Xin đừng để có thêm nhiều 'vết sẹo'

Từ Mã Pì Lèng, nghĩ đến những 'vết sẹo' mà nhiều khu du lịch ở Khánh Hòa đang gây ra cho thiên nhiên và cảnh quan môi trường. Đó là những 'vét sẹo' ở Hòn Rùa, ở khu du lịch Bảo Đại, ở khu du lịch Ninh Phước (Ninh Hòa), dự án Nha Trang Sao…

Những ngày này, dư luận đang bức xúc về công trình 7 tầng không phép trên đỉnh Mã Pì Lèng ở Hà Giang - nơi được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, công trình như một cái đinh cắm trên đỉnh, phá vỡ cảnh quan kỳ vĩ ở đây. Rõ ràng, làm một công trình du lịch hài hòa với thiên nhiên luôn là bài toán khó, bởi một khi đã xâm phạm cảnh quan thiên nhiên thì hậu quả sẽ khôn lường.

Từ Mã Pì Lèng, nghĩ đến những “vết sẹo” mà nhiều khu du lịch ở Khánh Hòa đang gây ra cho thiên nhiên và cảnh quan môi trường. Đó là những “vét sẹo” ở Hòn Rùa, ở khu du lịch Bảo Đại, ở khu du lịch Ninh Phước (Ninh Hòa), dự án Nha Trang Sao… Nhiều dự án mang danh du lịch sinh thái nhưng vô tư lấn biển, phá rừng.

Đồng ý là làm du lịch đôi khi phải có tính đột phá, nhưng với những gì thiên nhiên ban tặng, đột phá không có nghĩa là phải bằng mọi cách tận dụng, khai thác triệt để lợi thế thiên nhiên để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, việc UBND tỉnh cấp phép cho các dự án là phù hợp, nhằm phát triển du lịch, góp phần nâng cao chất lượng khai thác, cũng như bảo tồn giá trị thiên nhiên. Thế nhưng, không ít chủ đầu tư đã lợi dụng xây dựng phát triển các dự án để lấn biển, xâm phạm thiên nhiên, điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan mà còn vi phạm Luật Di sản.

Những gì mà thiên nhiên ban tặng là vô giá. Chính vì thế, việc giữ gìn tài nguyên quý giá ấy cần có chiến lược, tầm nhìn, không thể cứ thấy lợi là làm. Bởi, phá đi bao giờ cũng dễ hơn khắc phục. Có những thứ bằng mọi giá phải giữ gìn, tôn tạo, vì đó là “của để dành” cho con cháu đời sau.

Trở lại vụ Mã Pì Lèng, công trình này là công trình “4 không”: không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Một lần nữa, đây lại là bài học về kỷ cương, kỷ luật, về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Tương tự như ở Khánh Hòa, nhiều dự án sai phạm cũng không bị phát hiện ngay từ đầu. Điều đó đặt ra câu hỏi về công tác quản lý, về cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý…

Có lẽ, với thiên nhiên và cảnh quan môi trường, cách duy nhất để không có thêm những “vết sẹo” xấu xí ấy, chính con người phải biết cách hành xử, biết trân quý những giá trị tài nguyên thiên nhiên. Nếu chưa làm cho thiên nhiên đẹp hơn thì xin đừng làm tổn thương những nét đẹp vốn có!

LỆ HẰNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/201910/xin-dung-de-co-them-nhieu-vet-seo-8132784/