Xô viết Nghệ Tĩnh - cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa to lớn và sâu sắc trong tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ của nước ta. Xô viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng cộng sản, vai trò của liên minh công nông trong cách mạng dân tộc dân chủ. Dù bị địch dìm trong biển máu nhưng tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh mãi mãi ngời sáng soi rọi con đường cách mạng của dân tộc, luôn có ý nghĩa thời đại, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Kỷ niệm 90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh
Sức mạnh liên minh công – nông
Từ năm 1930, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ suy thoái, khủng hoảng, đời sống nhân dân cực khổ, mâu thuẫn xã hội ngày một sâu sắc. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp (mâu thuẫn dân tộc) và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến (mâu thuẫn giai cấp) là 2 mâu thuẫn cơ bản nhất. Chính vì vậy, trong những năm cuối thập kỷ 20, các phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo các giai cấp, tầng lớp xã hội tham gia.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình của công nhân ở khu công nghiệp Bến Thủy (1/5/1930) và nông dân của 5 xã ven thành phố Vinh biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, đòi bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Nam Định, ủng hộ Liên Xô.
Từ tháng 6 - 8, công nhân nhà máy diêm, nhà máy cưa, công nhân bốc vác Bến Thủy, công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi… liên tiếp bãi công hưởng ứng. Cùng với việc đấu tranh của công nhân, nông dân 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ, từ các làng mạc kéo đến huyện lị, tỉnh lị.
Tiêu biểu là cuộc biểu tình của khoảng 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9. Nông dân kéo đến huyện lị với khẩu hiệu “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc!”, “Đả đảo Nam triều!”, “Nhà máy về tay thợ thuyền!”… Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài hơn 1 km tiến về thành phố Vinh. Đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi 2 bên là những đội tự vệ được trang bị dao, gậy. Dòng người ngày càng được bổ sung thêm, khi đến gần Vinh, con số lên đến 30.000 người và xếp thành hàng dài tới 4 km. Thực dân Pháp đàn áp dã man. Chúng cho máy bay ném bom và xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, 125 người bị thương, 277 nóc nhà bị đốt cháy… Song, sự đàn áp dã man đã không thể ngăn nổi phong trào đấu tranh.
Dòng người kéo đến huyện lị, phá nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính khố xanh, phá trạm điện tín, trừng trị bọn địa chủ tàn ác và bọn cường hào phản động… đã làm cho chính quyền thực dân, phong kiến tan rã ở nhiều thôn, xã. Các chi bộ Đảng và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã.
Ở Nghệ An, Xô viết ra đời từ tháng 9/1930 ở các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần ở Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu. Còn ở Hà Tĩnh, Xô viết được thành lập ở các xã thuộc huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê vào cuối 1930 – đầu 1931.
Trước tình hình đó, thực dân Pháp tập trung lực lượng tiến hành khủng bố dã man. Chúng điều động binh lính đóng nhiều đồn bốt ở Nghệ Tĩnh. Bên cạnh đó, chúng còn dùng thủ đoạn chia rẽ, mua chuộc. Chính vì vậy, nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng, cơ sở quần chúng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, tù đày.
Ý nghĩa lịch sử to lớn
Mặc dù tích cực đấu tranh chống mọi thủ đoạn của địch, nhưng do điều kiện bất lợi về nhiều mặt, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh dần dần đi xuống. Xô viết Nghệ Tĩnh nói riêng và phong trào cách mạng 1930 – 1931 tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng có ý nghĩa lịch sử to lớn.
Phong trào đã khẳng định đường lối cách mạng: Đảng đề ra là đúng đắn, mở đầu cho giai đoạn cách mạng đi theo đường lối sáng tạo trên cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hình thành khối liên minh công nông, đồng thời cũng phát huy được sức mạnh đoàn kết của 2 giai cấp công – nông trong đấu tranh cách mạng. Là cuộc tập dượt đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa tháng 8 sau này.
Phong trào này được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vì thế Quốc tế Cộng sản đã công nhận: Đảng Cộng sản Đông Dương chính là phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại bài học quý giá về công tác tư tưởng, xây dựng khối liên minh công – nông, mặt trận dân tộc thống nhất, cũng như tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng 1930 – 1931 là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
HUỲNH LÊ (tổng hợp)