Xin cô, đừng cho con tôi vào đội tuyển!
Phụ huynh là người hiểu rõ nhất năng lực của con mình, hiểu những hào quang ảo kia nên không ít người đã mạnh dạn tìm cách xin không cho con mình vào đội tuyển
LTS: Từ thực tế của bản thân trong việc giảng dạy cho các em học sinh trong việc ôn luyện đội tuyển Violympic, cô giáo Thuận Phương đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đang dạy trên lớp, thấy một phụ huynh cứ lấp ló ở cửa, dừng lại bài giảng, tôi bước ra ngoài xem họ cần gì.
Sau phút giây có vẻ ngập ngừng, chị nói: “Chào cô! Tôi là phụ huynh em Tuấn! Cô có thể cho con tôi rút tên ra khỏi đội tuyển học sinh luyện thi violympic được không ạ?”.
Giật mình nhưng tôi kịp bình tĩnh lại, đây là phụ huynh thứ 3 lên tiếng không muốn cho con vào đội tuyển luyện thi. Vì không có nhiều thời gian, tôi đã hẹn chị cứ về và tôi sẽ liên lạc lại.
Tôi đã trực tiếp gọi điện cho 3 phụ huynh để hỏi lý do vì sao gia đình lại không muốn cho con vào đội tuyển?
Mẹ học trò Tuấn đã lên tiếng: “Tôi thấy lực học của con cũng chỉ ở mức khá. Thi Toán trên mạng khó quá cô à. Con hỏi mà vợ chồng tôi không biết làm. Con đòi đi ôn ở lò luyện thi violympic nhưng chúng tôi lại chẳng có tiền”.
Phụ huynh em Ngân cũng chia sẻ: “Thấy con học mà xót ruột quá cô ơi! Chiều đi học về là lại đến nơi học thêm chỉ ôn luyện mỗi toán nâng cao, 8 giờ tối mới về đến nhà lại lao vào mở máy làm hết bài này đến bài khác. Nó nói cô bảo làm thế cho quen”.
Còn phụ huynh Nhật Duy cho biết: “Tôi thấy con làm toán trong sách giáo khoa còn sai lên sai xuống thì thi violympic cái nỗi gì hả cô?”.
Phụ huynh không đồng tình cho con tham gia cuộc thi nhưng giáo viên lại không dám đáp ứng yêu cầu ấy. Bởi đơn giản, thầy cô sợ “phản ứng dây chuyền” khi người này xin cho con nghỉ được, người kia sẽ bắt chước theo.
Và lúc đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ đối mặt với nguy cơ trắng học sinh giỏi ở các phong trào mũi nhọn.
Giáo viên bỏ tiết, học trò bỏ bài vì luyện thi ViOlympic
Không có học sinh đạt giải ít nhất là cấp trường hoặc cấp huyện thị, giáo viên sẽ mất điểm cộng trong thi đua, mất cơ hội được miễn viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhà trường cũng phần nào mất đi sự danh tiếng…
Cũng có không ít thầy cô lại chẳng màng gì đến danh hiệu thi đua cá nhân nhưng cũng chẳng thể thoái thác “để nhà trường nêu tên hoài vì làm công tác giáo dục không tốt nghĩ cũng kì”.
Thế là, “bó đũa so cột cờ”, dù học sinh không muốn thi, dù phụ huynh không có hào hứng cho con tham gia, dù chính giáo viên cũng chẳng muốn bớt xén thời gian chung của học sinh trong lớp để dành ôn luyện riêng cho đội tuyển nhưng thầy cô cũng không thể có lựa chọn nào khác.
Bởi thế, nếu học sinh nào lọt vào “tầm ngắm” của thầy cô giáo thì dù không muốn thi cũng chẳng dễ dàng gì.
Phụ huynh nói “con tôi học chưa tốt, làm toán trong sách giáo khoa còn sai nên không đủ khả năng để đi thi violympic chẳng phải không có lý".
Giáo viên khi chọn các em vào đội tuyển cũng đã tính “hết nước hết cái”. Nếu chọn cho đúng lực học thì mỗi lớp cùng lắm được 1 em, có lớp 1 em cũng chẳng thể tìm ra. Nhưng nếu thế, lại mất nguồn lúc nào không hay.
Với suy nghĩ “đội tuyển có nhiều em để nếu em này thi trượt còn có em kia thế vào” nên lớp ít nhất cũng 3 em, lớp nhiều lên đến cả chục em.
Có điều học sinh học trò kém thì thầy cô cũng mệt. Muốn có giải thưởng để “bằng chị bằng em” giáo viên phải mất nhiều công sức đầu tư hơn.
Chuyện học sinh làm toán trong sách giáo khoa còn sai lên sai xuống đôi khi lại chẳng liên quan gì nhiều đến việc các em sẽ được giải ở kì thi trên mạng hay không.
Thi Violympic trên mạng, như cái máy luyện "gà nòi"
Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế đã chứng minh vì không ít em chỉ học làng nhàng trong lớp nhưng lại đạt giải học sinh giỏi Toán violympic cấp thị, cấp tỉnh.
Đơn giản những thành tích ấy là sự nỗ lực không mệt nghỉ của thầy cô chủ nhiệm, của các lò luyện violympic. Vì nắm rõ cách lấy bài, cách thi Toán, Anh văn trên mạng nên hàng ngày thầy cô cứ luyện các em theo kiểu nuôi “gà nòi”.
Em nhanh ý hiểu cách làm, em dở hơn nhưng nhờ trí nhớ tốt lại nhớ được đáp số (đôi khi chẳng hiểu vì sao lại làm thế) nên vào thi gặp bài toán quen chỉ cần kích chuột là dễ dàng qua vòng.
Ngày vào phòng thi, thầy cô như ngồi trên đống lửa cầu mong cho trò vượt qua chướng ngại vật. Thương trò thì ít còn thương mình thì nhiều bởi bao công sức cả năm trời được ghi nhận nơi đây. Học sinh thi trượt thì “xôi hỏng bỏng không” cả “làng”.
Có lẽ, phụ huynh là người hiểu rõ nhất năng lực của con mình, hiểu rõ nhất những hào quang lấp lánh kia nên không ít người đã mạnh dạn tìm cách xin không cho con mình vào đội tuyển. Nhiều thầy cô cũng thấy mệt mỏi với những trò vô bổ ấy nhưng chẳng biết làm sao.
Nay trước tin Bộ Giáo dục và đào tạo tạm dừng những cuộc thi trên mạng, có lẽ giáo viên, phụ huynh và chính học sinh sẽ là người mừng vui nhất.