Xóa bỏ lò gạch thủ công - Vì sao vẫn khó?
Hàng ngàn lò gạch thủ công hình thành, phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư, đất nông nghiệp bị đào bới, thu hẹp lại. Nhiều tỉnh đã lên kế hoạch xóa bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cấp, nếu không có phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp một cách cụ thể, có hiệu quả cho người dân.
Khó khăn chuyển đổi
Theo thống kê, huyện Tây Sơn (Bình Định) là một trong những địa phương tồn tại nhiều lò gạch thủ công nhất với gần 100 lò. Hàng năm, các lò gạch trên địa bàn huyện cho ra lò hơn trăm triệu viên gạch, tương ứng là một lượng đất khổng lồ bị khai thác, trong đó, không ít đất được khai thác từ những diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp.
Theo tính toán, mỗi năm, nghề sản xuất gạch ở đây cần hơn 90.000 m3 đất sét (tương đương 4,5 hecta đất) và 10.000 tấn than đá... gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và mất đất sản xuất nông nghiệp.
Được biết, để thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch ngói thủ công, chính quyền huyện Tây Sơn đã tiến hành tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, cũng triển khai nhiều biện pháp mạnh như: Ngưng cung cấp nước; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguồn nguyên liệu, thu hồi tất cả các giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh... UBND huyện Tây Sơn cho biết, vì ảnh hưởng đời sống nên hết tháng 12 này sẽ tiến hành các giải pháp xóa bỏ các lò gạch thủ công.
Tại tỉnh Khánh Hòa, lò gạch thủ công tập trung nhiều nhất ở xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa). Tỉnh này đã có chỉ đạo đến hết năm 2020 phải chấm dứt. Tuy nhiên, đến nay các lò vẫn thi nhau hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn của xe chở vật liệu như tra tấn người dân.
Theo một số người dân, lò gạch hoạt động không kể ngày đêm. Khói quyện với bụi hắt vào mặt chịu không nổi. Mới nhìn thì cứ ngỡ người dân đi vắng nhưng thực chất mọi người phải đóng chặt cửa vì sợ mở ra ít phút là bụi bám đầy nhà. Ngay khu vực Trạm Y tế xã Ninh Xuân và Trường tiểu học số 1 Ninh Xuân (Ninh Hòa), những cột khói của các lò gạch bay lên đen kịt rồi tỏa ra các khu dân cư khiến đời sống càng thêm ngột ngạt.
Dùng biện pháp mạnh
Trước vấn đề nan giải trong việc xóa lò gạch thủ công chuyển qua lò không nung để bảo vệ đời sống người dân, UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để cưỡng chế.
Trước mắt sẽ thành lập 2 tổ công tác hoạt động song hành, gồm: Tổ tuyên truyền vận động và tổ xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế tháo dỡ. Huyện sẽ làm thông báo đến tất cả các lò gạch trong vòng 15 ngày phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở vật chất trên đất, trả lại hiện trạng ban đầu để địa phương thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Sau đó, nếu các hộ không chấp hành sẽ lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Còn tại Ninh Xuân, Ninh Hòa, Khánh Hòa vẫn đang ở mức tuyên truyền là chính. Theo UBND xã Ninh Xuân: Người dân bị ảnh hưởng trực tiếp kêu lên chính quyền suốt. Cứ mỗi lần dân kêu thì chính quyền lại xuống yêu cầu các lò gạch nghiên cứu cách khắc phục.
Có lúc bùn đất văng khắp nơi thì các chủ lò dọn dẹp, bụi mù đường thì tưới nước lên. Xã cũng đã cấm các đoàn xe tải, xe múc đào bới đất nông nghiệp vô tội vạ nhưng vẫn xảy ra tình trạng đó, phát hiện thì cũng xử phạt nhưng mức phạt còn nhẹ. Mặt khác, lượng xe múc đất ngày càng biến tướng. Vậy nên, để chấm dứt được “vấn nạn” này cần sự vào cuộc hoặc chỉ đạo quyết liệt từ nhiều cấp chính quyền. Bên cạnh đó, cũng cần phương án hỗ trợ nghề nghiệp khi người dân thay đổi nghề cũ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xoa-bo-lo-gach-thu-cong-vi-sao-van-kho-n184585.html