Xóa 2 bộ sách giáo khoa: Mâu thuẫn trái ngược từ thông tin các bên
Trong khi Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho rằng đã có sự hợp nhất các bộ sách với nhau thì các tác giả viết sách lại phủ nhận điều này.
Nhà xuất bản giáo dục cho rằng đã hợp nhất các bộ sách
Dư luận đang quan tâm đến sự biến mất của hai bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” trong danh sách phê duyệt sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Xung quanh vấn đề này, hiện có nhiều ý kiến trái chiều trong đó có thông tin Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã không dùng các sách giáo khoa của hai nhóm tác giả trên một cách khó hiểu.
5 huyện miền núi Nghệ An đã chọn sách Tiếng Việt 1 của Bộ sách "Vì sự dân chủ, bình đẳng trong giáo dục" sang năm các học sinh này phải học sách của những bộ khác (ảnh minh họa - nguồn internet),
Một trong những Tổng chủ biên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” đã chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi đã viết xong rồi, được đánh giá sơ bộ xếp số 1 nhưng cuối cùng họ lại dẹp đi.
Họ dẹp không có lý do nào. Việc tham gia viết nhưng quyền của họ đành chịu. Họ dẹp rất thẳng thừng, chẳng quan tâm gì và họ lấy bộ sách của họ”.
Để có thông tin đa chiều về vụ việc, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã làm việc với đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và được trả lời: “Khác với lớp 1, từ lớp 2 trở lên, NXBGDVN có hai bộ sách: Bộ sách giáo khoa (SGK) “Kết nối tri thức với cuộc sống” được hợp nhất từ bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ Cùng học để phát triển năng lực. Bộ SGK Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.
Theo lý giải của đại diện NXBGDVN: "Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, phát triển SGK giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng SGK mới;
Tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành".
Đại diện Nhà xuất bản cũng cho rằng, việc hợp nhất này "hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn SGK". Bởi lẽ, theo họ, mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với học sinh lớp 1. Mặt khác, 4 bộ SGK lớp 1 của NXBGDVN tuy có sự khác biệt, nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của NXBGDVN trong việc biên soạn SGK.
Việc hợp nhất đã làm cho bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực”;
Làm cho bộ SGK “Chân trời sáng tạo” nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ SGK “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.
Vì thế, giữa 4 bộ SGK lớp 1 và 2 bộ SGK lớp 2 của NXBGDVN có một sự liên thông hết sức chặt chẽ.
Theo đó, ở lớp 1, dù giáo viên và học sinh sử dụng bộ SGK nào, đến lớp 2, giáo viên và học sinh đều có thể lựa chọn SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” hoặc “Chân trời sáng tạo”.
Hiện sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang được các nhà trường tổ chức chọn lựa (ảnh do NXNGDVN cung cấp).
Tác giả viết sách phủ nhận việc hợp nhất các bộ sách mà thực tế là “vứt đi”
Trái ngược với quan điểm của Nhà xuất bản GDVN, thông tin phóng viên ghi nhận được từ tác giả viết sách lại ngược lại.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, một trong những Tổng chủ biên tham gia viết bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” phủ nhận việc hợp nhất sách giáo khoa.
Theo đó, vị này cho rằng nội tình đằng sau sự việc ông không được biết, không được giải thích. “Chỉ được nghe nói là phải ghép các bộ sách với nhau nhưng ghép không được nên đành vứt”, ông này chua chát kể.
Để viết được sách giáo khoa quá vất vả, đòi hỏi công phu, chi tiết nhưng giờ công sức của những nhà khoa học này coi như “xôi hỏng, bỏng không”.
Trước đây, khi đặt bút viết sách lớp 1 giữa NXB với các tác giả có ký kết với nhau. Nhưng đến lớp 2 thì hai bên chỉ nói miệng mà không có hợp đồng ràng buộc. “Cứ nghĩ làm theo như lớp 1, không tính toán” – vị này nói.
Kể về đứa con tinh thần của mình, ông cho rằng: “Chúng tôi những người tâm huyết, đã có quá trình gắn bó với tiểu học nhiều năm. Nên chúng tôi rất tự tin về sản phẩm. Bộ sách viết ra chất lượng tốt nếu sử dụng có đóng góp cho ngành giáo dục".
"Những người viết sách giáo khoa không chỉ riêng nhóm tôi mà tất cả những người viết sách đều xuất phát từ tâm huyết với giáo dục, muốn mang hiểu biết của mình đóng góp cho giáo dục.
Cái đó là động cơ lớn nhất. Ai cũng vậy không chỉ riêng tôi. Không ai viết sách giáo khoa nếu chỉ vì tiền. Bởi nhuận bút sách giáo khoa luôn không tương xứng, nên không ai vì tiền để viết sách giáo khoa” – vị này nhấn mạnh.
"Sách giáo khoa vì sự bình đẳng trong giáo dục" đã không còn được biên soạn tiếp (ảnh nguồn internet).
Chia sẻ thêm về việc ghép sách, nhà khoa học này cho rằng: “Khi nhận được chỉ đạo, hai nhóm tác giả có ngồi lại với nhau một, hai cuộc làm việc. Nhưng rồi tất cả đều nhận ra không thể hợp tác được, vì thế nên đành chia tay.
Chúng tôi là tác giả nhưng không được giải thích, chỉ nghe chỉ đạo ghép sách thôi.Hiện ai cũng tiếc công sức, nhiều người bức xúc vì đã bỏ nhiều thời gian miệt mài viết bản thảo nay nhìn đứa con tinh thần thành hình hài rõ rồi mà bị bỏ".
"Nếu ngay từ đầu hai nhóm tác giả ngồi bàn với nhau để viết sách là một chuyện khác. Đằng này, khi đã hoàn thành bản thảo mới được lệnh gộp sách thì điều này là không thể. Mọi người đã cố ngồi với nhau nhưng không thành”, ông này nói thêm.
Hiện tại trong năm học 2020 -2021, sách lớp 1 của bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đã có chục vạn học sinh chọn lựa, trong khi lớp 2 không được viết nên tâm trạng của tácc giả là rất buồn.
Nguy cơ “hóa vàng” lượng lớn sách giáo khoa lớp 1
Việc nhà xuất bản bỏ hai bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" gây không chỉ tiếc nuối cho các tác giả viết sách mà đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn nhức nhối.
Để hiểu rõ hơn phương án chọn sách giáo khoa cho năm học tới, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Giáo sư Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An .
Theo thầy Thành, chủ trương chọn sách là mong muốn được tiếp nối từ lớp 1 đến lớp 12. Trụ cột của sách giáo khoa ở Nghệ An là Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống".
Bộ sách "Cánh Diều" lớp 1 các trường ở miền xuôi chọn sách Tiếng Việt. Trong khi 5 huyện miền núi chọn Tiếng Việt 1 của bộ "Vì sự Bình đẳng, Dân chủ trong giáo dục".
Trong năm học tới bộ sách "Vì sự Bình Đẳng Dân Chủ trong giáo dục" không phát triển nữa thì sẽ tiến hành chọn lại sách giáo khoa.
Lớp 1 năm 2021 – 2022, 5 huyện miền núi sẽ chọn lại sách. Phương án là sử dụng sách Tiếng Việt của Cánh Diều hoặc sách của bộ "Kết nối Tri thức với Cuộc sống".
Qua trao đổi có thể thấy lượng lớn sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Việt của 5 huyện miền núi ở Nghệ An sẽ có nguy cơ không được tái sử dụng.
Điều này đặt ra viễn cảnh lượng lớn sách giáo khoa Tiếng Việt của bộ sách “Vì sự dân chủ, bình đẳng trong giáo dục” ở những huyện này sẽ bị “hóa vàng”.
Đó là chưa tính đối với các tỉnh thành còn lại trong cả nước năm học 2020 - 2021 đã chọn hai bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" rất lớn.