Xóa đói, giảm nghèo đã đi vào chiều sâu

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: 'Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo', do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, các đại biểu đã chia sẻ những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm

Các đại biểu tham gia Tọa đàm

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Các cấp ủy đảng, chính quyền phải quán triệt được tầm quan trọng của công cuộc giảm nghèo

Quảng Ngãi đã quán triệt Chỉ thị số 40 tới các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của việc giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững.

Chúng tôi cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan cần có những khảo sát, đề án cụ thể cho từng vùng miền, từng làng xã; có những hướng dẫn cụ thể để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp.

Cùng với đó là sự tham gia trực tiếp của các tổ chức đoàn hội trong hệ thống chính trị như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên để nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng hộ nghèo, kết nối giữa ngân hàng với người nghèo; đưa vốn và hướng dẫn, giám sát việc sử dụng vốn, thu hồi vốn… Chính nhờ những biện pháp đó, sau 5 năm thực hiện, vốn từ NHCSXH đã góp phần thực hiện được 17/20 chương trình tại địa phương, có trên 190.000 đối tượng được tiếp cận vốn vay. Trong đó, tập trung cho sinh viên, học nghề, xuất khẩu lao động; thực hiện các chương trình kinh tế như trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; xây dựng các công trình nước sạch, làm nhà cho người nghèo…

Nếu như năm 2014 tỉnh vẫn còn 15,2% hộ nghèo thì nay giảm xuống còn 7,79%; đối với các huyện miền núi, đã giảm từ 46,7% xuống còn 25,6%. Chúng tôi cũng xây dựng được 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ thị số 40 giúp tăng cường nguồn lực, tạo sự lan tỏa trong chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước

Chỉ thị số 40 giúp tăng cường nguồn lực, tạo sự lan tỏa trong chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tín dụng của NHCSXH là điểm sáng

Có thể nói Chỉ thị số 40 có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp quá trình xóa đói giảm nghèo của đất nước đi vào chiều sâu thực chất. Tôi đánh giá, tín dụng của NHCSXH là điểm sáng trong chương trình xóa đói giảm nghèo của đất nước chúng ta. Đặc biệt từ năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thì chất lượng tín dụng xã hội càng được nâng cao.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, thì điểm sáng lớn nhất chính là mô hình tổ chức quản trị đặc thù của NHCSXH tỏ ra hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của chúng ta. NHCSXH đã huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao.

Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã tăng 69.050 tỷ đồng, tương đương mức tăng 43%. Đây là nguồn lực tăng đáng kể, nâng dư nợ tín dụng của ngân hàng lên 189.505 tỷ đồng. Đây là con số lớn, là thành tựu mà chúng ta tập trung cho xóa đói giảm nghèo với hiệu quả cao.

Trong suốt quá trình thực hiện, đã có 10 triệu lượt hộ được vay vốn, như vậy là đã bao phủ toàn bộ các thôn bản, xã phường. Tôi đánh giá NHCSXH đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp xóa nghèo bền vững. Ngoài ra, còn giúp cho 19.000 lao động có việc làm. Và quan trọng nhất có 1,8 triệu hộ đã thoát nghèo - kết quả rất ấn tượng!

Ông Vũ Xuân Cường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Chỉ thị số 40 đã giúp tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế tín dụng

Hàng năm, Lào Cai dành 70% nguồn lực để đầu tư cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, tín dụng chính sách là giải pháp ưu việt tạo nguồn lực quan trọng để địa phương thực hiện đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn và chương trình xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời đã tạo điều kiện cho địa phương, cùng NHCSXH tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn. Từ thực tế triển khai, chính sách này rất phù hợp với nhu cầu và nhận thức của người dân, nguồn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trở thành nguồn lực quan trọng, ổn định, bền vững và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn lực đầu tư cho xóa đói giảm nghèo.

Thời gian tới, Nhà nước cần đẩy mạnh phương thức hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình mục tiêu từ “cho không” sang “cho vay” để nâng cao tính chủ động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tư duy sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế thị trường, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.

Để làm được như vậy, phải tập trung nguồn lực cho chương trình mục tiêu, không để dàn trải trong xóa đói giảm nghèo. Đối với chính sách hỗ trợ cho người dân, nên tập trung đầu mối qua NHCSXH để cho vay theo mục tiêu của chương trình.

Ông Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Nhận thức rõ hơn về tác động to lớn của tín dụng chính sách

Nếu chúng ta không có sự chỉ đạo và lãnh đạo xuyên suốt của Đảng thì khi triển khai các chương trình giảm nghèo sẽ hết sức khó khăn. Từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, tỉnh Đắk Lắk đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo tới các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng và tác động to lớn của tín dụng chính sách, giúp NHCSXH triển khai tốt Chỉ thị số 40, đưa vốn đến đúng đối tượng, giúp người vay có ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.

Sau 5 năm triển khai, tại Đắk Lắk đã có gần 300.000 hộ được vay vốn, với số tiền 4.730 tỷ đồng, tăng 1.729 tỷ đồng so với 2014. Trong đó, dư nợ với đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã lan tỏa đến 100% xã, phường trên toàn tỉnh; trong đó ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đối tượng vay là các hộ nghèo, các đồng bào thiểu số, sinh viên học sinh cần vay để đi học, xuất khẩu lao động. Kết quả thực hiện chính sách tín dụng gắn với giảm nghèo bền vững được thể hiện rõ ở chỗ, nếu như năm 2014, Đắk Lắk có tới 45% là hộ nghèo thì nay chỉ còn hơn 12%.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, từ khi có Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy đã có những văn bản chỉ đạo tới các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai tốt Chỉ thị này, để các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay. Đặc biệt, tỉnh dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay năm 2014 là 119,4 tỷ đồng và đến ngày 30/6/2019 nguồn vốn ủy thác của địa phương là 217,7 tỷ đồng; tăng hơn 98 tỷ đồng. Sự chung tay của đảng ủy, chính quyền trong việc tạo nguồn lực càng làm lan tỏa giá trị của tín dụng chính sách.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc NHCSXH

Tạo nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Có thể nói, việc tập trung, tăng cường nguồn lực là một trong những mục tiêu của Chỉ thị số 40. Qua 5 năm, nguồn vốn ngân sách dành cho tín dụng chính sách xã hội tăng 1,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị̣. Đặc biệt, nguồn vốn của chính quyền địa phương ủy thác sang NHCSXH, tăng vượt bậc, đến nay đã đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 10.800 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện, đây là một con số rất ấn tượng.

Đến nay, 100% địa phương đã có ủy thác qua ngân hàng chính sách, bình quân một địa phương cấp tỉnh là 230 tỷ đồng, trong đó có địa phương đạt mức cao như: Hà Nội là 2.900 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh là 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn cũng rất quan tâm đến vấn đề này, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng... Nguồn vốn ngân sách chuyển ủy thác trước hết nhằm hỗ trợ nguồn vốn Trung ương cho vay các đối tượng chính sách, như hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, xuất khẩu lao động... Nhiều địa phương chuyển sang để cho vay thêm các đối tượng chính sách mà cấp ủy, HĐND đó mở rộng thêm, phù hợp với từng địa phương. Qua đó, tạo nên nguồn lực lớn để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện dự án tại địa phương.

Đức Nghiêm thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xoa-doi-giam-ngheo-da-di-vao-chieu-sau-94375.html