Xin chào Sao Hỏa và một cuộc đua tay đôi

Sáng ngày 15-5, cả Trung Quốc thức tỉnh. Trên khắp các mặt trận truyền thông đều xuất hiện bốn chữ 'Xin chào, sao Hỏa'. Tàu thăm dò Thiên Vấn-1, quay xung quanh hành tinh đỏ từ ngày 10-2, đã đột ngột thay đổi quỹ đạo và thả vào bầu khí quyển một tàu đổ bộ mang theo robot tự hành Chúc Dung.

9 phút kinh hoàng mất liên lạc kết thúc, đánh dấu khoảnh khắc Trung Quốc là quốc gia thứ hai hạ cánh thành công một tàu thăm dò xuống sao Hỏa. Một nỗ lực cực kỳ ấn tượng, nhưng với Mỹ, đây lại là một câu chuyện khác.

Ám ảnh quá khứ

Thiên Vấn-1 là nỗ lực thứ hai sau thất bại của sứ mệnh Huỳnh Hỏa-1 từ năm 2011. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi sự kiện hạ cánh là bước tiến quan trọng đối với sứ mệnh liên hành tinh của khoa học Trung Quốc, để lại dấu ấn đầu tiên của Bắc Kinh trên bề mặt sao Hỏa, đồng thời khẳng định sức mạnh không gian đến từ “một thế lực mới”. Việc Trung Quốc lần đầu tiên có một tàu thăm dò tiếp cận thành công bề mặt hành tinh đỏ giáng một đòn mạnh vào chính quyền đương nhiệm Joe Biden, rằng Mỹ không còn độc quyền sở hữu không gian vũ trụ nữa.

Đối với thượng nghị sĩ Angus King, Bắc Kinh đang dần trở thành một thế lực đối chọi với Washington, đến mức ông tin rằng cuộc đua không gian giờ đây chỉ là trận chiến tay đôi Mỹ-Trung. Trong cuộc họp báo với chính quyền, Augus King đã miêu tả việc Trung Quốc chạm tay tới sao Hỏa chẳng khác nào “nỗi nhục Sputnik” của Mỹ. Chúng ta quay ngược thời gian hơn 6 thập kỷ trước, khi Liên Xô phóng thành công lên quỹ đạo về tinh Sputnik đầu tiên của nhân loại, khiến Washington “nghẹt thở”, làm chao đảo chính trường Mỹ bấy giờ. Cơn bấn loạn tạo nên một dấu ấn khó chịu đối với Washington, bởi lẽ Moscow đã vượt mặt họ để khơi mào một cuộc đua không gian kéo dài đến tận ngày nay.

Và giờ, Mỹ tiếp tục nhìn Trung Quốc nhẹ nhàng đáp lên sao Hỏa, như gửi tới một lời thách thức: không gian không của riêng ai! Người Mỹ, nhất là giới chính khách, như Augus King chẳng hạn, có vẻ hoan hỉ sau 9 phút kinh hoàng khi tàu thăm dò Thiên Vấn-1 mất tín hiệu. Thế nhưng, thế trận không gian hành tinh đỏ “không thể phá vỡ” của Mỹ đã bị chọc thủng khi Trung Quốc tuyên bố “chạm chân” xuống bề mặt sao Hỏa. Augus King nhắc lại cho báo giới về ký ức tiếng beep Sputnik “made in Moscow” kéo dài xuất hiện trên các kênh vô tuyến sóng ngắn, cảnh báo Mỹ sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với thứ động lực ghê gớm để hạ gục Trung Quốc.

Dư âm Sputnik tưởng chừng lùi vào dĩ vãng, thì giờ đây lại tái xuất. Augus King chú ý tới cái tên CNSA - Cục Không gian quốc gia Trung Quốc, cực kỳ kín tiếng so với NASA của Mỹ hoặc ESA của Châu Âu. Nếu như Liên Xô cũ khởi nguồn kỷ nguyên “made in Moscow”, thì CNSA tham vọng biến Trung Quốc trở thành một cường quốc vũ trụ từ những năm 2000. Còn nhớ, Trung Quốc “khiêu khích” Mỹ bằng những nhiệm vụ Thần Châu, trạm vũ trụ Thiên Cung, hay lần hạ cánh đầu tiên đến mặt bị che khuất của Mặt Trăng, cùng với thí nghiệm sinh học ngoài trái đất đầu tiên tháng 1/2019 do tàu thăm dò Hằng Nga 4 thực hiện.

Nhiệm vụ Thiên Vấn-1 thể hiện năng lực và trình độ khoa học rất cao, đồng thời sự kín đáo của Trung Quốc về chương trình không gian khiến Mỹ dè chừng trước tham vọng quyền bá chủ không gian, song song với tái thiết một thế giới đa cực ở địa cầu nơi Bắc Kinh đóng một vai trò quyết định. Nghị sĩ King dè chừng, lo ngại cho an ninh quốc gia. Bởi lẽ, một khi Bắc Kinh đã đặt được chân lên sao Hỏa cách Trái Đất hơn 200 triệu km, sẽ không hề có chuyện nhân từ khi xâm nhập vào nước Mỹ bằng mọi cách.

Nổi tiếng với những phát ngôn chỉ trích cựu Tổng thống Trump, Augus King cảnh báo chính quyền đương nhiệm về sức mạnh không gian của Bắc Kinh .

Nổi tiếng với những phát ngôn chỉ trích cựu Tổng thống Trump, Augus King cảnh báo chính quyền đương nhiệm về sức mạnh không gian của Bắc Kinh .

Không chỉ là khoa học

Chạy đua không gian, nếu ai nói rằng chỉ vì mục đích nghiên cứu khoa học, thì chưa thể đủ. Trong vòng ba tháng, Mỹ và Trung Quốc cho thế giới nhiều khoảnh khắc nghẹt thở khi tàu thăm dò Perseverance chạm đất hành tinh đỏ, rồi “người bạn” Thiên Vấn-1 tới trễ sau khoảng 3 tháng. Hai ông lớn đang ra uy với nhau trên sao Hỏa, khơi mào cuộc chiến chất xám chưa cần dùng đến vũ lực. Phía sau khoa học, là cả một cuộc chiến về chính trị, mà công nghệ chỉ như công cụ hỗ trợ bên cạnh tham vọng, tiền bạc và mưu toan chiến lược.

Hãy nghĩ tới nhà thám hiểm Ferdinand Magellan, Christopher Columbus, Francis Drake hay John Cabot, đi tới khám phá những vùng đất mới, nhưng vì mục tiêu trao đổi hàng hóa và tìm kiếm cơ hội mở rộng ảnh hưởng của quốc gia mình vượt khỏi biên giới nhỏ bé. Chúng ta có suy nghĩ rằng việc phát hiện ra những thú vị dọc đường thám hiểm chỉ đơn thuần là “ngẫu nhiên” mà thôi. Ngay cả khi Charles Darwin bước vào hành trình của con tàu Beagle, bản thân ông không nghĩ mình sẽ thu lượm được tri thức khoa học mới mẻ, khi mục đích của chuyến đi lại là vẽ lại bản đồ phục vụ giao thương.

Washington từng sống trong ánh hào quang của chương trình Apollo, với những sứ mệnh khốc liệt lên Mặt Trăng và sao Hỏa. Kỷ nguyên Apollo chấm dứt, Mỹ bỗng dưng chững lại, công nghệ trở nên “đuối” sau nhiều thất bại thử nghiệm, rồi hủy bỏ một số dự án tiềm năng như chương trình Constellation (Chòm sao). NASA từng tuyên bố đưa con người lên tiểu hành tinh vào sau năm năm nữa, và lên sao Hỏa trong những năm 2030. Tuy nhiên, người Mỹ tỏ ra ngờ vực sự thành công của tham vọng quá đỗi ngoài sức tưởng tượng này. Truyền thông chỉ trích chính quyền “lan man và cẩu thả” với hàng loạt kế hoạch... trên trời, mà thiếu đi sự tập trung cần thiết cho chương trình sao Hỏa, vốn là “mảnh đất hứa” mà Bắc Kinh đang âm thầm khai thác suốt nhiều năm qua.

Quan hệ Mỹ-Trung đang đóng băng, rồi sẽ ra sao khi Thiên Vấn-1 đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ trên bề mặt sao Hỏa? Trong căn phòng làm việc, nghị sĩ Augus King theo dõi mọi tin tức về Thiên Vấn-1, với đồng nghiệp, lặng lẽ gật đầu rằng người Mỹ có thể sẽ cảm thấy thất bại cay đắng, thậm chí tức giận vì Bắc Kinh đang ở ngay phía sau Washington trong cuộc đua không gian. Chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc vẫn còn đó, nguy cơ sẽ lại lạnh thêm sau thành công mới này.

Không thể bị nỗi nhục của Nga trong quá khứ ám ảnh, Mỹ tiếp tục rải tiền cho nghiên cứu, và âm thầm triển khai những chương trình không gian núp bóng dân sự. Thành công Thiên Vấn-1 biến chuyến làm việc với Bộ Tư lệnh không gian Mỹ của Augus King trở nên cực kỳ căng thẳng. Mọi tin tức về hành trình Thiên Vấn-1 đều được Washington theo sát từng giây, và rằng sứ mệnh sao Hỏa thành công này đã khiến Joe Biden nghĩ đến vài thay đổi chính sách. Theo tiết lộ, ấy là tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Không gian, gia tăng quân số lên 16.000 binh sĩ với ngân sách mỗi năm là 15,4 tỉ USD. Theo giới phân tích, chiêu bài này có vẻ hợp lý trong bối cảnh đe dọa tình báo do thám không gian từ Trung Quốc (và Nga) trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Dấu ấn của Thiên Vấn-1 trên sao Hỏa khẳng định sức mạnh không gian đến từ “một thế lực mới”.

Dấu ấn của Thiên Vấn-1 trên sao Hỏa khẳng định sức mạnh không gian đến từ “một thế lực mới”.

Cái bắt tay mơ hồ

Cách đây chỉ hai tháng, cuộc gặp song phương tại Anchorage (Alaska) chứng kiến sự đối đầu gay gắt, và quan trọng hơn cả là lời đáp trả “đanh thép” của Trung Quốc. Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Dương Khiết Trì, tuyên bố Trung Quốc sẽ chống lại mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Biden nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh bằng hành động trả đũa dứt khoát. Vậy nhưng, sau lần tiếp xúc mới đây với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về thành công của sứ mệnh Perseverance, ông Dương lại đổi chiều, muốn hợp tác “để cùng nhau làm nên lịch sử trong không gian”, với điều kiện Mỹ thể hiện thiện chí.

Việc Bắc Kinh mở lời khiến truyền thông đồn đoán về khả năng “xoa dịu căng thẳng” của mấy con robot vũ trụ. Cách đây gần 50 năm, cuộc ghép nối lịch sử các tàu vũ trụ Soyuz-19 (Liên Xô) và Apollo-18 (Mỹ) vào tháng 7.1975 mở đường cho sự hợp tác không gian giữa hai nước trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. “Cái bắt tay vũ trụ” đã trở thành một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất khi ấy, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của mối lương duyên giữa hai cường quốc không gian hàng đầu thế giới. Khi Liên Xô sụp đổ, Nga trở thành đối tác quan trọng xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), thậm chí tiếp tục duy trì hợp tác không gian với Mỹ, dù quan hệ song phương lạnh nhạt do khủng hoảng Ukraine.

Ngày nay, người lạc quan tin rằng đẩy mạnh hợp tác Mỹ-Trung nên bắt đầu từ chia sẻ dữ liệu viễn thám và giảm thiểu rác không gian thông qua đối thoại chung, bên cạnh việc triển khai các dự án thám hiểm vũ trụ có con người, hướng đến mục tiêu xây dựng căn cứ chung trên Mặt Trăng trong thập kỷ tới. Michael Collins của sứ mệnh Apollo 11 từng nói rằng Trái Đất trông thật mỏng manh bên ngoài vũ trụ. Và người đồng nghiệp Dương Lợi Vĩ hẳn cũng trải qua cảm giác ấy, trong chuyến đi Thần Châu 5 cách đây 18 năm. Suy nghĩ con người có thể giống nhau, vì vậy chẳng có lẽ gì đối đầu không thể nào xóa mờ. Với cả Mỹ và Trung Quốc, hợp tác trong không gian chính là cơ hội để cùng nhau xây dựng một hành tinh xanh phát triển hơn trong tương lai...

Lê Nam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/xin-chao-sao-hoa-va-mot-cuoc-dua-tay-doi-642984/