Xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết thống
Từ nhiều năm trước, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở một số địa phương như Hùng Lợi, Kiến Thiết, Trung Minh (Yên Sơn) diễn ra khá phổ biến. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và địa phương cùng đội ngũ cộng tác viên dân số, đến nay tình trạng này đã được chấm dứt.
Trước kia, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có gần chục trường hợp hôn nhân cận huyết, để lại nhiều di chứng đau lòng. Điển hình như trường hợp vợ chồng Dương Văn Mái và Lý Thị Sính (anh em con cô, con cậu). Bố mẹ Sính bảo, con cháu trong nhà yêu nhau, lấy nhau là có phúc lớn vì tài sản không bị phân chia cho người ngoài. Thế nhưng hậu quả lại thật nặng nề, đứa con trai của anh chị là Dương Văn Chín bị mắc bệnh bạch tạng. Chín bị mất sắc tố toàn cơ thể nên da có màu trắng, tròng đen mắt cũng nhạt màu, sợ ánh sáng, nhìn không rõ. Cũng là anh em con cô, con cậu, anh Bàn Văn Điệp và chị Triệu Thị Hoa, thôn Hùng Xuân, xã Hùng Đức (Hàm Yên) đã kết hôn với nhau. Hậu quả là con gái đầu bị thiểu năng trí tuệ, còn cô con gái thứ hai lại bị sứt môi, hở hàm ếch.
Đồng chí Nguyễn Huy Phòng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có mối quan hệ họ hàng gần gũi với nhau, gây nguy cơ mắc những bệnh nan y như tan máu bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa. Thực trạng này tồn tại ở nhiều bản làng của các xã Hùng Lợi, Kiến Thiết (Yên Sơn).
Trước thực trạng đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh triển khai mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 11 xã thuộc 5 huyện. Chị Lương Thị Tuyến, cán bộ dân số xã Hùng Lợi chia sẻ, đội ngũ cán bộ dân số xã đã linh động sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như sử dụng máy trình chiếu, qua loa phát thanh, sách báo… Em Hoàng Thị Dung, 18 tuổi, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi cho biết, được cán bộ tuyên truyền, em đã hiểu rõ hậu quả hôn nhân cận huyết thống. Để tương lai tốt đẹp, con cái khỏe mạnh, em sẽ kết hôn với một người bạn trai không cùng huyết thống.
Các cộng tác viên dân số đã tích cực bám cơ sở, phát hiện nhiều trường hợp “khả nghi” để kịp thời can ngăn. Điển hình như anh em họ Vàng Văn Long và Sùng Thị Chẩu, thôn Yểng, xã Hùng Lợi có ý định kết hôn với nhau. Cộng tác viên dân số thôn Dì Thị Mươi đã tích cực tuyên truyền vận động gia đình. “Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng cuộc hôn nhân giữa Long và Chẩu cũng bị hủy bỏ.
Tại xã Kiến Thiết mô hình cũng được triển khai có hiệu quả. Từ nhiều năm qua, xã không có trường hợp nào kết hôn cận huyết thống. Chị Trịnh Thị Thu Hiền, cán bộ dân số xã Kiến Thiết cho biết, trong các buổi tuyên truyền chị vận động những gia đình đã từng kết hôn cận huyết nói về hậu quả. Đó là những nhân chứng giúp bà con hiểu rõ hơn. Ông Hoàng Văn Minh, thôn Tân Minh cho biết, hôn nhân cận huyết thống là hủ tục, là rào cản làm suy giảm nòi giống. Ông sẽ thường xuyên nhắc nhở bà con bỏ hủ tục để bản làng được bình yên, hạnh phúc.
Thực hiện Kế hoạch số 71/KH-UBND về triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Trung Minh, Hùng Lợi". Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức từ 6 đến 8 hội nghị tuyên truyền pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Mỗi năm có từ 800 - 1.000 lượt thanh niên, vị thành niên là người dân tộc thiểu số thuộc 2 xã tham gia.
Chị Lý Thị Hải, thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh cho biết, tại hội nghị chị đã được tuyên truyền về Luật Hôn nhân - Gia đình; hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng chăm sóc gia đình. Chị hiểu rõ hậu quả của kết hôn cận huyết để từ đó tuyên truyền cho người thân trong gia đình.
Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ dân số, kiến thức về hôn nhân đã thấm dần vào bà con Hùng Lợi, Kiến Thiết, Hùng Đức. Màn sương mờ của những hủ tục dần được xóa bỏ, đời sống người dân ngày một đổi thay và phát triển hơn.