Xin chữ- Nét đẹp ngày xuân!

Xin chữ và cho chữ là nét văn hóa có từ lâu đời thể hiện truyền thống trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt và mong muốn có được may mắn, tài lộc, phúc thọ tựu tề. Có thể nhiều người không hiểu rõ về ý nghĩa của từng con chữ ( vì đó là chữ Nho), nhưng vẫn không thể ngó lơ qua bàn bút nghiên của các thầy đồ ở nơi đền, chùa, di tích…!

Thầy đồ trẻ khắc họa nét thư pháp tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong.

Thầy đồ trẻ khắc họa nét thư pháp tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong.

Những mùa xuân trước, cùng bạn bè trẩy hội thăm quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám- trường đại học đầu tiên của Việt Nam ở Thăng Long - Hà Nội; Đền thờ thầy giáo Chu Văn An và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở tỉnh Hải Dương; Chùa Keo- Thái Bình…, tôi không quên hòa mình vào dòng người xin chữ. Vì muốn thông hiểu thêm về ý nghĩa của từng con chữ cũng như tìm hiểu rõ về thú chơi "thư pháp” của những người trẻ hôm nay tôi thường lân la hỏi chuyện thầy đồ và được biết: Xin chữ, xin câu đối là một phong tục đẹp của người dân đất Việt trong mỗi dịp xuân về. Như lời thơ của cố giáo sư Vũ Đình Liên: "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Thực tế, cũng có thời điểm người dân không mấy mặn mà với nét văn hóa độc đáo này. Chứng kiến bước thăng trầm ấy thi sĩ, nhà giáo, giáo sư Vũ Đình Liên thốt lên rằng: "… Nhưng mỗi năm, mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu/ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”… Nhưng, đó đã là chuyện của những năm xưa (những năm 1930) khi cố giáo sư viết bài thơ "Ông Đồ” năm 1936.

Khi đất nước đổi mới, muôn dân có cuộc sống sống no, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, tục xin chữ lại được duy trì, theo đó tạo sự thăng hoa cho thú chơi "thư pháp”. Người cho chữ không chỉ là những ông đồ già mà có cả những ông đồ trẻ là môn sinh chuyên ngành Hán Nôm, đam mê thư pháp. Người xin chữ thuộc mọi lứa tuổi: giới trẻ (lứa tuổi học sinh, sinh viên) thường "xin” chữ Trí, chữ Tuệ, mong có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều; chữ "Học”, nhắc nhở chuyên cần học tập; chữ Thành, cầu mọi việc đều tốt đẹp. Lứa tuổi trung niên thường "xin” chữ Phát, mong muốn thành đạt, giàu có; chữ "Vinh”, để được công thành danh toại; chữ Quý, thể hiện sang trọng hiển vinh; chữ Hiếu; sống thảo hiền, quan tâm tới bề trên và chữ "Tâm”, chữ "Đức”, chữ "Nhẫn” để răn mình. Người già thường "xin” chữ Phúc, mong muốn có "tài, lộc, thọ, khang, ninh”; chữ Lộc, để có cuộc sống ấm áp, đầy đủ bớt phải lo toan; chữ Đức, sống có đức độ để phúc lộc lại cho con, cháu, chắt; chữ ninh: yên bình, bình an...

Cũng bởi việc " xin chữ” là một phong tục đẹp và ngày càng có nhiều người trẻ biết đến nên mấy năm gần đây, Hòa Bình cũng đã có một số điểm để xin chữ như: Chùa Hòa Bình Phật Quang- thành phố Hòa Bình, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong, hay trong các "Lễ hội Xuân hồng”, "Ngày Chủ nhật đỏ”- tức ngày hội hiến máu tình nguyện có thể dễ dàng nhập được hình ảnh thầy đồ cho chữ. Cầm trong tay chữ "Lộc” vừa xin ở bàn bút nghiên tọa tại Chùa Hòa Bình Phật Quang, bà Nguyễn Thị Lan, Phường Phương Lâm - thành phố Hòa Bình chia sẻ: "Tuy không biết nhiều về chữ Hán Nôm, nhưng nghe giảng về nghĩa của từ, rồi ngắm nhìn nét thư pháp của các thầy đồ cho chữ tôi mê lắm. Bởi thế khi đến với chốn đền chùa, các điểm di tích tôi thường chen chân để xin chữ. Năm nay, đến chùa vào đầu năm mới tôi xin chữ Lộc (chữ thường đứng giữ trong bộ Tam đa Phúc - Lộc - Thọ) để cầu may mắn, tài tộc, phúc tốt lành cho con cháu. Nhưng trên hết, việc xin chữ của tôi là để gìn giữ một phong tục đẹp”!

Lam Nguyệt

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/137860/xin-chu--net-dep-ngay-xuan.htm