Xơ mướp 'đổi đời'

Trái mướp không còn bèo bọt trên sạp rau ở chợ, khi người nông dân còn chuyển sang bán xơ mướp - nguyên liệu làm nên những sản phẩm thủ công (handmade) có giá trị cao hơn.

Xơ mướp “lên đời”

Ghé chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhiều người không khó để bắt gặp những sản phẩm làm từ xơ mướp như cây gãi lưng, miếng rửa chén, lót nồi, mà nhiều nhất là trở thành dụng cụ kỳ cọ khi tắm. Tất cả đều được đóng bao bì, niêm yết giá… phục vụ khách du lịch. Bà Trần Thị Thu (SN 1964) tiểu thương chợ Cồn, hào hứng cho biết, khi được giới thiệu rằng “xơ mướp nhúng nước trở nên mềm mại hơn và việc thải bỏ sau khi sử dụng chỉ mất 1 tháng để phân hủy”, nhiều du khách nước ngoài, nhất là khách Hàn Quốc khá tò mò, tỏ ra rất thích thú.

 Các sản phẩm từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư được trưng bày ở chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Các sản phẩm từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư được trưng bày ở chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Đó cũng là một trong những lý do thôi thúc chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) quyết định khởi nghiệp từ xơ mướp. Năm 2022, trong một lần đi siêu thị, chị Ngọc Thư tình cờ nhìn thấy những sản phẩm làm từ xơ mướp với giá rất cao, thân thiện với môi trường, được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, chị sinh ra và lớn lên ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), nơi mà hầu như nhà nào cũng có giàn mướp. Mọi người chỉ thu hoạch mướp non để ăn hoặc bán, quả già thì lấy hạt làm giống. Xơ mướp thường bị vứt đi, không có giá trị gì. Đôi khi, mướp không dùng hết, mỗi cuối vụ, hàng chục quả khô già bỏ chỏng chơ. Sự thân thuộc ấy là động lực giúp chị phát triển ý tưởng.

Nghĩ vậy, chị Thư liền mua một số sản phẩm làm từ xơ mướp ở nhiều nhà cung cấp để tìm hiểu chất liệu, quá trình tạo sản phẩm. Chị nhận ra xơ mướp có đặc trưng dai, bền, nhanh khô, có khả năng chà tẩy mà không gây trầy xước da. Đây cũng là nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Chọn xơ mướp khởi nghiệp bởi mướp là cây dễ trồng, phát triển nhanh, thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng Việt Nam rất dồi dào… Sử dụng xơ mướp không chỉ giúp giảm bớt sự lãng phí tài nguyên nông nghiệp sẵn có trong thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Quan trọng nữa là khi tham vấn thị trường, chị nhận thấy sản phẩm từ xơ mướp có tiềm năng phát triển bởi các nước có tiêu chuẩn cao về môi trường rất ưa chuộng.

Trầy trật khởi nghiệp

Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, chị Ngọc Thư mất nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu quy trình trồng. Mới nhìn ai cũng tưởng dễ nhưng không phải cứ để quả mướp già là có thể lấy xơ. Nông dân miền Trung hầu như ai cũng biết trồng mướp nhưng cách lấy xơ thì bà con chưa từng làm. Chị Thư tận dụng khu vườn 1ha ở quê để thử nghiệm nhiều loại mướp, thất bại không ít bởi quả mướp không đạt, quả nhỏ, xơ nhỏ, màu xấu. Mất 1 năm tìm tòi và “học phí” gần 200 triệu đồng, chị mới tìm được loại mướp ưng ý.

“Mỗi một hạt mướp được tính 1.000 đồng, trong khi tôi phải mua nhiều bao tải hạt mướp để trồng thử nghiệm nên số tiền bỏ ra khá lớn. Quá trình thử nghiệm, tôi không thể trồng giống mướp ăn mà chọn loại để lấy xơ. Quả mướp đạt chuẩn là to, thẳng, dày, nhiều xơ, màu sáng đẹp, không bị ong chích và đen, mốc”, chị Thư chia sẻ.

Thời tiết miền Trung có 2 mùa mưa, nắng. Vì vậy, người nông dân chỉ trồng được từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, đến tháng 7 thu hoạch. Với mùa mưa, bên cạnh liên hệ nhà cung cấp ở các tỉnh phía Nam, chị Thư đặt hàng người nông dân địa phương trồng dôi dư gấp 2-3 lần sản phẩm để kho dùng dần. Giải quyết được nguồn nguyên liệu, chị mò mẫm sáng tạo sản phẩm. Phải mất nửa năm chị mới có thể làm ra sản phẩm bông tắm đầu tiên và mất cả năm trời mới tối ưu được toàn bộ quy trình. Đến nay, chị Ngọc Thư đã phát triển thành hàng chục sản phẩm dành cho nhà tắm, nhà bếp và các sản phẩm thời trang, trang trí nhà cửa... từ xơ mướp. Các sản phẩm có giá từ 25.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.

1 năm sau khi khởi nghiệp, khi bắt đầu mở rộng vùng trồng, chị Ngọc Thư quyết định nghỉ hẳn công việc giảng dạy. Thông qua sàn thương mại điện tử Amazon Shopee, Lazada,… chị Ngọc Thư xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Canada, Australia, Hàn Quốc… với số lượng đều đặn khoảng 4.000 sản phẩm/tháng. Riêng thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 2.000 sản phẩm/tháng. Các sản phẩm mang đến cho chị doanh thu 100-200 triệu đồng/tháng.

Nâng tầm nông sản Việt

Nói về vùng trồng mướp, 2 năm nay, nhiều hộ dân ở ven sông Thu Bồn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã ký kết hợp đồng với cơ sở của chị Ngọc Thư. Theo chị Trương Thị Hạnh, cán bộ địa chính nông nghiệp của xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên), để có kết quả này, chị và chị Ngọc Thư phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giải thích cho bà con hiểu. Với loại cây quen thuộc, nhưng quy trình hoàn toàn xa lạ nên khi được ngỏ lời mời tham gia, bà con khá e ngại do vốn chỉ quen canh tác các loại rau màu. “Hơn ai hết, mình là cán bộ, mình phải là người tiên phong trong mọi phong trào. Vì vậy để vận động có hiệu quả, bản thân tôi cũng tham gia trồng 2 sào mướp. Sau một thời gian, tôi mời những hộ lân cận đến tham khảo, tạo niềm tin và khuyến khích những hộ khác làm theo”, chị Hạnh chia sẻ.

Thời gian đầu, chị Hạnh và chị Thư vận động được 10 nông dân đầu tiên thử nghiệm. Những hộ này được hỗ trợ giống và được ứng trước kinh phí 1,5 triệu đồng để đầu tư làm giàn. Trong quá trình trồng, chị Hạnh và nhân viên kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn xử lý nếu có sâu bệnh, thời tiết bất thường, khô hạn… Bình quân mỗi sào, nông dân thu được từ 8-10 triệu đồng, cao hơn so với trồng hoa màu trước đây (từ 5-6 triệu đồng). Điển hình như nông dân Phạm Tám, từ ngày có chị Thư ký kết bao tiêu đầu ra cho mướp, ông Tám mở rộng diện tích lên 2ha. Mỗi năm trồng 2 vụ, thu hoạch tầm tháng 11 âm lịch và vụ còn lại vào tháng 5 âm lịch. Mướp được bán với giá từ 3.000-12.000 đồng/trái, tùy kích thước. Mỗi sào mướp cho khoảng 500 trái, tạo nguồn thu đáng kể. Theo chị Trương Thị Hạnh, điều quan trọng vẫn là việc cơ sở cam kết bao tiêu sản phẩm đến từng hộ. Nông dân không phải e ngại việc sản xuất nhiều mà không có đầu ra, giá cả thấp. Đến nay, đã có khoảng 15 hộ nông dân hợp đồng vùng trồng nguyên liệu với diện tích khoảng 10ha (mỗi năm 2 vụ), cung cấp nguồn xơ mướp ổn định cho sản xuất.

Không chỉ vậy, xưởng của chị Ngọc Thư đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 5-7 lao động thời vụ. Đa số lao động này đều là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc hướng đến nâng cao giá trị kinh tế từ cây mướp, tạo việc làm cho nông dân và chị em hoàn cảnh khó khăn vươn lên, điều khiến chị Thư kiên trì với cây mướp chính là ý nghĩa văn hóa sâu sắc của nó, một loài cây đã gắn bó rất lâu đời với người dân Việt Nam.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng, đánh giá cao việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như Dự án xơ mướp mộc xơ của chị Võ Thị Ngọc Thư. Thời gian tới, sở tiếp tục đồng hành và hỗ trợ dự án trong các giai đoạn tiếp theo nhằm kết nối và tạo điều kiện xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; hướng dẫn các thủ tục để nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách khởi nghiệp; định hướng xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu…

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xo-muop-doi-doi-post763511.html