Xóa cấp huyện, Bộ Nông nghiệp và Môi trường điều chỉnh 270 văn bản

Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hiện có 270 văn bản quy phạm pháp luật quy định cần phải sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực đất đai, thú y...

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết theo lộ trình đã thông qua, từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền cấp huyện sẽ kết thúc; thay vào đó là mô hình chính quyền cấp tỉnh với các cấp cơ sở được tổ chức lại.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hiện có 270 văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải sửa đổi, bổ sung như: Trách nhiệm, thẩm quyền của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; hệ thống tổ chức bộ máy thuộc cấp huyện như cơ quan kiểm lâm, kiểm dịch thực vật, trung tâm dịch vụ nông nghiệp...

Cần làm rõ việc phân chia nhiệm vụ liên vùng

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hướng tới mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có rất nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét, đặc biệt là các quy định pháp lý liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, chăn nuôi, thú y, kiểm lầm và một số lĩnh vực khác. Đây là những lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc quản lý Nhà nước ở địa phương.

Do vậy, khi kết thúc mô hình chính quyền cấp huyện, cần có phương án xử lý cụ thể để đảm bảo mọi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước vẫn diễn ra bình thường, không bị gián đoạn hay ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.

Trong quá trình rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, có 270 văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan cần phải sửa đổi, bổ sung. Đơn cử là quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn cấp huyện như bản đồ hành chính, địa lý; thẩm quyền thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính và một số vấn đề khác có liên quan như lĩnh vực đất đai, môi trường, lĩnh vực chăn nuôi, thú y…

Nêu ý kiến tại cuộc họp bàn về việc rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diễn ra chiều 2/4, ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nhấn mạnh cần phải làm rõ việc phân chia các nhiệm vụ liên vùng và nhiệm vụ gắn với người dân.

Với những vấn đề mang tính chất liên vùng, có tác động rộng lớn hơn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng cần được báo cáo và đưa lên các cơ quan cấp tỉnh để xử lý. Còn các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân tại các địa phương sẽ được giao cho các cơ quan chức năng cấp xã - nơi có khả năng xử lý tình huống kịp thời.

Mô hình trên cũng phù hợp với các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật và kiểm dịch. Ví dụ trong trường hợp nếu có dịch bệnh xảy ra, cấp cơ sở sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương có phương án xử lý nhanh.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Trần Quang Bảo cũng đồng quan điểm và cho rằng Chi cục Kiểm lâm sẽ đảm nhận vai trò kiểm soát khu vực liên xã và có đội ngũ chuyên trách, giúp tối ưu hóa việc giám sát, triển khai các hoạt động bảo vệ.

Đặc biệt với lĩnh vực đất đai, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, cho rằng việc rà soát không chỉ được tiến hành đối với các nội dung liên quan đến thẩm quyền cấp huyện mà còn liên quan đến thẩm quyền của cấp xã vì có nhiều quy trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp có sự tham gia của chính quyền cấp xã.

 Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đối với các vấn đề phức tạp như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bà Mỹ lưu ý nếu không nghiên cứu một cách thấu đáo, sẽ gây ra khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội. Vì vậy, Cục Quản lý đất đai cũng đã rà soát, tham mưu triển khai các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn đồng thời phải công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp.

Đảm bảo văn bản pháp lý ban hành đúng tiến độ

Nhấn mạnh việc rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp là nhiệm trọng tâm, cấp bách, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng về kết quả rà soát và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, đặc biệt đối với các nghị định và thông tư quan trọng.

Trong quá trình triển khai, ông Duy nhấn mạnh nếu phát sinh vướng mắc, các đơn vị cần chủ động đề xuất phương án xử lý, đảm bảo hoạt động của cơ quan nhà nước không bị gián đoạn, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý, do mô hình chính quyền hai cấp chưa được phê duyệt chính thức và có thể thay đổi, nên việc cập nhật kịp thời các chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phương án triển khai phù hợp. Mặt khác, việc tái cấu trúc bộ máy theo mô hình mới sẽ đưa ra nhiều vấn đề điều chỉnh thẩm quyền quản lý nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn đang được đặt ra.

Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, các đơn vị phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuyển giao thẩm quyền.

Đối với một số nhiệm vụ có tính chất phức tạp như xử lý giá đất, đăng ký đất đai hay phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể được điều chỉnh ở cấp xã hoặc lên các sở chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Môi trường. Việc này nhằm đảm bảo tính chuyên sâu, đồng thời giảm thiểu các bước trung gian không cần thiết.

Theo ông Duy, việc chuyển đổi từ mô hình ba cấp (xã, huyện, tỉnh) sang hai cấp (xã - tỉnh hoặc xã - sở, ngành cấp tỉnh) không chỉ giúp tinh giản bộ máy mà còn góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức giải quyết công việc, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết và tăng cường liên thông giữa các lĩnh vực.

Vì vậy, ông Duy yêu cầu Vụ Pháp chế nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch chi tiết về xây dựng nghị định, thông tư đồng thời theo dõi sát sao tiến độ triển khai; các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đảm bảo văn bản pháp lý được ban hành đúng tiến độ, có hiệu lực kịp thời./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xoa-cap-huyen-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-dieu-chinh-270-van-ban-post1024415.vnp