Xóa bỏ hủ tục ở Mèo Vạc: Gắn kết 'ý Đảng-lòng dân' - Bài 3: Từng bước xây dựng nếp sống văn minh (Tiếp theo và hết)

Đám tang không mổ nhiều gia súc, không nghi lễ rườm rà, không tổ chức kéo dài, phải đưa người chết vào áo quan; đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao, không tảo hôn... là những kết quả bước đầu tích cực mà huyện Mèo Vạc đạt được khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, thời gian tới cần phải nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, có nhiều giải pháp đồng bộ để giữ vững và tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc.

Những kết quả tích cực

Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TU, nhiều dòng họ ở huyện Mèo Vạc đã "đi ngược" thói quen, tập tục lạc hậu để góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Dòng họ Sùng sinh sống ở thị trấn Mèo Vạc là dòng họ đầu tiên của địa phương thực hiện việc đưa người chết vào áo quan. Ông Sùng Mí Nô, trưởng dòng họ Sùng ở thôn Tìa Chí Dùa, đồng thời cũng là người có uy tín trong cộng đồng, chia sẻ: “Trước đây, trong đám tang của người Mông nói chung, dòng họ Sùng nói riêng có rất nhiều nghi thức lạc hậu, gây lãng phí, rườm rà, không chỉ tốn kém mà còn làm kiệt quệ sức người. Mình là đảng viên thì cần phải gương mẫu thực hiện trước để bà con trong dòng họ nghe theo. Cái nào là hủ tục thì phải xóa bỏ để phù hợp với cuộc sống hiện đại”.

Các dòng họ tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) ký cam kết xóa bỏ hủ tục. Ảnh: LINH HÀ

Các dòng họ tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) ký cam kết xóa bỏ hủ tục. Ảnh: LINH HÀ

Ở thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, ông Chảo Chỉn Sinh cho chúng tôi biết, dòng họ Chảo của ông là một trong những dòng họ tích cực thực hiện nghiêm Nghị quyết số 27-NQ/TU. Tất cả hộ trong dòng họ đều ký cam kết chấp hành theo nếp sống mới, đồng thời vận động đồng bào triển khai thực hiện. Ông Chảo Chỉn Sinh kể: “Đầu năm, khi gia đình ông Chảo Páo Chảnh có người chết, anh em trong họ ở xã khác định dắt bò đến trả lễ. Nhận được thông tin, tôi và một số thành viên trong tổ vận động xóa bỏ hủ tục, xuống tận nhà ông Chảnh để tuyên truyền. Nghe hợp lý, gia đình ông Chảnh đã thuyết phục anh em trong họ không mang bò đến và thực hiện đám tang theo nếp sống mới”.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo, thực hiện tuyên truyền, vận động thành công hơn 230 trường hợp gia đình có người chết đưa thi hài vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ, việc đưa thi hài người chết vào áo quan đang dần trở thành thói quen của người dân; 565 đám tang không tổ chức quá 48 giờ; 638 đám tang chỉ giết mổ một con gia súc; vận động, xử lý thành công 158 trường hợp tảo hôn...

Tiếp tục tuyên truyền, duy trì kết quả bền vững

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thào Mí Lử, Phó bí thư Đảng ủy xã Sủng Trà cho biết: “Ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục của xã có 26 thành viên, luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con. Các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vốn tồn tại lâu đời trong nhận thức, đời sống tín ngưỡng của đồng bào, để thay đổi không thể một sớm một chiều mà là cả quá trình, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hợp tác của mỗi người dân. Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU tuy rất tích cực nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa thật sự bền vững. Bởi vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nghị quyết”.

Theo đồng chí Phạm Văn Tú, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, để khắc phục hạn chế, thống nhất nhận thức và hành động, đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, huyện xác định phải tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động bà con theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” với quyết tâm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy cúng, thầy khèn... để "người dân trực tiếp nói cho người dân nghe”. Cùng với đó, tiếp tục đưa nội dung xóa bỏ hủ tục, gìn giữ văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường một cách phù hợp nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ.

Qua một thời gian thực hiện, đưa Nghị quyết số 27-NQ/TU vào cuộc sống, kinh nghiệm quý được các địa phương ở Mèo Vạc rút ra là các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải quán triệt sâu sắc, có quyết tâm rất cao và phải kiên trì, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về việc bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đồng chí Phạm Văn Hợp, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mèo Vạc cho biết: “Theo tôi, một trong những nội dung quan trọng là cần gắn việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU với tình hình thực tiễn của địa phương, từ đó xác định được nhiệm vụ trọng tâm và bố trí lực lượng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Các thôn, bản, tổ dân phố cần ban hành hương ước, quy ước, quy định cụ thể, chi tiết về xóa bỏ hủ tục. Các quy định, quy tắc xử sự... trong hương ước, quy ước có vai trò bổ sung cho pháp luật và tác động sâu sắc đến ý thức của mỗi tập thể, cá nhân do tính ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với điều kiện thực tế. Hương ước, quy ước cũng cần đưa ra các hình thức xử lý vi phạm như: Không công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, phạt lao động công ích...”.

Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong đời sống văn hóa ở huyện Mèo Vạc. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được là minh chứng cho sự gắn kết "ý Đảng, lòng dân", sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc chung tay xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh...

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/xoa-bo-hu-tuc-o-meo-vac-gan-ket-y-dang-long-dan-bai-3-tung-buoc-xay-dung-nep-song-van-minh-tiep-theo-va-het-825307