Xổ số miền Tây lại tố Vietlott
Năm 2016, các công ty xổ số khu vực miền Nam thu được 66.679 tỷ đồng. Vietlott tiếp tục bị xổ số truyền thống phản ánh các vấn đề liên quan đến phát hành, cơ cấu.
Sáng 17/1, Hội đồng Xổ số Kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam tổ chức hội nghị lần 109 tại Sóc Trăng. Lãnh đạo 21 doanh nghiệp xổ số từ Lâm Đồng đến Cà Mau cùng đại diện Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) tham dự.
Tổng doanh thu đạt gần 66.700 tỷ đồng
Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, năm 2016, các doanh nghiệp XSKT phát hành được trên 856 triệu vé, mệnh giá 10.000 đồng một vé. Tổng doanh thu tiêu thụ của khu vực đạt 66.679 tỷ đồng, tăng trên 8% so với 2015.
Từ doanh thu đạt được, 21 công ty XSKT chi đến 32.087 tỷ để trả thưởng, nộp ngân sách 22.348 tỷ và lợi nhuận trước thuế 8.789 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc Công ty XSKT TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, nói về khó khăn của vé số truyền thống trong 6 tháng cuối năm 2016. Ảnh: Việt Tường.
Ngoài 21 công ty xổ số truyền thống, từ năm 2014, Vietlott trở thành thành viên 22 của Hội đồng XSKT miền Nam. Hiện doanh nghiệp này đã mở thị trường tại 12 tỉnh thành và đạt doanh thu năm 2016 là 1.597 tỷ đồng.
Xổ số Bạc Liêu, Đồng Tháp lại tố Vietlott
Tại hội nghị, nhiều công ty XSKT tập trung phản ánh về những vấn đề được cho là sai phạm của Vietlott. Đó là vé số điện toán do doanh nghiệp này phát hành được bán tràn lan ở những địa phương mà Vietlott chưa gắn thiết bị đầu cuối.
Điều này được cho là một trong những nguyên nhân làm giảm trên 1% doanh thu của khu vực trong 6 tháng cuối năm. Riêng quý IV, doanh thu bình quân của 21 công ty XSKT giảm 4,36% so với cùng kỳ 2015.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thúy, Giám đốc Công ty XSKT tỉnh Bạc Liêu, quý IV/2016, doanh thu của đơn vị này giảm đến 5%. Tại Bạc Liêu, nhiều bàn và người bán dạo vé số truyền thống đều có bán vé điện toán được in sẵn.
“Có lãnh đạo Vietlott ở đây, tôi xin hỏi các anh đã chấn chỉnh chuyện vé điện toán bán tràn lan như thế nào và có đi đến tận các địa phương để kiểm tra hay chưa. Vietlott đổ lỗi cho đại lý là khó thuyết phục”, bà Thúy nói.
Bà Thúy cũng tỏ ra bức xúc khi vé truyền thống một tuần mỗi công ty chỉ phát hành một kỳ (trừ TP.HCM), còn Vietlott đến 3 kỳ một tuần.
“Vietlott phát hành cả nước còn chúng tôi chỉ phát hành trong khu vực. Giải đặc biệt của vé truyền thống chỉ 1,5-2 tỷ đồng nhưng Vietlott khởi điểm là 12 tỷ đồng. Cơ cấu giải thưởng chiếm 55% doanh số phát hành còn vé truyền thống chỉ 50% là thiếu công bằng”, bà Thúy nêu ra vấn đề được cho là bất hợp lý.
Cùng quan điểm với lãnh đạo doanh nghiệp Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Tân, Giám đốc Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp, nói rằng vé điện toán in sẵn của Vietlott được bán sai địa bàn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến doanh thu tiêu thụ của vé truyền thống.
“Vietlott nói vé điện toán bán sai địa bàn là do người dân mua về. Người dân mua nhưng tại sao vé được in lúc 24h. Không ai đi mua vé số lúc nửa đêm và mua một lần cả nghìn vé thì cần phải xem lại”, ông Tân nhấn mạnh trước hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó tổng giám đốc Vietlott, khẳng định doanh nghiệp không có chủ trương cho đại lý in sẵn vé điện toán để bán sai địa bàn phát hành. Ảnh: Việt Tường this website.
Từ đầu, Vietlott đã tìm cách tránh cạnh tranh trực tiếp
Đáp lại những lời “tố” từ lãnh đạo các công ty XSKT, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó tổng giám đốc Vietlott, khẳng định doanh nghiệp không có chủ trương cho đại lý in sẵn để bán sai địa bàn. Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã tìm cách tránh cạnh tranh trực tiếp với vé truyền thống mà cụ thể là hoa hồng đại lý chỉ 8%, trong khi vé truyền thống đến 15%.
“Vietlott và các công ty xổ số truyền thống đều phát hành thông qua đại lý. Đại lý thì mình có hợp đồng ràng buộc rõ ràng, còn người bán dạo không ký hợp đồng thì làm sao quản lý được”, ông Đạm chia sẻ.
Theo ông Đạm, thời gian qua, Vietlott đã có văn bản gửi cho các tỉnh, thành để địa phương phối hợp chấn chỉnh hoạt động xổ số, trong đó có vé điện toán. Các địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý những người tự ý đưa vé điện toán về bán nên doanh thu của công ty đang giảm từ 30 tỷ xuống hơn 10 tỷ đồng/ngày.
“Doanh thu giảm cho thấy các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với chúng tôi. Vietlott chỉ là doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan quản lý Nhà nước thì làm sao chúng tôi bắt phạt người này, người kia được”, ông Đạm nói.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), nói rằng doanh nghiệp xổ số điện toán chỉ quản lý được đại lý và nơi gắn thiết bị đầu cuối, còn người mua mang về làm gì, bán lại cho ai thì rất khó kiểm soát.
“Giống như người dân đi chợ, họ mua rau và thịt về xào hay kho thì làm sao người bán biết được”, ông Dương nêu quan điểm.
Trước đó, tại Hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 108 tổ chức ở Cần Thơ ngày 22/10, Ban thường trực Hội đồng XSKT miền Nam cho rằng Vietlott đã có một số hoạt động không đúng quy định, gây khó khăn và làm ảnh hưởng đến thị trường vé số truyền thống tại khu vực này.
Cụ thể, vé số điện toán được in sẵn bán tràn lan ở nhiều tỉnh chưa triển khai thiết bị đầu cuối đã làm thất thu cho ngân sách địa phương. Điều này được cho là vi phạm quy định về nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và xác định doanh thu thực tế phát sinh theo từng địa bàn được nêu trong Thông tư 01/2014 của Bộ Tài chính.
Cũng theo Hội đồng XSKT, đại lý của Vietlott in sẵn vé điện toán để đưa đi bán dạo là không đúng với loại hình vé số tự chọn. Hành vi trên đã làm mất quyền lựa chọn của người mua vé và không khác vé số truyền thống. Điều này vi phạm nội dung, phương thức phân phối và địa bàn phát hành vé số tự chọn quy định tại Điều 9 và 10 của Thông tư 136/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn.
Hội đồng XSKT bức xúc nhất là giá bán số điện toán tại các tỉnh chưa có thiết bị đầu cuối cao hơn mệnh giá in trên vé 1.000-2.000 đồng/vé, gây bức xúc, thiệt thòi cho đại lý và người bán vé số truyền thống.
Việt Tường
Zing.vn
Nguồn Kiên Giang: https://kiengiangonline.com.vn/xo-so-mien-tay-lai-to-vietlott/