Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi!

Làm theo lời Bác, sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Thanh Hóa đã thực hiện thành công đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2021)

Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức dâng hương, báo công Bác tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại TP Thanh Hóa). Ảnh: Lê Phượng

Xuân này, tròn 74 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm tỉnh Thanh. Mùa xuân nhớ Bác, vẫn thấy đâu đây bóng hình Người.

Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm bên con phố Lê Hoàn sầm uất nhất TP Thanh Hóa những ngày tết và đầu xuân mới luôn rộng cửa đón Nhân dân thành phố và du khách thập phương về thăm. Trong thoang thoảng hương trầm, trong ngan ngát hương hoa, dòng người lặng lẽ, chầm chậm, thành kính dâng lên Bác với cả tấm lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ kiệt xuất của Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới - người đã hiến dâng cuộc đời mình để mang lại cơm no, áo ấm, độc lập, tự do cho dân tộc.

Còn đây những hình ảnh thân thương của Người trong những lần về thăm quê Thanh, còn đây những bức thư, những bài viết chan chứa tình yêu thương của Người dành cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh.

Lần đầu tiên Bác về thăm tỉnh Thanh vào ngày 20-2-1947, sau 2 tháng phát động Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Đức Nghi ở phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa - người đã dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu những lần Bác về thăm tỉnh Thanh, từng cho chúng tôi biết: Với tầm tư duy chiến lược, Người đã nhận thấy Thanh Hóa có vị trí quan trọng trong thế chiến lược chung của đất nước, có thể trở thành một hậu phương vững mạnh, điểm tựa vững chắc cho các phong trào cách mạng của đất nước. Vì vậy, trong chuyến đi này, sáng ngày 20-2, Bác nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Buổi chiều, Người gặp gỡ các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tại Trại Phủ Hùng (gần núi Một). Gần tối trong khoảng thời gian rất ngắn, Bác đã nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa trong cuộc mít tinh đón Người tại nhà Bác Cổ (sau là Hiệu sách Nhân dân thành phố). Cụ Hồ trao đổi sâu về công tác cán bộ và trường kỳ kháng chiến. Người đã đặt ra nhiệm vụ về xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

Sau chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn về thăm Thanh Hóa vào các năm 1957, 1960, 1961, kịp thời động viên Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa bước vào cuộc chiến đấu mới trên các mặt trận, cũng như kiểm thảo phong trào xây dựng Thanh Hóa “kiểu mẫu” như lời căn dặn trong chuyến về thăm đầu tiên của Người. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, lập những kỳ tích to lớn, hoàn thành xuất sắc trọng trách của hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của, nhân tài, vật lực cho tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Rưng rưng trước bức hình Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng cán bộ và các cháu con em cán bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong lần cuối Người về thăm (tháng 12-1961), chị Hoàng Hoa ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, bộc bạch: “Đây là bức ảnh vô giá đối với gia đình chúng tôi. Trong bức hình này, có bố tôi, anh trai tôi vinh dự được chụp cùng với Bác. Năm ấy, bố tôi làm trong Ban tuyên huấn Tỉnh ủy, được phân công đi theo đoàn công tác để ghi chép lại những hoạt động của Bác trong chuyến đi của Người về quê Thanh. Bố đã nhiều lần kể cho chúng tôi nghe, lần ấy Bác đã về thăm HTX Yên Trường (Yên Định), thăm Nhà máy cơ khí Thanh Hóa, Bác đã nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh tại sân vận động, sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bác đã thăm các cháu bé ở nhà trẻ cơ quan Tỉnh ủy, trường mầm non thị xã. Người luôn gần gũi, thăm hỏi ân cần bà con nông dân, công nhân về tình hình sản xuất, đời sống. Người rất vui khi được gặp và chia kẹo cho các cháu nhỏ. Những tình cảm của Người đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên lớn lao cho cán bộ, Nhân dân tỉnh Thanh, luôn luôn cố gắng, ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu”.

Ông Trịnh Gia Minh, người từng được Bác tặng huy hiệu khi về thăm Yên Trường (Yên Định), kể lại: “Ngày 11–12–1961, Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường. Lúc này, Yên Trường là một trong những địa phương điển hình trong sản xuất của miền Bắc. Khi ấy, tôi vừa là bí thư đoàn thanh niên của xã, vừa là đội trưởng của một đội sản xuất thuộc HTX, có thành tích trong tổ chức, kêu gọi Nhân dân làm thủy lợi nên đã được Bác hỏi thăm, động viên, khen thưởng huy hiệu. Tôi vô cùng tự hào và vui sướng. Suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện như lời Bác đã căn dặn để có nhiều đóng góp cho tổ chức, cho cách mạng”.

Vâng lời Bác dạy, Đảng bộ và Nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định đã phấn đấu, thi đua đạt nhiều thành tích trong sản xuất. Ngày nay, Yên Định đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, là địa phương đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành sớm các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.

Làm theo lời Bác, sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Thanh Hóa đã thực hiện thành công đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Từ chỗ thường xuyên thiếu lương thực, Thanh Hóa đã vươn lên bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và có một phần lương thực hàng hóa. Từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã vươn lên có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 của cả nước. Là một trong số các tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước; đi đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp đã trở thành trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế, với hạt nhân là công nghiệp nặng. Thu ngân sách đã dần cân bằng được cán cân.

Thanh Hóa cũng vinh dự được đón nhận nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vào năm 2020. Đây là sự ghi nhận của Trung ương đối với những đóng góp của Thanh Hóa, cũng là mở ra thời cơ để Thanh Hóa phát triển thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, trở thành kiểu mẫu của cả nước như lời căn dặn năm xưa của Bác kính yêu.

Những thành tựu to lớn đạt được đó là kết quả của việc thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị toàn diện về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ như lời Bác Hồ dạy, coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, luôn luôn lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

74 mùa xuân qua, lời Bác dặn: Xây dựng Thanh Hóa “trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, đã trở thành tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và mục tiêu phấn đấu của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong những ngày mùa xuân lịch sử này, tinh thần ấy đang được nhân lên mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hòa cùng với tinh thần, khát vọng phát triển của dân tộc, của đất nước đã được Đại hội XIII của Đảng quyết nghị; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua: “Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu” để góp sức xây dựng nên “một nước kiểu mẫu”, một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Hà Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/xin-nguyen-cung-nguoi-vuon-toi-mai/131945.htm