Xoa dịu nỗi đau Phước Lộc

Phước Lộc – cái tên địa danh bình yên như là phúc phần mà người dân nơi đây xứng đáng nhận được, giờ đây lại phải trải qua chuỗi ngày đau thương, mất mát từ cơn thịnh nộ vô tình của thiên nhiên. Vùng đất đẹp như tranh của huyện Phước Sơn (Quảng Nam), nổi tiếng với câu chuyện được “ong kéo về cho mật”, giữ rừng bằng lệ làng vừa mất đi những người già, những đứa trẻ, những cán bộ cơ sở chân đất yêu thương bà con một cách thủy chung.

Bộ đội, dân quân, thanh niên địa phương cõng hàng cứu trợ đến với nhân dân xã Phước Lộc.

Bộ đội, dân quân, thanh niên địa phương cõng hàng cứu trợ đến với nhân dân xã Phước Lộc.

Xứ sở đẹp như bức tranh bình yên giữa đại ngàn

Trong những ngày bận rộn, áo quần thường xuyên lấm lem bùn vì băng rừng hàng chục cây số mỗi ngày ở hiện trường các xã cô lập, có người dân mất tích, nhà cửa bị cuốn trôi, mỗi lần ngồi lại, anh Phạm Trọng Ý – cán bộ Đài truyền thanh huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam lại xót xa khi nhìn thấy những gì đã xảy ra ở thôn 3, xã Phước Lộc những ngày qua. Anh Ý được bà con, bạn bè ở thôn 3 xem như người nhà vì mỗi dịp đi cơ sở anh đều ghé lại, nghe người lớn, trẻ con kể khu rừng già bao quanh che chở bao thế hệ, lại được xem người dân gọi ong về nuôi để lấy mật như là một sinh kế dựa vào thiên nhiên.

Ngôi làng có 11 người bị sạt lở đất, lũ quét vùi lấp nằm ở vùng đất bằng phẳng, được bao quanh bởi cây rừng xanh mướt quanh năm. Trong những lần di dân phòng chống bão lũ trước đây, chưa ai nghĩ tới một ngày nó sẽ bị cuốn phăng như thế. Người dân ở đây hiểu và thực hiện một quy luật được truyền nối từ bao thế hệ: cánh rừng này chỉ có trồng thêm chứ không chặt đi vì mục đích mua bán. Ở đây, ngoài việc khai thác mật ong rừng tự nhiên hầu hết các gia đình đều có kỹ năng dẫn dụ ong rừng về nuôi rồi lấy mật. Ai ở xa đến cũng thấy thú vị khi nhìn thấy dưới mỗi gốc cây trong làng, người dân khoét những hốc để vừa giữ được sức khỏe của cây lại có tổ để “gọi” ong về.

Phía ngoài mỗi hốc cây nhân tạo được đặt thêm những viên đá lớn lấy từ rừng, từ suối để che chở, đảm bảo ong không bị ảnh hưởng bởi nhịp sống của con người. Vào mùa nắng ấm, tổ ong lại được mở rộng thêm để đón những tảng sáp chứa mật ngọt mà đặc quánh mà ong trả lại cho người trong làng. Nghề nuôi ong bộng theo cách gọi của người dân đã mang lại những giọt mật tinh chất cho mỗi đứa trẻ lớn lên, người phụ nữ hồng hào sau sinh nở và người già rắn chắc, vững chãi. Mật ong Phước Lộc cũng vang danh, được các thương lái đến tận nhà săn mua, giúp người dân thoát nghèo rồi có cuộc sống no đủ hơn. “Những người già ở đây luôn bảo với thế hệ thanh niên rằng, rừng che chở cho cả làng, cho lộc của thiên nhiên. Ong đã về sống thì nhất định đất phải lành, cho nên phải giữ lấy rừng như hơi thở. Với tôi, đó là ngôi làng đẹp, bình yên và giàu tình cảm”, anh Hồ Văn Ý nói mà giọng buồn tiếc với những gì mình nhìn thấy trong những ngày qua.

Bão tố ngang qua

Anh Long, một cán bộ phụ trách phòng chống thiên tai của xã Phước Công, trên đường dẫn chúng tôi vào xã Phước Lộc kể, những năm trước, trong khi nhà dân ở nhiều địa phương bị sập, tốc mái, hư hỏng do bão thì ngôi làng đặc biệt này vẫn vững chãi khi được cánh rừng ôm lấy. Nhưng lần này thì khác, cánh rừng còn đó, gần như nguyên xi, nhưng hơn chục mạng người đã bị vùi lấp, hàng chục ngôi nhà bị cuốn phăng chỉ còn trơ lại đống bùn lầy chất cao. “Những người thoát nạn trong trận lũ quét, sạt lở đất đêm 28-10 ở thôn 3 bàng hoàng tìm người thân, không còn tin vào mắt mình khi nhìn vào đống bùn non trộn đất núi đã cuốn rồi lấp đi tất cả. Trẻ con quay cuồng tìm mẹ, chồng tìm vợ..., người thì thấy rồi nhưng thi thể bầm nát, người thì còn nằm đâu đó dưới kia”, anh Long kể lại.

Cơn lũ ống gây sạt lở kinh hoàng khiến 33 hộ dân với 129 con người may mắn thoát chết nhưng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất trong những ngày đầu bị cô lập. Cả làng chỉ còn lại 2 ngôi nhà nguyên vẹn. Thoát khỏi dòng đất đá, bùng non tống thẳng vào làng nhưng chị Hồ Thị Nam lại vĩnh viễn mất đi đứa con gái vừa mới 7 tuổi. Cũng giống như chị Nam, chị Hồ Thị Vy không kịp ôm lấy 2 đứa con gái đã đành, người mẹ già cũng bị đất đá vùi lấp trong cơn bàng hoàng. Hoạn nạn ập xuống thôn 3, mỗi nhà mỗi cảnh, anh Hồ Văn Thước cay đắng tự tay đóng những thớ gỗ để lo hậu sự cho người vợ xấu số của mình. Người trung niên này lần thứ hai trong đời phải xẻ cây rừng để lo việc nhà, lần đầu là cất mái ấm cho gia đình, lần này là xẻ để cho vợ có nơi nằm ấm cúng sau những ngày lạnh lẽo dưới lớp đất lầy. Trai tráng trong làng cũng mỗi người một tay đi từ nhà này qua nhà khác để lo việc chung, mà là một đại nạn chưa bao giờ có ở mảnh đất này. Bộ đội, Công an, dân quân sau nhiều ngày cắt rừng, băng suối cũng đã có mặt, cùng chính quyền địa phương xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương lòng và cùng nhân dân tái thiết cuộc sống mới. Ông Lưu Huyền Thoại – Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, người đã khóc khi cầm lấy chiếc điện thoại vệ tinh gọi về huyện thông báo tin 13 người dân của xã bị mất tích do mưa lũ vào ngày 28-10, đến nay vẫn không kìm được nước mắt mỗi khi nhớ lại những ngày biết dân bị nạn nhưng không thể làm gì. Liên lạc bị cắt đứt, giao thông bằng đường liên xã, liên thôn và cả lối đi rừng do người dân mở ra cũng bị tê liệt hoàn toàn khiến con người lực bất tòng tâm. “Tai họa bất ngờ quá, không người dân nào ở thôn 3 nghĩ đến chuyện vùng đất bằng phẳng được núi rừng che chở như vậy có thể mất đi. Dân tôi hiền lành, chân chất, sống thuận với thiên nhiên, sao lại nhận một kết cục như vậy...”, ông Thoại xúc động.

Anh Hồ Văn Thước, người dân thôn 3 xã Phước Lộc cùng thanh niên trong thôn lo hậu sự cho người vợ xấu số bị lũ ống, sạt lở vùi lấp.

Anh Hồ Văn Thước, người dân thôn 3 xã Phước Lộc cùng thanh niên trong thôn lo hậu sự cho người vợ xấu số bị lũ ống, sạt lở vùi lấp.

Xoa dịu nỗi đau

Từ trên máy bay trực thăng cứu trợ nhìn xuống, thôn 3 của xã Phước Lộc vẫn là một khoảnh đất rộng được bao bọc bởi rừng già. Nhưng hàng chục ngôi nhà nằm quây quần trước đây đã không còn nữa, thay vào đó là cảnh tượng tan hoang, may bay không thể đáp được. Phước Lộc nhìn từ trên cao vẫn đẹp, nhưng lòng người đầy đau thương.

Những chuyến trực thăng tới mang theo hàng cứu trợ rồi đưa người bị thương, đau ốm rời làng đi chữa bệnh. Dưới mặt đất, dòng người gồm Công an, Bộ đội, dân quân, thanh niên xung kích địa phương nối nhau cõng nhu yếu phẩm về thôn 3 và các thôn còn bị chia cắt của Phước Lộc để những chiếc bếp tạm tại các khu trú ẩn tập trung ấm lửa, người dân có những bữa cơm nóng sau nhiều ngày thiếu lương thực. Rất nhanh chóng, cùng với việc cõng lương thực, thực phẩm đến tận nhà những người dân bị chia cắt thời gian qua, lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng có mặt tại hiện trường vụ sạt lở ở thôn 3, chia thành nhóm để triển khai tìm kiếm những người mất tích. Trong thời gian việc tìm kiếm buộc phải tạm dừng do bão số 10 sắp đổ bộ đất liền, lực lượng nhanh chóng di dời dân đang sống tại các ngôi nhà tạm đến nơi an toàn cũng như bắt tay cùng bà con tái thiết cuộc sống sau khi cú sốc khủng khiếp tràn qua.

Thượng tá Lê Nho Tâm – Trưởng CAH Phước Sơn cho biết, trong những ngày qua, CBCS CAH đã cùng bộ đội, thanh niên địa phương băng rừng, vượt suối để nhanh chóng có mặt, sát cánh cùng chính quyền khắc phục hậu quả vụ sạt lở nghiêm trọng gây chết người, mất tài sản, sớm ổn định cuộc sống nhân dân. “Anh em đang cắm chốt, xuống từng nhà để thăm hỏi, động viên bà con đứng lên sau những mất mát. Không chỉ là những suất hàng cứu trợ vượt qua thời điểm đói rét hay tìm kiếm người mất tích, Công an, Bộ đội sẵn sàng sống cùng nhân dân qua những ngày khó khăn. Điều đó cũng giúp bà con nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau mất người thân, mất nhà cửa”, Thượng tá Tâm cho hay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp phụ trách nhiệm vụ chỉ huy cứu hộ cứu nạn, cứu trợ lương thực, ổn định cuộc sống nhân dân H. Phước Sơn, hiện nay thời tiết bất lợi nên việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích phải tạm thời hoãn lại, ưu tiên hàng đầu trong những ngày tới là đưa người dân các điểm xung yếu đến nơi ở an toàn trong thời gian còn lại của mùa mưa. Ngay sau khi bão số 10 đi qua, thanh niên địa phương sẽ lên đường về cơ sở vì bà con Phước Lộc, Phước Kim, Phước Thành. “Nhiệm vụ cứu trợ cơ bản đã đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, nắng lên sẽ cố gắng thông xe để mang thêm hàng hóa, vật dụng về dựng nhà cho bà con. Trước mắt sẽ nghiên cứu dựng nhà lắp ghép ở trong thời gian chờ làm nhà kiên cố xa sông suối, sườn núi. Các công trình cơ bản chưa cấp thiết sẽ tạm dừng để tái thiết cuộc sống người dân vùng sạt lở”, ông Hà cho biết.

CÔNG KHANH

Bộ đội, dân quân, thanh niên địa phương cõng hàng cứu trợ đến với nhân dân xã Phước Lộc.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/157_234069_xoa-diu-noi-dau-phuoc-loc.aspx