Xóa ách tắc đền bù, bắt đầu từ đâu?
Hiện nay điểm nghẽn phát triển của TPHCM chính là giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến hạ tầng đầu tư xây dựng chậm chạp. Theo báo cáo mới đây của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, trong 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang chờ đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng.
Do đó, muốn sử dụng đất hiệu quả, mở rộng đất 2 bên đường để tổ chức đấu giá như Đề án khai thác quỹ đất mà thành phố đưa ra, việc đầu tiên phải tính toán nghiêm túc là công tác GPMB.
Luật chỉ làm “khúc giữa”
Hơn 15 năm làm công tác GPMB, từ năm 2003 tại quận Bình Thạnh rồi lên Sở TN-MT TPHCM, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư, Sở TN-MT có cái nhìn khá đầy đủ về công tác GPMB lâu nay. “Việc triển khai một dự án, khó nhất là GPMB nhưng lại chuẩn bị sơ sài nhất, nghiên cứu về nó ít nhất. Luật pháp mình quy định chỉ có khúc giữa thôi, còn khúc đầu và khúc cuối trong việc GPMB là không có”, ông Thơ tâm tư.
Luật đất đai quy định rất rõ khâu thu hồi đất, rồi cưỡng chế trong trường hợp người có đất không chịu di dời… nhưng trước đó, công tác chuẩn bị phục vụ cho báo cáo tiền khả thi việc thu hồi đất như thế nào, không có. Sau khi thu hồi đất, đời sống người dân ra sao, có cần hỗ trợ thêm về vật chất hoặc công ăn việc làm, cấp giấy chủ quyền nhà đất… cũng không được quan tâm đúng mức.
Vì không làm rõ pháp lý về nhà đất, nguyện vọng của người dân nên chính sách đền bù không sát thực tiễn, dẫn tới công tác GPMB khó khăn. Rồi sau đó, vì quan tâm chưa sát đến đời sống của người bị di dời nên cái nhìn về chính sách đền bù còn thiếu tích cực. Tất cả điều đó dẫn tới việc GPMB bị ì ạch.
Cũng làm dự án, nhưng dự án thương mại do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư thì công tác đền bù họ làm trước bằng cách thỏa thuận tự chuyển nhượng; hoặc sau này thực hiện các dự án từ vốn ODA có yêu cầu điều tra xã hội học đầy đủ, nên việc GPMB khá ổn. Một chuyên gia hạ tầng Nhật Bản đã tâm sự với người viết, một dự án lớn triển khai tại Nhật Bản phải mất 6 năm chuẩn bị kỹ càng, thi công chỉ 6 tháng. Điều này khác hẳn với cách làm của Việt Nam.
Phải dung hòa quyền lợi các bên
Muốn công tác GPMB thuận lợi thì phải có sự đồng thuận của người có đất. Giải pháp đặt ra là phải dung hòa quyền lợi của Nhà nước, người dân và sự phát triển chung của đất nước.
Trở lại câu chuyện hàng chục năm trước, khi đại lộ Võ Văn Kiệt đang trong giai đoạn GPMB, người viết đã từng chứng kiến câu chuyện vừa bi, vừa hài. Số là, một hộ dân có nhà xây dựng khá đẹp, đất vườn xung quanh khá rộng, nằm trong diện phải di dời. Nhưng quan điểm 2 bên giằng co với nhau, phía chính quyền thì nói rằng nhà bình thường, còn người dân thì bảo là nhà biệt thự. Khác nhau về quan điểm sẽ dẫn đến mức giá đền bù khác biệt.
Một câu chuyện khác, đó là cầu Bưng nằm trên đường Lê Trọng Tấn quận Bình Tân. Đây là “điểm đen” giao thông, nhưng 4 năm chỉ xây được... 2/3 cây cầu, phần còn lại bị vướng mặt bằng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc Khu công nghiệp Tân Bình. Thực ra phần bị vướng là vỉa hè, chỉ cần doanh nghiệp tháo bức tường để xây cầu là xong, nhưng 2 bên không thỏa thuận được.
Tổng hợp từ thực tiễn muôn hình vạn trạng, ông Trần Minh Thơ cho biết, cơ quan này đã trình đề án GPMB lên lãnh đạo thành phố. Từ tờ trình này, năm 2018, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế trên địa bàn thành phố. Sau đó, UBND TPHCM ban hành Quyết định 2437 triển khai chỉ thị này. Trong đó, UBND TPHCM giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan phải nỗ lực giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB.
Quay trở lại với đề án, ông Thơ cho hay, muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB phải đáp ứng 6 bước. Đó là pháp lý dự án phải vững chắc, đầy đủ theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý và trình tự thu hồi đất phải cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt chú trọng chính sách tái định cư cho người bị thu hồi đất cũng như chuẩn bị quỹ nhà tái định cư. Mặc dù luật pháp quy định, chỉ được thu hồi đất sau khi chuẩn bị tái định cư nhưng thực tế khó thực hiện, ông Thơ nói.
Tiếp theo, phải bảo đảm nguồn vốn để chi trả bồi thường. Luật quy định các hồ sơ liên quan GPMB phải ký cùng một ngày, trong 30 ngày phải chi trả bồi thường nhưng thực tế ít khi làm được như vậy, rồi nhiều khi công việc còn bị khựng lại khi giá đất tăng lên, dẫn đến đội vốn đầu tư. Vấn đề tiếp theo, chính sách sách bồi thường vừa phải được thể chế hóa trong luật vừa phải phù hợp với đặc điểm của thành phố. Cuối cùng là xác định mức giá. Đây là vấn đề khó nhất mà đến nay vẫn còn tranh cãi.
Theo ông Thơ, việc bồi thường với vật kiến trúc trên đất là tạm ổn, vì người dân được bồi thường theo giá trị xây dựng mới. Thế nhưng về giá đất, cho dù áp dụng hệ số K, rồi vận dụng tất cả các chính sách nhưng vẫn gần như không tiệm cận được với giá thực tế, kể cả việc hoán đổi đất giống nhau cũng khó khăn.
“Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Đây là giải pháp được xem là khả thi nhất để đẩy nhanh GPMB. Khi áp dụng đầy đủ các giải pháp này thì công tác GPMB sẽ đem lại hiệu quả”, ông Thơ nhận xét.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xoa-ach-tac-den-bu-bat-dau-tu-dau-725224.html