Xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai
Mong muốn bà con biết chữ để đọc, viết và phát triển kinh tế gia đình, 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai đều mở lớp xóa mù chữ.
Vận động học viên đến trường
Chiều buông, người dân ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) từ trên nương rẫy trở về sau một ngày làm việc mệt nhọc. Cất gọn cuốc, thay bộ quần áo lấm lem, họ ăn vội bữa cơm tối để đến trường học chữ.
Hơn 3 tháng qua, tối nào lớp học ở Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr) cũng sáng đèn. Co ro trong cơn gió lạnh đầu đông, từng tốp người thấp thoáng dưới ánh đèn đường đến trường học đọc, viết.
Có mặt từ sớm, cô giáo Kso H’Vớt sắp xếp lại bàn ghế, chuẩn bị đồ dùng học tập đón học viên. Lớp học của cô Kso H’Vớt có 32 người, độ tuổi từ 23- 59 tuổi. Buổi học hôm nay lớp không vắng ai.
Lớp đông đủ, cô Kso H’Vớt đi một vòng kiểm tra bài cũ đã giao cho học viên tối qua. Những học viên viết chữ chưa đẹp, không ngay hàng thẳng lối… cô Kso H’Vớt nhẹ nhàng hướng dẫn.
Bà Rơ Lan Bẽ (49 tuổi, làng Breng 1, xã Ia Der) cho hay, xưa kia không được đi học nên “một chữ bẻ đôi” bà cũng chẳng biết. Khi xã mở lớp xóa mù chữ, mấy chị em trong làng rủ nhau đi học nên bà liền đăng kí tham gia.
“Thấy mọi người được giáo viên hướng dẫn đọc, viết nên mình cũng đi. Xưa nay chưa được cầm bút viết nên giờ đi học có chút khó khăn vì mình quen cầm cuốc rồi. Tuy nhiên mình sẽ cố gắng học để sau này biết chữ chỉ dạy cho con, cháu và đọc tin tức, thông báo của chính quyền”, bà Rơ Lan Bẽ nói.
Cô giáo H’Vớt chia sẻ, để bà con đến trường học chữ, thời gian đầu nhà trường cùng chính quyền địa phương đi từng nhà vận động, tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng của việc học. Sau một thời gian kiên trì, lớp xóa mù chữ dần đông hơn. Đến nay đã có 32 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thấy được lợi ích từ việc học nên giờ đây bà con chủ động ra lớp, không cần giáo viên phải nhắc nhở.
“Nhờ sự cần cù, chịu khó học tập, người dân cơ bản đã biết đọc, biết viết. Chỉ sau một thời gian nữa bà con sẽ đọc, viết thành thạo, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống”, cô giáo H’Vớt tâm sự.
17/17 địa phương có lớp xóa mù chữ
Xã Ia Phí (huyện Chư Păh, Gia Lai) là địa phương miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn với đa số người dân là đồng bào DTTS Jrai, tỷ lệ mù chữ độ tuổi từ 40 - 60 chiếm 50%. Mong muốn bà con biết chữ, Phòng GD&ĐT huyện Chư Păh phối hợp với UBND xã Ia Phí, Trường Tiểu học Ia Phí mở lớp xóa mù chữ với 80 học viên.
Những học viên tham gia là người chưa từng đi học, hoặc từng biết chữ nhưng đã quên. Ban ngày người dân lên nương rẫy nên thời gian học tập bắt đầu từ lúc 18h30 - 21h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Bà con được học để biết đọc, viết, tính toán và kiến thức về khoa học - kỹ thuật cơ bản.
Trực tiếp đứng lớp, thầy giáo Rơ Châm Chân vui mừng khi thấy học viên tiến bộ lên từng ngày. Học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau nên những ngày đầu, thầy Chân khó khăn trong việc hướng dẫn mọi người cách cầm bút, viết chữ. Đặc biệt là những người lớn tuổi đã quen cầm cuốc nên lần đầu cầm bút đôi tay run run. Thầy Chân cầm tay tập viết cho từng người.
Cũng có những học viên ngại, hay đi làm nương rẫy mệt chẳng muốn đến trường. Thế rồi thầy Chân cùng một số giáo viên đến nhà vận động, chia sẻ khó khăn để học viên quay trở lại. Với sự kiên trì, tận tâm giảng dạy giờ đây nhiều học viên đã biết đọc, biết viết.
Theo Phòng GD&ĐT Chư Păh, từ tháng 6/2023, đơn vị đã phối hợp với 6 xã tổ chức 9 lớp xóa mù chữ cho khoảng 250 học viên là người đồng bào DTTS. Huyện Chư Păh phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn thành xóa mù chữ giai đoạn 1, tương ứng với chương trình của lớp 1, 2 và 3. Nếu những học viên nào có nguyện vọng học tiếp sẽ mở giai đoạn 2, tương đương với chương trình lớp 4, 5.
Ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, công tác xóa mù chữ tại địa phương đang được các cấp, ngành thực hiện hiệu quả. Trong năm 2022, lớp xóa mù chữ chỉ mới triển khai thực hiện tại 2/17 địa phương với 7 lớp, 168 học viên. Tuy nhiên, đến nay tất cả 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức lớp xóa mù chữ gồm 226 lớp với 6.502 học viên.