cháu bé vốn hiếu động leo trèo, nhìn ngó qua cửa sổ hay cửa trượt.

Như vậy, có lẽ trách nhiệm lớn nhất trong các vụ việc gần đây có lẽ lại là phụ huynh. Chính người lớn mới là đối tượng nên học lại kỹ năng sống tại các khu nhà cao tầng song song với những việc triển khai triển khai các biện pháp an toàn trong căn hộ, với việc chú ý dạy dỗ con cái những kỹ năng sống an toàn.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xin-cac-bac-phu-huynh-dung-chu-quan-lo-la-nua-246458.html