Xoa dịu nỗi đau
Nhớ về những mất mát, hy sinh càng khiến chúng ta thêm động lực hướng về tương lai tốt đẹp hơn, để những mất mát, hy sinh ấy không trở nên vô nghĩa
Đêm qua, 19-11, hàng triệu trái tim Việt Nam dành những tình cảm sâu lắng nhất hướng về những người đã qua đời vì dịch bệnh. Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là dịp để nhắc nhớ, rằng mất mát, đau thương này không bao giờ bị lãng quên. Từ đó, chúng ta thêm đoàn kết, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thách thức để cùng hồi phục và phát triển.
Khoảng lặng nối muôn tấm lòng
Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, ngành nghề, sinh sống ở đâu..., rất nhiều người đã cùng theo dõi lễ tưởng niệm được trực tiếp truyền hình từ điểm cầu Hội trường Thống Nhất (TP HCM), với vô vàn cung bậc cảm xúc.
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi - giải trí tạm dừng. Ở mọi nẻo đường, con hẻm, nhịp sống chậm lại, tĩnh lặng hơn. Một đô thị lớn bậc nhất như TP HCM nhường không khí cuối tuần sôi động thường thấy cho thời khắc yên tĩnh, cho những phút trầm mặc nhớ về những nạn nhân. Bao ngọn nến lung linh ấm áp được thắp lên.
Như cơn bão dữ với sức tàn phá khủng khiếp, gần 2 năm từ khi xuất hiện, đại dịch Covid-19 cướp đi 5,12 triệu sinh mạng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tính đến ngày 19-11, 23.578 người vĩnh viễn ra đi. Tổn thất nhân mạng quá lớn này thật khó có gì bù đắp nổi.
Họ có thể là thân nhân, bè bạn, có thể là ai đó ta chưa từng quen biết. Xót xa thay! Hầu hết người mất vì Covid-19 đều không thể ở bên người thân trong khoảnh khắc cuối cùng, không có tang lễ và dòng người tiễn đưa. Người nằm xuống hóa thân tro bụi, để lại nỗi trống vắng xé lòng.
Khoảng lặng mênh mông trong đêm tưởng niệm là dịp để cộng đồng hồi tưởng những người đã khuất, để "lắng nghe" từ trong sâu thẳm tâm can những ưu tư, yêu thương, đồng cảm và sớt chia phần nào với gia đình người đã mất.
Trên khắp mặt báo, mạng xã hội, mọi người bày tỏ sự quan tâm và thể hiện những nghĩa cử chân thành tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Có trang cá nhân đăng tải hình ảnh và thông tin liên quan lễ tưởng niệm với những dòng thơ đầy xúc động.
Những hồi chuông nguyện cầu
Đúng 20 giờ 30 phút, đồng loạt các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) gióng lên hồi chuông linh thiêng. Các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại các cảng, bến sông kéo còi tưởng niệm. Ánh hoa đăng rực sáng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé. Nghi thức tưởng niệm được cử hành trang trọng.
Sau "cuộc chiến" vô cùng gian nan, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, chúng ta cùng chung sức vượt qua khó khăn để thích ứng với "bình thường mới". Lễ tưởng niệm có quy mô quốc gia này không chỉ để tưởng nhớ, tri ân, nguyện cầu cho những người đã khuất được yên nghỉ mà cũng là để mong bình an cho tất cả.
Anh Thạch Phước Hùng (quận 3, TP HCM) bộc bạch: "Chỉ mấy tháng ngắn ngủi, chúng ta phải chứng kiến hậu quả tàn khốc của dịch Covid-19, bao người lìa trần, nhiều gia đình ly tán, nhiều em nhỏ thành cô nhi trong phút chốc. Thảm họa từ dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và những thảm họa tương tự trong tương lai cảnh báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Vì vậy, càng không thể để những nỗi đau trôi vào quên lãng. Lễ tưởng niệm nhắc chúng ta thấm thía bài học đắt giá từ thảm kịch này để chuẩn bị tốt hơn trong tương lai, cùng nhau đánh giá lại những điều chưa được, những thiếu sót cần khắc phục trong thời gian qua và trên hết là giúp đỡ những gia đình oằn mình chịu nỗi tang thương, đặc biệt là những em nhỏ mồ côi".
Với anh Lưu Đình Long (quận Bình Thạnh, TP HCM): "Người Việt quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, việc chăm lo cho người chết luôn được người sống quan tâm sâu sắc. Việc tổ chức tưởng niệm giúp hương linh người đã khuất được an ủi, gia đình họ an lòng tiếp tục cuộc sống mới. Qua đó, nhắc nhớ mọi người sống có trách nhiệm hơn, giáo dục con cháu sống có tình, có nghĩa, có hiếu, có nhân, tử tế hơn. Đó là sự mầu nhiệm của tình thương!".
Gắn kết nghĩa đồng bào
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) cho rằng với đại đa số người Việt Nam theo tín ngưỡng truyền thống, việc tổ chức tang lễ chu đáo theo đúng phong tục cho người mất để họ thanh thản về thế giới bên kia là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đó khó được thực hiện trong đại dịch khi có những gia đình đều mất hoặc người thân đang ở khu cách ly. Thạc sĩ Tùng bày tỏ: "Sự thiếu vắng người thân lúc cuối đời cũng như những nhu cầu về mặt tâm linh chưa được đáp ứng là điều nuối tiếc và đớn đau. Với người ở lại, đó là sự day dứt dai dẳng, sự ám ảnh vì không được kề cận, lo tang ma cho người thân. Nỗi đau đó cần thời gian và sự hỗ trợ về mặt tâm lý mới có thể từng bước xoa dịu. Lễ tưởng niệm là việc làm thiết thực an ủi hương hồn người ra đi. Để ta trân trọng từng phút giây mình còn được tồn tại. Để mọi người càng trân quý và yêu thương, gắn kết nghĩa đồng bào".
Tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Mai Liên nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một sự kiện "sang chấn tập thể". Sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng, để lại nỗi buồn và sự tiếc thương khôn nguôn với người đi xa. Trước mất mát này, con người rất cần một dịp "để tang" người đã khuất, khóc thương hay cầu nguyện cho những người thân, ghi nhận công lao người thầy thuốc, chiến sĩ hy sinh. "Nghi thức tưởng nhớ tập thể này cũng lan tỏa được tình yêu thương, tinh thần cộng đồng, để người ở lại cảm nhận họ không đơn độc, họ được tiếp sức và chia sẻ cùng những gia đình cùng chung cảnh ngộ" - tiến sĩ Liên bày tỏ.
Từng rơi vào hoàn cảnh cả nhà nhiễm Covid-19, cô gái trẻ Trần Ngọc Thanh Phương đã khóc thật nhiều khi theo dõi lễ tưởng niệm. Chị nói: "Chắc là sẽ có rất nhiều người khóc như mình. Tôi thầm cảm ơn vì gia đình mình đã luôn động viên nhau và may mắn vượt qua. Tôi hiểu nỗi bàng hoàng của những ai đã mất đi người thân. Mong chúng ta sống nhiều hơn cho hiện tại và tương lai, luôn chăm sóc sức khỏe và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi ngày còn được ở bên cạnh người thân là điều đáng giá!".
Bánh xe thời gian không bao giờ ngừng quay, những gì đã qua rồi sẽ dần phủ lớp bụi mờ năm tháng. Mỗi quốc gia, dân tộc vẫn tiếp tục đi về phía trước trong tiến trình phát triển không ngừng. Nhưng trang ký ức bi thương mang tên Covid-19 có lẽ sẽ mãi là nỗi niềm khó xóa nhòa với nhiều người. Đó còn là sự ghi dấu tinh thần chiến đấu can trường của biết bao người Việt giữa khốn khó trăm bề, để tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng tuyến đầu, để càng trân trọng sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngàn đời nay qua bao thế hệ: Tình người và sự đoàn kết.
Nhớ về những mất mát, hy sinh không phải để bi lụy tuyệt vọng mà càng khiến chúng ta thêm động lực hướng về tương lai tốt đẹp hơn, để những mất mát ấy không trở nên vô nghĩa.
Cố gắng sống tốt, nuôi con nên người
Anh Hoàng Quốc Thái Hòa (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM) có vợ là chị Hoàng Thị Thúy Ái mất do Covid-19. Ngày nhận hung tin vợ qua đời, anh hoàn toàn đổ sụp. Anh chia sẻ thông qua việc tổ chức lễ tưởng niệm, có thể thấy được nỗ lực rất lớn của thành phố nhằm an ủi, xoa dịu nỗi đau cho các gia đình có người thân mất vì Covid-19. Anh Hòa nói: "Thời gian vừa qua, do yêu cầu phòng chống dịch nên các gia đình đã không thể tổ chức tang lễ cho người thân của mình. Với gia đình tôi, buổi lễ này rất có ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn".
Anh Nguyễn Hữu Hạnh (phường Bình Thuận, quận 7) có vợ là chị Trần Ngọc Hà mất do Covid-19. Anh rất xúc động khi hay tin cả nước tổ chức buổi lễ tưởng niệm quy mô lớn. "Không ai bị lãng quên sau đại dịch, điều này làm chúng tôi rất cảm động. Ba cha con tôi đã rất đau buồn khi mất đi người vợ, người mẹ thương yêu. Nỗi đau vẫn còn dai dẳng nhưng được sự quan tâm của chính quyền, của cộng đồng, gia đình tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Qua đây, tôi cũng cầu mong người đã khuất sẽ yên nghỉ và cầu nguyện sự bình yên cho những người ở lại" - anh Hạnh nói.
Gia đình anh T.T.H ở quận Bình Thạnh có đến 3 thành viên qua đời vì Covid-19. Với anh, lễ tưởng niệm là nén tâm hương gửi đến những người thân yêu mãi mãi không còn được gặp lại; đồng thời chứa đựng thông điệp mong người quá cố yên lòng, người ở lại sẽ gắng sống tốt, nuôi dưỡng những mầm non thơ ngây côi cút nên người.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xoa-diu-noi-dau-20211119232259457.htm