Xoa dịu nỗi đau da cam còn dai dẳng

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau, thảm họa da cam vẫn còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay. Những cảm thông, sẻ chia sâu sắc cũng như những hỗ trợ thiết thực từ phía các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã và đang là những nghĩa cử cao đẹp, nhằm động viên, xoa dịu những nỗi đau dai dẳng của các nạn nhân chiến tranh.

Hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ và người dân đã tham gia chương trình đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024. Ảnh: VTV

Hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ và người dân đã tham gia chương trình đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024. Ảnh: VTV

Trong suốt hơn 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã phun rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin xuống các thôn làng, đồng ruộng và rừng cây ở miền Nam Việt Nam, với tổng diện tích hơn 2,6 triệu héc ta. Theo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ước tính, có tới hơn 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng về sức khỏe do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin; trong đó, ít nhất có 150.000 trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh và ít nhất 1 triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất độc da cam.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chất độc da cam đã tác động đến thế hệ thứ 2, 3 và đang di nhiễm sang thế hệ thứ 4 của người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Hiện nay, rất nhiều gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên, thậm chí, có 7 - 8 người trong cùng gia đình đều là nạn nhân của loại chất độc này. Chất độc da cam khiến cho nhiều nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật; hàng trăm nghìn nạn nhân tử vong; hàng triệu người khác đang vật lộn hàng ngày với những căn bệnh quái ác.

Không chỉ người Việt Nam, mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... từng tham chiến ở Việt Nam trước đây và con cháu của họ cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm, di chứng chất độc da cam như: liệt, teo cơ một phần hoặc toàn cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, biến đổi gen gây dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Ngày 16/7, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa công bố phát động Chương trình "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024", với chủ đề "Thắp sáng tương lai". Theo đó, Hội sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam qua hình thức quét mã QR. Đồng thời, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học đã xảy ra tại Việt Nam, từ đó góp phần chung tay ủng hộ, động viên, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của nạn nhân và gia đình các nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính cho biết, nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Với những thành công của chương trình trong suốt thời gian qua, có thể thấy, việc xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành việc làm chung của xã hội, không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào.

Nhân kỷ niệm 63 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2024) và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), chiều ngày 6/8, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội. Tại buổi trao tặng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, đối với việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” - Quảng Trị 2024 thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội. Ảnh: Tú Linh

Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” - Quảng Trị 2024 thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội. Ảnh: Tú Linh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể của cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất tích cực; do đó, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, đặc biệt là công tác hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam nói riêng đã được quan tâm đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, hiệu quả. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa; trước mắt là hưởng ứng Chương trình gây quỹ cộng đồng “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.

Để tiếp tục lan tỏa thông điệp “Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai, bạn có chỗ đứng như thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam cũng đem lại cho họ niềm tin lớn trong cuộc sống”, sáng 4/8, tại công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11, thành phố Hồ Chí Minh), hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ và người dân đã tham gia chương trình đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024. Chương trình nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay đóng góp nguồn lực để chăm lo cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật nghèo đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 20 sổ tiết kiệm (trị giá 10 triệu đồng/sổ) tặng cho nạn nhân chất độc da cam.

Còn tại Quảng Trị, mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị, Binh chủng Hóa học và các đơn vị đã khai mạc triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý”. Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, theo các chủ đề: Thảm họa da cam, nỗi đau da cam; Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam; những tấm gương vượt khó vươn lên, những “Tấm lòng vàng” vì nạn nhân chất độc da cam...

Triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng để đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về hậu quả của chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người, nhất là ở Quảng Trị - một trong 8 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam. Bên cạnh đó là những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Quân khu 4 và tỉnh Quảng Trị, sự chung tay góp sức của cộng đồng và bạn bè quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học; những tấm gương nạn nhân chất độc da cam vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng...

Xoa dịu nỗi đau của nạn nhận chất độc da cam đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các tỉnh, thành hội đã vận động, thu vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp gần 350 tỷ đồng; đã chi hơn 320 tỷ đồng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xoa-diu-noi-dau-da-cam-con-dai-dang-post479307.html