Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh!

Tháng 7 về, tháng tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã vì Tổ quốc mãi mãi ra đi hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Tháng 7 là dịp để chúng ta, những người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do hôm nay thể hiện trách nhiệm với những hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ… Với nhà thơ, nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, bằng những vần thơ đầy xúc cảm, ông 'đính chính' lại cách gọi tên, tri ân liệt sĩ một cách nhân văn, chính xác hơn.

Từ trăn trở đầy nhân văn của một nhà báo

Chúng tôi thật may mắn khi được tiếp chuyện nhà thơ, nhà báo Trần Văn Hiền nhân chuyến công tác tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7-2024. Dáng người cao gầy, chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng khi nhắc đến bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”, ông bỗng dưng trẻ lại, hào hứng hẳn lên. “Một buổi chiều hè năm 1999, tôi đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tôi như lặng đi khi nhìn vào những dãy bia mộ liệt sĩ, càng bùi ngùi hơn khi quan sát thấy có quá nhiều tấm bia ghi dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”. Vì chúng ta chưa tìm được tên tuổi của những người đã vì Tổ quốc mà mãi mãi ra đi ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, vì chúng ta theo thói quen sử dụng cụm từ này mà không hề suy nghĩ. Tôi thoáng giật mình, nhận ra bản thân và tất cả chúng ta đang thật vô tâm, chỉ vì một cách gọi chưa chính xác, tại sao lại vô danh? Tất cả chàng trai, cô gái ưu tú nhất của đất nước trước khi ra tiền tuyến đều có họ tên đầy đủ cơ mà. Phải làm gì để đổi thay sự vô tâm, vô ý này của tất cả chúng ta?! Suy nghĩ đó đến thật nhanh và những vần thơ cứ thế chợt đến... Tôi ngồi bên cạnh các anh chị, nơi Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào để hoàn thành bài thơ chỉ trong vỏn vẹn một giờ” - nhà thơ Văn Hiền kể lại.

Nhà báo Trần Văn Hiền trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Nhà báo Trần Văn Hiền trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Ngay từ những vần thơ đầu tiên, tác giả Văn Hiền đã nhắc chúng ta hãy nhân văn hơn khi nhắc đến những người đã ngã xuống.

Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa...”

Một cách tinh tế, nhà thơ Văn Hiền khẳng định: Hàng vạn người con ưu tú lên đường ra tiền tuyến theo tiếng gọi của non sông đều có tên tuổi, quê quán, đơn vị hẳn hoi. Từ tướng tá cho đến binh nhì, dân công hỏa tuyến... Tất cả họ có vô danh đâu!.

“...Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác”

Tác giả khẳng định “anh từng có tên” và anh lớn lên trên làng quê, đồng ruộng thân thuộc, nơi mẹ Việt Nam đã sinh ra anh, nuôi anh khôn lớn bằng sản vật quê nhà, là hạt lúa, củ khoai để anh khỏe mạnh lớn lên có “Bàn chân săn chắc dáng trai”. Lên đường theo tiếng gọi của non sông, anh đi đánh giặc, anh không tiếc máu xương khiến cho quân thù phải kinh hồn bạt vía trước “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ...”.

Bài thơ chỉ có 27 câu, nhưng tác giả lặp lại đến 5 lần cụm từ “xin đừng...” đầy da diết. Nhà thơ Văn Hiền nhấn mạnh: “Tổ quốc không đánh mất tên anh”, để chỉ rõ trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền, của cộng đồng, của tất cả chúng ta, những người còn sống và được sống trong hòa bình, độc lập, no ấm hôm nay. “Chúng ta phải nhận trách nhiệm về mình và không thể đề lên ngôi mộ của những anh hùng, liệt sĩ có đủ họ tên, quê quán hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do của Tổ quốc là “Liệt sĩ vô danh” được. Phải khẳng định là “có danh”, chỉ là chúng ta chưa tìm ra, chưa trả lại tên cho các anh được, thế thì phải thể hiện bằng một cách khác - “Liệt sĩ chưa xác định tên tuổi chẳng hạn” - nhà báo Trần Văn Hiền trăn trở và điều này được ông khẳng định trong khổ cuối của bài thơ:

“...Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”.

Tổ quốc không bao giờ để mất tên anh

Niềm tự hào của thơ ca, tiếng nói của văn học, nghệ thuật đã làm lay động bao trái tim trước sự hy sinh của người lính. Ngay cả lúc nằm dưới cỏ, họ vẫn chịu thiệt thòi bởi một cách gọi không chính xác, lâu ngày thành tên gọi phổ biến “Liệt sĩ vô danh”. Chính vì thế, bài thơ ra đời không lâu đã gây hiệu ứng xã hội rất lớn.

“Liệt sĩ nào cũng có tên tuổi. Nếu chưa tìm được, chúng ta cần thống nhất một tên gọi là “Liệt sĩ chưa biết tên”, không nên để “vô danh”. Tình trạng bia mộ vô danh đã tồn tại nhiều năm và cần điều chỉnh lại cho đúng với thực tế. Khi tham gia kháng chiến, các cô, bác, anh, chị đều có họ tên, quê quán và năm sinh. Trước khi ra trận, trong ba lô của các anh, các chị đều có một trích yếu lý lịch rõ ràng, được bọc kín trong túi ni-lon và giấu kỹ dưới đáy ba lô. Trích yếu ghi rõ họ tên, quê quán, nhóm máu và khi cần báo tin cho ai, ở đâu” - Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam chia sẻ.

Một góc Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, tỉnh Nghệ An

Một góc Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, tỉnh Nghệ An

Đài Truyền hình Việt Nam ngay sau đó cũng sản xuất bộ phim tài liệu “Không ai là vô danh”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam có nghị quyết đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khắc lại bia cho 70 vạn liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Cũng từ bài thơ đầy trách nhiệm của nhà thơ Văn Hiền, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công điện số 06 ngày 6-7-2020, đôn đốc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu theo Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7). Công điện nhấn mạnh: Hoàn thành việc sửa thông tin trên bia mộ: Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 3-6-2014 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; đối với những mộ liệt sĩ không có thông tin hoặc khắc chữ “Liệt sĩ vô danh” hoặc “Liệt sĩ không xác định được danh tính” thì trên bia mộ được sửa lại là: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Vĩ thanh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Các anh nằm giữa lòng đất mẹ và dù trên tấm bia đá kia có ghi tên tuổi cụ thể hay chỉ là dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” thì các anh cũng không bao giờ vô danh. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng! Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” và Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”. Và chính Người cũng là tấm gương tiêu biểu nhất.

Nghĩa trang liệt sĩ Đô Lương, nơi nhà báo Trần Văn Hiền thường xuyên viếng thăm

Nghĩa trang liệt sĩ Đô Lương, nơi nhà báo Trần Văn Hiền thường xuyên viếng thăm

Tấm bia đá khắc bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” đặt trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào

Tấm bia đá khắc bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” đặt trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào

Rất nhiều bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước đã được sửa lại là mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin

Rất nhiều bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước đã được sửa lại là mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin

Với cá nhân nhà thơ Văn Hiền, ông chưa nhận được một giải thưởng nào từ bài thơ đầy tính nhân văn ấy. Vậy nhưng, tấm bia đá trang trọng khắc bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” của ông đã được Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào vào tháng 10-2010, chính là phần thưởng lớn, cao quý nhất.

Trả lại tên cho liệt sĩ để Tổ quốc không mất tên anh - hiệu ứng lớn từ bài thơ cũng là điều nhà thơ, nhà báo Văn Hiền tâm đắc: “Sức mạnh của thơ ca, văn học, nghệ thuật và những trang báo đầy tinh thần, trách nhiệm của chúng ta đang góp phần thực thi tốt chính sách với người có công mà Đảng, Nhà nước ta đang triển khai thực hiện. Tôi chỉ mong bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” của tôi sẽ là lời nhắc nhở các thế hệ muôn đời sau đừng bao giờ vô tình với người hy sinh cho đất nước mình”. Chính tình cảm này, mà nhà thơ, nhà báo Văn Hiền đã có hành trình 15 năm tìm được 512 liệt sĩ là nhà báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh, hiện đang được thờ tại Chùa Da, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Minh Nhâm - Hưng Cát - Như Nam

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160542/xin-dung-goi-anh-la-liet-si-vo-danh