Xóa kiếp 'sống mòn' cho gấu nuôi

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (cơ sở II) đặt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) qua gần 1 năm hoạt động đã từng bước cứu hộ, chăm sóc nhân đạo nhiều cá thể gấu từng chịu kiếp 'sống mòn', hướng mục tiêu đến năm 2026 sẽ chấm dứt việc nuôi gấu trong các cơ sở nuôi nhốt của hộ gia đình, cá nhân.

Một góc Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Bạch Mã

Một góc Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Bạch Mã

Giữa tháng 11/2023, Tổ chức Động vật châu Á tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (cơ sở II) đặt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Trước đó, dự án khởi động kể từ năm 2022, do Cục Kiểm lâm chủ trì, với nguồn kinh phí xây dựng và vận hành dự án được Tổ chức Động vật châu Á viện trợ không hoàn lại có tổng trị giá 10,5 triệu USD (tương đương 242,5 tỷ đồng).

Dự án xây dựng trong khu hành chính của Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế), trên tổng diện tích 12,5 ha, với quy mô trở thành dự án cứu hộ gấu lớn nhất Việt Nam, công suất cứu hộ lên đến 300 cá thể. Trong giai đoạn 1, dự án đã xây dựng hoàn thiện các khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và 2 nhà gấu đôi với 4 khu bán tự nhiên.

Còn nhớ, trước khi Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Bạch Mã khánh thành, chính thức được đưa vào vận hành, nơi đây từng tiếp nhận, cứu hộ 2 cá thể gấu đầu tiên mang tên phi công nổi tiếng Armstrong và Buzz.

Hai cá thể gấu được cứu hộ vào đầu tháng 10/2023 từ một hộ gia đình tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) theo hình thức tự nguyện viết đơn chuyển giao và không đòi hỏi bất cứ một nguồn kinh phí nào. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội hỗ trợ mọi thủ tục bàn giao và phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á trong công tác cứu hộ gấu.

Vượt qua chặng đường di chuyển hơn 800km trong tình trạng được chăm sóc chu đáo, khoa học, Armstrong và Buzz có mặt ở Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Bạch Mã trong niềm vỡ òa hạnh phúc, vui mừng của những người tâm huyết, yêu mến, bảo vệ động vật hoang dã.

Các cá thể gấu được chăm sóc, cứu hộ tại trung tâm ở Vườn Quốc gia Bạch Mã

Các cá thể gấu được chăm sóc, cứu hộ tại trung tâm ở Vườn Quốc gia Bạch Mã

Kể về công tác cứu hộ, chăm sóc gấu, đến bây giờ chị Mai Trang, nhân viên Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (cơ sở 2), vẫn không thể quên lần tiếp cận, di chuyển 3 cá thể gấu ngựa từ TPHCM về Vườn Quốc gia Bạch Mã. Đó là chặng đường qua 2 ngày di chuyển với lộ trình dài hơn 1.000km.

Thời điểm tiếp cận, 3 cá thể gấu ngựa với độ tuổi khoảng 20 trong thể trạng gầy yếu, mất nhiều mảng lông trên cơ thể. Gấu được nuôi trong mô hình bán hoang dã phục vụ du lịch và ngắm nhìn trực quan, nhưng với điều kiện kinh doanh khó khăn và thu hẹp quy mô, cơ sở vật chất chuồng trại từ lâu không được bảo trì gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của các chú gấu.

Ba cá thể gấu này được cứu hộ vào đầu năm mới Giáp Thìn (năm rồng) nên được đoàn cứu hộ đặt tên là Cửu Long (gấu đực), Thăng Long và Hạ Long (hai gấu cái). Tổ chức Động vật Châu Á đã thực hiện cứu hộ cá thể đầu tiên Hạ Long bằng phương pháp gây mê do gấu khá căng thẳng, chi sau yếu và khu vực chuồng nuôi không thuận tiện để ghép lồng.

Hai gấu ngựa sau được ghép lồng và dụ sang bằng lồng vận chuyển. Đặc biệt, gấu ngựa Thăng Long, vì đục thủy tinh thể, nên gặp khó khăn trong việc bước sang lồng vận chuyển.

“Do thể trạng gầy yếu, mắc bệnh, nên sau khi được cứu hộ, trong 3 cá thể gấu đưa về từ TPHCM hiện chỉ còn mỗi Cửu Long là còn sống. Đây là điều đáng tiếc, khiến chúng tôi rất buồn”, một nhân viên trung tâm bày tỏ tiếc nuối.

Thông tin từ Cục Kiểm lâm, hiện còn khoảng 870 cá thể gấu được nuôi trong các cơ sở tư nhân, hộ gia đình, ngoại trừ hơn 300 cá thể gấu đã được đưa về các trung tâm cứu hộ gấu do nhà nước quản lý. Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã là dự án thiết yếu trong cứu hộ và chăm sóc nhân đạo cho toàn bộ các cá thể gấu vẫn còn “sống mòn” trong những trang trại nuôi gấu lấy mật - ngành kinh doanh đẩy gấu chó và gấu ngựa, hai loài động vật thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm tại Bạch Mã đã tiếp nhận, cứu hộ 11 cá thể gấu, trong đó có 9 cá thể vẫn còn sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, khoa học.

Chấm dứt nuôi gấu tại hộ gia đình vào năm 2026

Theo đại diện Tổ chức Động vật châu Á, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã được đầu tư xây dựng trong bối cảnh Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở I tại Vườn Quốc gia Tam Đảo vận hành hết công suất. Tổ chức Động vật châu Á sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và cộng đồng chung tay bảo tồn bền vững loài gấu châu Á thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ gấu, đồng thời xây dựng chương trình nghiên cứu tái thả và bảo tồn gấu hoang dã ngoài tự nhiên.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cơ sở tại Bạch Mã là trung tâm được đầu tư với chi phí, quy mô cứu hộ gấu lớn nhất cả nước. “Chúng tôi hy vọng rằng dự án đi vào hoạt động sẽ đạt được những mục tiêu đặt ra về công tác cứu hộ, bảo tồn gấu”, ông Thiện kỳ vọng.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xoa-kiep-song-mon-cho-gau-nuoi-post1659081.tpo