'Xóa mù' bơi cho trẻ em
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đuối nước ở trẻ em tăng cao là do phần lớn các em không biết bơi và không được rèn luyện kỹ năng đối phó với đuối nước. Từ thực tế đó, để giảm thiểu tai nạn đuối nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp với UBND huyện Thạnh Trị và TX. Vĩnh Châu tổ chức thực hiện Dự án mở các lớp dạy bơi nhằm 'xóa mù' bơi cho trẻ em ở các địa phương.
Sau những cơn mưa nặng hạt, chúng tôi có mặt tại hồ bơi Như Ngọc - nơi đây đã tiếp nhận và dạy bơi cho 160 trẻ em, tại thị trấn Phú Lộc. Đây là một trong những địa phương thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em. Những hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là không khí sinh hoạt của thầy và trò rất nhộn nhịp. Từ khởi động chung (xoay các khớp cổ tay, cổ chân), khởi động chuyên môn đến chương trình tập luyện trên cạn, dưới nước, bài tập thở, thả nổi, tay bám thành hồ đi sát quanh hồ…
Anh Đàm Thanh Ngọc - chủ hồ bơi Như Ngọc cho biết: “Năm nay, hồ bơi chúng tôi rất vinh dự được các sở, ngành và địa phương chọn làm nơi dạy bơi cho trẻ trên địa bàn thị trấn Phú Lộc, nhằm giúp các em và học sinh tự bảo vệ bản thân khi không may gặp sự cố trên sông hoặc ao hồ, kênh rạch gần nhà. Các em học bơi tại đây vừa được vui chơi, giải trí, vừa được trang bị những kiến thức, kỹ năng khi cứu đuối nước. Chúng tôi thiết kế có 3 hồ bơi khác nhau. Hồ bơi ưu tiên dành cho đối tượng trẻ em chưa biết bơi có độ sâu từ 60cm đến 80cm; từ 80cm đến 1,2m và hồ bơi dành cho thanh - thiếu niên biết bơi độ sâu từ 1,2m đến 1,6m”.
Ở huyện Thạnh Trị, với đặc thù vùng sông nước, nên việc “xóa mù” bơi cho học sinh và trẻ em thật sự cần thiết. Cũng theo anh Thanh Ngọc, hàng năm vào dịp hè, chúng tôi cũng tăng cường mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, thu hút hàng chục học viên theo học. Sau mỗi khóa tập, các em đều biết bơi thành thạo từ những kỹ thuật cơ bản trên cạn, đến những bài tập làm quen với nước, cách thở, kỹ thuật bơi sải, bơi ếch. Đó là một niềm vui chung của cả phụ huynh khi đưa con em đến đây học, biết tự vệ trong việc phòng, chống đuối nước.
Trò chuyện với chúng tôi, em Tô Tiến Quân, ngụ ấp Xa Mau, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) phấn khởi chia sẻ: “Em vừa tham gia lớp học tại hồ bơi này được vài ngày, giờ em tự bơi được. Khi biết bơi, em rất vui mừng, mỗi lần về quê chơi với bạn bè không sợ bị đuối nước như trước nữa”. Em Sơn Na Ríth ngụ cùng ấp Xa Mau cũng đã biết bơi, em chia vui: “Được học lớp bơi này, em cảm thấy vui. Bởi nghe thầy cô giáo dạy, cha mẹ nói và xem trên tivi có nhiều trường hợp học sinh bị đuối nước rất thương tâm. Do đó, em xin cha mẹ đến đây học bơi để tự lo cho bản thân. Học tại đây được các thầy hướng dẫn nhiệt tình từ các động tác trên cạn cho đến xuống nước, kỹ thuật bơi. Giờ em cũng biết bơi ếch, không còn sợ đuối nước”.
Theo kế hoạch phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Thạnh Trị và UBND TX. Vĩnh Châu về việc tổ chức 58 lớp dạy bơi cho 1.160 trẻ em có độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi tại các xã thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019, trên địa bàn huyện Thạnh Trị, Ban Quản lý Dự án chọn các xã như: Vĩnh Lợi, Tuân Tức, Lâm Tân, Thạnh Trị và thị trấn Phú Lộc; còn trên địa bàn TX. Vĩnh Châu có 5 xã gồm: Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Tân và Lai Hòa.
Để thực hiện hiệu quả Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, trước đó Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã mở lớp tập huấn cho trên 40 học viên là giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc huyện Thạnh Trị và TX. Vĩnh Châu, các cộng tác viên, hướng dẫn viên đang làm công tác tại các trung tâm văn hóa - thể thao trong tỉnh. Lớp tập huấn này, sở đã mời thạc sĩ Vũ Văn Dũng - Phó trưởng Khoa Thể thao dưới nước (Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh) đến truyền đạt những kiến thức cơ bản cho các học viên về một số kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, xuống nước, lên bờ an toàn, bơi sống sót chuyển từ sấp sang ngửa, di chuyển trong nước an toàn, cách cứu người gián tiếp khi bị đuối nước. Ngoài ra, còn có các bài tập kỹ thuật tay trườn sấp và tay ếch, chân trước sấp, chân ếch cho trẻ em trên cạn và dưới nước, bài tập đứng nước, phối hợp bơi ếch và bơi trườn sấp.
Theo ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc dạy bơi cho trẻ và học sinh, nhằm trang bị cho các em tự bảo vệ được bản thân khi sự cố xảy ra trên sông nước. Đây là 2 đơn vị được tỉnh chọn thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước trong năm nay. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương tiếp tục mở rộng việc dạy bơi cho trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/xoa-mu-boi-cho-tre-em-29799.html