'Xin phép, lát nữa tôi phải lái xe về'
Chưa bao giờ, lời từ chối 'Xin phép, lát nữa tôi phải lái xe về' đưa ra trên bàn tiệc ở Hà Tĩnh lại được chia sẻ và cảm thông nhiều như hiện nay.
Vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên xảy ra vụ việc nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn làm một người chết. Rất nhanh sau đó, tài xế này bị cơ quan điều ra khởi tố, bắt tạm giam. Hàng loạt tin nhắn của các hội nhóm bạn bè mà tôi tham gia chia sẻ thông tin này như lời cảnh tỉnh đối với những “ma men” đã từng và chưa thôi ý định “tôi mới uống vài chén, đã có gì đâu mà không thể lái xe về”.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng vừa đưa tin, chỉ trong một đêm thực hiện chuyên đề nồng độ cồn của Công an Hà Tĩnh, đã có hàng chục trường hợp vi phạm; trong đó có một số người là đảng viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Ngoài việc bị xử phạt theo quy định pháp luật, người vi phạm nồng độ cồn còn bị cơ quan chức năng gửi thông báo tới đơn vị công tác. Các mức “án phạt” này đã có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi rất tốt, đa số người cầm lái “biết sợ” khi trong mình có hơi men.
Còn nhớ cách đây ít tháng, trong cuộc giao lưu với đối tác một đơn vị, khi tất cả đều “chếnh choáng”, nhóm chúng tôi - người thì gọi vợ hoặc chồng, người gọi dịch vụ lái xe hộ hoặc taxi để được “hộ tá” về nhà; trong khi đó, phía đối tác lại điềm nhiên lên xe cầm lái, lao vun vút trước sự ngỡ ngàng và không khỏi lo lắng của chúng tôi. May mắn là không có chuyện gì xảy ra nhưng nếu như ở thời điểm này, chắc các anh “ăn gan hùm” cũng không dám tái diễn.
Theo cơ quan chức năng Hà Tĩnh, từ sự quyết liệt của lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, đến nay, ý thức người dân đã có chuyển biến rõ rệt. Số người vi phạm nồng độ cồn giảm nhiều so với số trường hợp được kiểm tra. Hơn nữa, quy định và sự nghiêm túc khi thực hiện kiểm tra, xử phạt đã góp phần hình thành thói quen “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Cũng bởi ý thức được nâng lên nên chưa bao giờ câu từ chối “Xin phép, lát nữa tôi phải lái xe về” được đưa ra tại mỗi cuộc liên hoan lại trở nên... hot trend đến thế. Trước đây, nếu không muốn “chén chú chén anh” vì lý do riêng, nhiều người rất khó mở lời từ chối hoặc nếu có mạnh dạn nói ra thì cũng bị ép làm vài ly... gọi là. Nhưng nay, “lát nữa tôi phải lái xe về” là lý do hợp lý nhất và được đồng tình rất cao. Mọi người đều rất thông cảm, chia sẻ vì chỉ cần vài chén thôi mà cầm lái là đã vi phạm nồng độ cồn.
Trường hợp vẫn muốn hết mình, vui vẻ với bạn bè, đối tác trong mỗi bận liên hoan thì có nhiều phương án như “gọi điện thoại cho người thân”, sử dụng dịch vụ lái hộ, đi taxi... để về nhà.
Câu chuyện bác thợ nề ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) mất phương hướng, không tìm được đường về nhà vì bị “ma men” dẫn lối sau cuộc liên hoan làm “dậy sóng” cộng đồng mạng những ngày vừa qua. Sau khi được lực lượng chức năng trao đổi, giải thích về mối nguy hại khi vi phạm quy định về nồng độ cồn, bác thợ nề đã được lực lượng chức năng yêu cầu gọi người thân đến đón về. Và “đó rách ngáng trộ” (vợ - PV) là người được bác “lựa chọn” để thực hiện nhiệm vụ... cao cả đó.
Dư luận dành rất nhiều sự đồng thuận về cách xử lý của lực lượng chức năng cũng như chia sẻ với bác thợ nề. Nhiều người cho rằng, từ câu chuyện này rút thêm kinh nghiệm, sẽ “gọi điện thoại cho người thân” trước khi nhập cuộc nhậu, thông báo địa điểm để người thân chuẩn bị. Đây được xem là một phương án khả thi, hợp lý, tiết kiệm, đầy... tình thương và trách nhiệm mỗi khi lỡ có men trong người.
Chắc không chỉ tôi mà rất nhiều người đồng tình với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự tuân thủ của người dân đến từ mức phạt cao, đủ sức răn đe và việc lực lượng chức năng tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Có nghĩa, nhiều người sợ... bị phạt chứ chưa hẳn đã hiểu tác hại của rượu, bia.
Bằng hình thức này hay hình thức khác, việc người dân không lái xe sau khi uống rượu, bia cũng đều mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không uống vì “sợ bị phạt” thì khi vắng bóng lực lượng chức năng, việc tuân thủ có còn được thực hiện nghiêm túc? Bởi vậy, song song với việc làm nghiêm, làm chặt, thiết nghĩ cần làm sâu, làm rộng, làm thường xuyên, liên tục để người dân thực sự hiểu và ý thức được tác hại của rượu, bia, nhất là khi tham gia giao thông.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xa-hoi/xin-phep-lat-nua-toi-phai-lai-xe-ve/260470.htm