Xóa lỗ hổng về giới trong chính sách
Nhạy cảm giới là một nguyên tắc hết sức quan trọng trong xây dựng chính sách chung và chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Ðó là điều mà chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trong ảnh) - Cố vấn nghiên cứu và xây dựng chính sách (tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam), muốn lưu ý khi trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần.
Nhạy cảm giới là một nguyên tắc hết sức quan trọng trong xây dựng chính sách chung và chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Ðó là điều mà chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trong ảnh) - Cố vấn nghiên cứu và xây dựng chính sách (tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam), muốn lưu ý khi trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần.
- Thưa chị, hiện nay phụ nữ DTTS đang phải đối diện với những khó khăn gì trong việc phát triển sinh kế?
- Gần đây CARE có thực hiện một số đánh giá khảo sát như lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; đánh giá thực trạng lao động di cư/đi làm ăn xa ngoài địa phương của đồng bào DTTS trong đó có phụ nữ; đánh giá về khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ DTTS,… Báo cáo khảo sát lồng ghép giới trong Chương trình MTQG chỉ ra rằng, mức độ tham gia vào việc thảo luận và ra quyết định liên quan đến thực hiện các chương trình chính sách phát triển sản xuất, giảm nghèo tại địa phương của phụ nữ rất hạn chế, trong khi phụ nữ DTTS đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương. Ðối với vấn đề lao động di cư, khảo sát cũng cho thấy, các chính sách cho người lao động di cư chưa có sự nhạy cảm về giới, thiếu các số liệu phân tách giới, các chỉ tiêu về tỷ lệ nam nữ trong giám sát, đánh giá chính sách. Chính sách an sinh xã hội cho nữ giới di cư còn nhiều khoảng trống. Lao động nữ phi chính thức khó tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện (vì có bảo hiểm này mới được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất, chưa có chế độ thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp). Hơn nữa còn tồn tại định kiến từ chính gia đình và cộng đồng đối với phụ nữ DTTS đi làm ăn xa…
- Ðể hỗ trợ phụ nữ DTTS một cách hiệu quả, theo chị cần có những phương án, dự án chuyên biệt như thế nào?
- Thứ nhất, cần thúc đẩy và có cơ chế, chỉ tiêu rõ ràng về sự tham gia của phụ nữ trong việc lập kế hoạch, ra quyết định và thụ hưởng các chương trình chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là các dự án gắn với phát triển sản xuất, sinh kế từ nông, lâm nghiệp, bởi như đã nói ở trên, phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất tại địa phương do nam giới thường đi làm ăn xa nhiều.
Ngoài ra cần nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho phụ nữ liên kết sản xuất và làm chủ trong các mô hình dự án phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh.
Thứ hai, lao động di cư/đi làm ăn xa đang trở thành xu hướng ngày càng tăng ở vùng DTTS. Các bộ, ngành khi thiết kế và hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2030 cần bao hàm nội dung hỗ trợ lao động DTTS đi làm ăn xa. Cụ thể, nội dung hỗ trợ sinh kế phi nông nghiệp, phát triển việc làm của các Chương trình cần bao gồm các hoạt động hỗ trợ lao động nghèo, thanh niên, phụ nữ DTTS đi làm ăn xa. Các chính sách hỗ trợ lao động di cư cần tính đến yếu tố giới. Cần bảo đảm quyền lợi về thai sản cho lao động nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức bằng cách bổ sung chế độ thai sản vào chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong cộng đồng thay đổi định kiến đối với nữ giới DTTS di cư.
Thứ ba, cần đẩy mạnh truyền thông cấp cơ sở để xóa bỏ các khuôn mẫu cứng nhắc về vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. Việc rập khuôn vai trò của phụ nữ và nam giới chính là nguyên nhân gốc rễ của việc phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới, là rào cản ngăn phụ nữ tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, cũng như khởi sự kinh doanh, làm chủ các sáng kiến phát triển kinh tế hộ gia đình.
- Khái niệm “sinh kế bền vững” nên được hiểu như thế nào, và làm sao để phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ DTTS, thưa chị?
- Bền vững với các tổ chức phát triển như CARE Quốc tế được hiểu là khi dự án rút đi, người dân vẫn tự duy trì, thậm chí mở rộng được quy mô các hoạt động dự án hỗ trợ. Muốn vậy, sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án phải phù hợp với năng lực, thế mạnh, quy mô sản xuất của chị em và có quy trình chuyển giao bài bản từ dự án cho chính quyền và cơ quan quản lý địa phương để họ có thể tiếp tục hỗ trợ, theo dõi, giám sát.
Ðể phụ nữ có thể phát triển sinh kế bền vững hay nói theo ngôn ngữ của các tổ chức quốc tế là tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, cần thực hiện ba việc chính: một là tăng cường năng lực tự chủ của phụ nữ, bảo đảm phụ nữ được hiện diện và nói lên được các vấn đề của họ tại các cuộc họp lập kế hoạch và ra quyết định tại địa phương. Hai là phải hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin kiến thức chính sách về thị trường, tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ liên kết với các tác nhân thị trường và công nghệ mới nhằm mở rộng cơ hội phát triển kinh tế. Cuối cùng, hỗ trợ các nhóm DTTS tại cộng đồng cùng hành động để tạo sự thay đổi về vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong đời sống kinh tế - xã hội. Quá trình hỗ trợ này cần thực hiện theo hướng học hỏi thông qua trải nghiệm, học tập từ các mô hình đã đi trước và thành công để chị em và cộng đồng trong đó có nam giới được truyền cảm hứng thay đổi.