Xin đừng vô ơn!

Việc MC Bích Hồng, cộng tác viên của Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đăng thông tin trên trang cá nhân và người phụ nữ cầm dao rạch pa nô tuyên truyền chào mừng kỷ niềm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến dư luận bất bình, phần nào cho thấy có không ít người đang hồn nhiên đến mức vô ơn trước những mất mát hi sinh của thế hệ đi trước.

Người trẻ chụp ảnh ở những tuyến phố cờ hoa trong những ngày này bằng một niềm phơi phới tự hào. Ảnh nguồn: Internet

Người trẻ chụp ảnh ở những tuyến phố cờ hoa trong những ngày này bằng một niềm phơi phới tự hào. Ảnh nguồn: Internet

Tấm pa nô vừa lắp đặt vài ngày để phục vụ công tác tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì bị một người phụ nữ ở phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dùng dao rạch, đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội với hàng ngàn bình luận lên án hành vi...

Trước đó, chỉ vì bị kẹt xe do thực hiện cấm lưu thông tạm thời tại một số tuyến đường trung tâm ở TP Hồ Chí Minh để phục vụ hoạt động hợp luyện của các lực lượng diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, MC Bích Hồng đã viết lên facebook cá nhân: "Xin đội ơn diễu binh diễu hành. Nhờ vậy mà thay vì 45 phút từ Quận 12 về Quận 7 thì bây giờ 1 tiếng 30 phút vẫn nhích từng chút một ngoài đường. Với tư cách là người sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn tôi xin phép không vui.... vì rất phiền".

Cư dân mạng không hiểu nổi vì sao một MC - được xem là người của công chúng, lại có thể phát ngôn vô cảm như vậy trong khi mọi người đều đang hân hoan chào đón những hoạt động kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có người còn đạp xe từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chỉ để theo dõi trực tiếp hoạt động diễu binh, diễu hành.

Những hành động phản cảm kia là do họ quá ích kỉ, quá cá nhân, quá coi thường quá khứ? Hay bởi họ thiếu hụt nền tảng giáo dục kiến thức lịch sử, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân?.

Thiết nghĩ một người bình thường cũng không bao giờ mang xúc cảm đó. Mọi người bình thường đều hiểu rằng biết bao người đã dừng mãi ở tuổi 20 để hôm nay chúng ta có hòa bình hạnh phúc; nhiều người đã bị “mắc kẹt” dưới những địa đạo đầy bùn đất để ngày hôm nay chúng ta được “kẹt xe”.

849.018 liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, có những người mẹ như mẹ Nguyễn Thị Thứ, mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam; mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị; mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận; mẹ Nguyễn Thị Rành ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh... đã mất đến 8-9 người con. Những con số ấy chỉ đọc lên đã khiến chúng ta nhói đau. Có thể ai đó không trải qua những ngày tháng chiến tranh, nhưng chẳng lẽ họ lại có thể vô cảm với số phận con người, không chút tự hào nào trước triệu triệu lá cờ đang tung bay, với sự kiện thiêng liêng của đất nước? Đây không còn là sự vô cảm. Đây chính là tội danh vô ơn. Thế hệ ông cha chúng ta đã cầm súng để thế hệ hôm nay được cầm bút ngồi trên ghế nhà trường, được vui đùa trong hòa bình, được tự do bay khắp mọi phương trời.

Tôi ước gì mình được đến TP Hồ Chí Minh những ngày này, được trực tiếp chứng kiến không khí kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm hơn nửa đời một con người, nhưng hơn hết, 50 năm ấy là biết bao người đã đổ mồ hôi, xương máu. Tôi sẽ đến Dinh Độc lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, thăm địa đạo Củ Chi để nghe kể về những hy sinh của bộ đội và Nhân dân ta; đi một vòng trung tâm thành phố để đến bến Bạch Đằng ngắm trận địa pháo lễ và check-in đánh dấu niềm tự hào vì được đến đây vào những ngày lịch sử này.

Nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay, ai người Việt Nam mà không rưng rưng niềm cảm xúc biết ơn.

Xin được tri ân những người đã ngã xuống. Xin được hô vang 2 tiếng VIỆT NAM!

KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xin-dung-vo-on-36871.htm