'XO' vượt ngàn chông gai

Năm học mới bắt đầu! Các XO lại bước vào những ngày 'chạy sô' ác liệt trên các tuyến đường đông đúc, bụi bặm, bất chấp mưa nắng để làm nhiệm vụ thường quy: đưa đón con em mình đi học. Nhiều ông bố bà mẹ chép miệng: Dù có là giám đốc, trưởng phòng, tiến sĩ hay diễn viên thì khi con đi học cũng đều trở thành 'XO vượt ngàn chông gai'…

Nỗi niềm XO

XO, nghe qua có vẻ bí hiểm như mật danh. Nhưng thật ra chẳng có gì cao siêu, chỉ đơn giản là cách viết tắt của từ… "xe ôm". Nhưng XO không phải là xe ôm chuyên nghiệp, mà là những bậc phụ huynh ngày ngày thực hiện nhiệm vụ đưa đón con, cháu đi học, mẫn cán từ sáng sớm đến tối muộn, bất kể nắng lửa hay mưa giông. Đội ngũ "xe ôm 0 đồng" này không bao giờ tính toán tiền công, càng không bao giờ than vãn, ngại ngần về công việc. Không có đồng phục xanh hay vàng, nhưng thương hiệu tin cậy XO hiện diện đầy ngoài phố. Có XO - ôtô, có XO - xe máy, lại có cả XO - xe đạp…

Năm học mới bắt đầu, các XO lại vào guồng đón đưa hối hả.

Năm học mới bắt đầu, các XO lại vào guồng đón đưa hối hả.

Khi nhịp học hành quay trở lại, các XO lại vào guồng hối hả, nhất là XO ở thành phố. Bởi các con không những học chính khóa ở trường, mà còn tham gia các lớp học thêm, từ học văn hóa đến các môn năng khiếu. Phố xá đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên các con ra khỏi nhà là bố mẹ phải đón đưa.

Chị Nguyễn Hoàng Lan ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội được đặt biệt danh là "siêu XO". Bởi quanh năm suốt tháng chị đưa đón ba đứa con đi học mà không bao giờ kêu ca. Chồng chị hay đi công tác nên chị là "XO trọn gói". Hỏi về lịch trình XO thế nào, chị trả lời vanh vách: "Năm giờ chiều, từ chỗ làm tôi qua trường mẫu giáo đón con bé út. Sau đó hai mẹ con đi đón đứa lớn học lớp 8. Trên đường, mua cho hai đứa cái bánh, hộp sữa. Mẹ thì luồn lách toát mồ hôi trên đường, hai con thì tranh thủ ăn. 17h30, đến chỗ học thêm toán, thả thằng lớn, tôi chở bé út đến lớp học vẽ. Sau đó vòng về trường tiểu học đón bé thứ 2 học lớp 5, rồi phóng về nhà cách đó 4km. Chớp nhoáng đặt nồi cơm là đến cuốc đưa bé thứ 2 đi học tiếng Anh. Quay về tranh thủ rửa rau, nấu thức ăn. Sau đó lại lên đường đón đứa lớn và đứa út. Về nhà nấu nốt nồi canh, cho hai đứa ăn trước. Tôi lại phóng đi đón nốt bé thứ 2. Tôi mê man trên đường, pô xe máy khét lẹt, bữa cơm nấu thành mấy bước mới xong. 9 giờ tối tôi mới được cầm bát cơm, người nhọc phờ chả muốn ăn uống gì. Cả tuần có 3 buổi quay cuồng như thế, rồi cũng quen". Chỉ nghe chị Lan nói tôi cũng thấy quay cuồng, nghĩ thôi đã ngại, nhưng "siêu XO" này thấy vui khi được đưa đón các con, quyết không cho con nghỉ học thêm bất cứ buổi nào.

Chị Lan thuộc trường hợp các XO nhập tâm, thuộc bài. Còn anh Lê Quang Hiếu ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông thì lại thuộc vào diện "XO đãng trí". Nhà có 2 đứa con trai, đứa lớn năm nay lớp 9, đang ở giai đoạn nước rút nên vợ anh Hiếu cho con học thêm 3 môn toán, văn, tiếng Anh, mỗi môn 2 buổi, vị chi là 6 buổi/tuần. Đứa nhỏ học tiểu học thì ngoài học thêm tiếng Anh và toán còn tham gia lớp đàn và cờ vua. Anh Hiếu đang là phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng, tuy bận bịu nhưng còn có nhiệm vụ chuyên biệt là đưa đón con. Lịch học loạn xạ, địa điểm tỏa khắp quận Hà Đông và các quận lân cận. Đứa thì nay tan học lúc 16h30, mai ra lúc 16h45. Đứa thì nay học thêm lý, mai học thêm tiếng Anh, mỗi lớp một khung giờ. Đầu năm anh Hiếu chưa nhớ lịch, nên có hôm đến giờ học toán lại chở con đến lớp học văn, hôm đón sớm, hôm đón muộn vì nhầm giờ. Sau vài pha nhầm lẫn đó, thấy con mếu máo trông đến tội, anh Hiếu nhập tâm hơn. Anh lập "thời gian biểu XO", in ra, dán ở cơ quan, ở nhà và lưu trong điện thoại. Có hôm chưa hết giờ làm đã thấy anh Hiếu tất tả lao ra khỏi cơ quan, một lúc sau lại về văn phòng làm việc tiếp. Được một lúc, nhân viên lại thấy anh lấy xe đi tiếp, khi thì đi ôtô, lúc chạy xe máy cho kịp giờ. "Hao tâm tổn trí thật sự vì hai ông con", anh Hiếu kêu ca. Kêu thì kêu thế, chứ anh nhất định bảo "con mình mình đón, không giao cho ai hết".

Có bố mẹ - XO đã đành, còn có ông bà - XO. Ngay sau khi nghỉ hưu, ông Triệu Văn Phụng từ Cao Bằng xuống Hà Nội ở với con gái để nhận "nhiệm vụ" đưa đón các cháu đi học. Thấm thoắt ông cũng có "thâm niên" XO 15 năm, từ khi cháu lớn học lớp 1 nay đã vào đại học năm 3, ông vẫn tiếp tục đưa đón cháu thứ 2 đang học lớp 8 bằng xe máy. Bao nhiêu tình yêu thương của người ông dồn cả vào những buổi đón đưa. "Từ học chính khóa đến học thêm, các hoạt động ngoại khóa của cháu đều do tôi đưa đi, nên tôi còn nắm rõ lịch học hơn cả bố mẹ các cháu. Đã 75 tuổi rồi, nhưng tôi thuộc lòng từng ổ gà, khúc cua, đoạn đường nào có nắp cống hỏng, đường nào hay tắc lúc 7 giờ sáng, ngõ nào thông thoáng lúc 5 giờ chiều. Để đảm bảo cho các cháu đi lại an toàn và chuẩn giờ, cũng phải có bí kíp cả đấy", ông Phụng vui vẻ chia sẻ.

Đâu chỉ là chuyện đón đưa

Đón đưa các con là XO. Cập nhật tin tức, xu hướng học hành, thi cử của các con cũng là XO. Song song với những cuốc xe là bao nhiêu trăn trở, chọn lựa, là niềm vui vỡ òa khi con đỗ đạt, là nỗi buồn hụt hẫng khi các con chưa thành công. Trong các hội nhóm trên mạng xã hội, có lẽ các hội nhóm XO được xếp vào hàng đông đảo nhất với hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thành viên XO tham gia.

Trên con đường đi học của những đứa trẻ vùng cao, không có bóng dáng XO.

Trên con đường đi học của những đứa trẻ vùng cao, không có bóng dáng XO.

Cha mẹ của lứa học sinh này phân biệt với lứa học sinh khác bằng các danh từ như XO 2k6; XO 2k8; XO 2016, tức là hội cha mẹ có con sinh 2006, 2008, 2016,… Trăn trở, tìm tòi chỗ học thêm cho con, phân vân chọn trường công, trường tư, trường xa, trường gần, vào group XO để hỏi. Thậm chí con học giỏi, đỗ nhiều trường quá, không biết học trường nào, cũng vào group hỏi ý kiến các "XO thông thái". Gia nhập cộng đồng XO mới thấy thấm thía bao vất vả, nhọc nhằn nhưng chan chứa yêu thương của phụ huynh dành cho con.

Gần 9 giờ tối, tại một con ngõ trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy), rất nhiều bố mẹ đang đợi con tan lớp học thêm. Trong câu chuyện chung, anh Lân chia sẻ: "Nhà tôi mãi Yên Viên, Gia Lâm cho con học thêm ở khu Cầu Giấy này. Thấy con thích học cô giáo, học tiến bộ nên xa mấy tôi cũng cố đưa đón. Tôi cứ làm một cuốc từ 5 giờ chiều đón con ở trường rồi chở con xuyên thành phố. Hơn 6 giờ thì đến ngõ này, con vào học, bố lang thang khắp nơi để giết thời gian. Đến 9 giờ thì tan, đón con về đến nhà là 10 giờ đêm. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa gió cực lắm. Có hôm chở con giữa đường gặp mưa giông, hai bố con ướt hết. Nhớ nhất hôm mưa to bị ngập lụt, tôi dắt xe máy, con lội nước bì bõm theo sau, gần nửa đêm mới về đến nhà. Quãng đường từ nhà đến chỗ học thêm khoảng 20 cây số, cũng là khoảng thời gian hai bố con trò chuyện với nhau, tôi tranh thủ dạy con nhiều bài học thiết thực. Chở con quanh năm suốt tháng, con còn vô tư, chưa bao giờ biết nói câu cảm ơn bố. Chỉ mong hành khách đặc biệt luôn được chuyên chở miễn phí và tận tâm này chăm chỉ học hành", anh Lân bộc bạch. Quả thực chỉ có tình mẫu tử thì mới vượt qua hết mọi khó khăn thường nhật như thế với mong muốn con cái tiến bộ.

Lại có những ông bố bà mẹ "nghiện" làm XO đến mức đưa đón cả khi con học cấp ba và vào đại học. Cậu con trai lớn của chị Trần Thị Tuyết ở quận Thanh Xuân nay đã là sinh viên năm nhất, mà hàng ngày mẹ vẫn phải chở đến giảng đường. Chính vì chỉ quen ngồi sau xe mẹ mười mấy năm nay, nên kĩ năng đi đường của cậu rất kém. Bình thường ngồi sau xe mẹ không sao, nhưng tự đi xe đạp là luống cuống, ngã ngụm. Chính vì thế, chẳng những xe đạp không rành, mà xe máy lại càng không dám tập mặc dù đã đủ tuổi. Người con cao lênh khênh vẫn ngồi lên chiếc xe máy bé nhỏ của mẹ, chân con dài như quệt xuống đường. Chị Tuyết bảo: "Trước tôi cứ nghĩ rằng con bận học hành nên mình đưa đón cho đỡ vất vả, sau này lớn con tập xe sau. Nhưng xem ra những cuốc xe ôm bao bọc con lại thành phản tác dụng rồi".

Nghe chuyện XO thành phố, lại chạnh lòng khi thấy vùng cao vắng bóng XO. Trong một chuyến công tác, tôi đến thăm Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Thầy giáo Đào Thiện Khiêm lúc đó đang là Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường kể về hành trình đến lớp của các em học sinh nơi đây. Ở xã Nam Mẫu, học sinh từ các bản ra trung tâm xã học phải đi 20-30 cây số, nhưng chẳng bao giờ được bố mẹ đón đưa. Vì nhà xa nên cả tuần các em phải ở lại trung tâm xã, cuối tuần mới về nhà. Sáng thứ bảy nào thầy Khiêm cũng linh động xếp thời khóa biểu học 3 tiết để các em nghỉ sớm còn về nhà. Từng tốp học sinh vừa đi vừa chạy trên những con đường mòn hiểm trở, đi mãi cũng về đến nhà. Ngủ với bố mẹ tối thứ bảy, trưa chủ nhật, những cô bé cậu bé lại hẹn nhau lên trường, trên lưng mang theo gạo và rau cho cả tuần.

Có một nghịch lý là phần đông các em được hưởng chế độ bán trú tại trường lại không ở. Đơn giản vì khi không ở bán trú trong trường, bố mẹ các em sẽ được nhận trực tiếp tiền và gạo hỗ trợ con. Nhận rồi, thay vì để lại cho con thì họ... mang về nhà. Họ thuê trọ cho con ở trong những nhà trọ tuềnh toàng ngoài trường, đi học về các em phải tự chặt củi, nấu ăn. Biết là các con vất vả, nhưng bố mẹ nghèo cần tiền, cần gạo của các con hơn.

Một năm học mới lại bắt đầu. Dù có XO hay không có XO đồng hành, thì hành trình muôn nẻo đường dẫn đến lớp học vẫn là con đường đáng để đi nhất với các em nhỏ để tiếp nhận nguồn sáng tri thức và trở thành người có ích.

Thái Hưng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/xo-vuot-ngan-chong-gai-i743496/