Xóa nghèo bền vững cho người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang
Giống bò vàng được bà con các dân tộc thiểu số trên vùng cao nguyên đá Hà Giang nuôi dưỡng từ rất lâu đời. Giống bò này có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, chất lượng thịt thơm ngon. Việc bảo tồn và phát triển giống bò vàng không những góp phần phát triển chăn nuôi, mà còn là tiền đề quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân cao nguyên đá nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Con bò của vợ chồng anh Sùng Lỳ Chá đạt giải Nhất môn thi “Bò ngoại hình đẹp” và “Lực sĩ bò vàng”. Ảnh: Minh Anh
Từ con bò xóa đói giảm nghèo
Dân tộc Mông ở Việt Nam hiện nay có trên một triệu người. Đồng bào Mông có nhiều giống cây trồng và vật nuôi quý, trở thành sản phẩm đặc sản như ngô nếp để nấu mèn mén, nấu rượu ngô men lá, cải mèo, gà đen, lợn đen bản địa và đặc biệt là giống bò vàng (hay còn gọi là bò Mông). Giống bò này được đồng bào dân tộc Mông khi di cư đã đưa vào Việt Nam hơn 300 năm trước. Hầu như người Mông ở đâu thường có giống bò Mông ở đó, do vậy, giống bò Mông phân bố chủ yếu dựa vào cộng đồng người Mông tại các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tại Hà Giang, bò Mông được nuôi nhiều ở các huyện vùng cao như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần và Hoàng Su Phì.
Chúng tôi có mặt ở xã Đường Thượng, huyện Yên Minh vào một ngày nắng đẹp. Trên đường vào thăm bà con thôn Sảng Pả Một, chúng tôi bắt gặp hàng đàn bò Mông đang nhởn nhơ gặm cỏ. Con nào con nấy béo tròn, căng mọng. Gặp chị Sùng Mý Súa đang cắt cỏ voi cho bò ăn bên đường, chị cho biết, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của bà con các dân tộc ở xã Đường Thượng còn nghèo khó bởi vùng đất này vốn được coi là thủ phủ của cây thuốc phiện. Đầu năm 1990, Nhà nước có chủ trương triệt phá cây thuốc phiện. Con bò vàng, cỏ voi, cỏ VA06... được mang về vùng đất này để giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Người dân được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, trao tặng con bò về nuôi, cây ngô, cây cỏ voi dần dần xanh tốt đầy nương...
Đó là tiền đề và nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo bền vững và hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Mất 10 năm ròng rã, đến cuối những năm 1990, cây thuốc phiện mới cơ bản được xóa bỏ. Đến nay, xã Đường Thượng có gần 1.800 con bò, hơn 100ha trồng cỏ voi tại 10 thôn, bản. Đường Thượng cũng là một trong những địa phương nuôi nhiều bò vàng nhất huyện Yên Minh. Chị Sùng Mý Súa còn bộc bạch, nhờ nuôi nhiều bò, mà cái nghèo cũng được đẩy lùi. Bò ở đây bán dễ, thương lái đến tận thôn bản thu mua. Những con mã đẹp hơn được đưa về các tỉnh miền xuôi.
Còn anh Sùng Lỳ Chá, trú cùng thôn với chị Súa và là người nuôi nhiều bò nhất xã Đường Thượng cho biết, con bò được người Mông coi là tài sản lớn nhất, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa đem lại giá trị kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, bò là vật nuôi gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh, văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhất là dân tộc Mông. Chính vì vậy, những năm qua, phần thi “Lực sĩ bò vàng” trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Minh luôn được bà con quan tâm và hưởng ứng tham gia, cổ vũ sôi nổi nhất.
Qua phần thi sẽ giúp bà con chọn ra những chú bò khỏe mạnh, có vóc dáng to lớn, tạo nguồn giống chất lượng để cải tạo đàn bò địa phương. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích bà con quan tâm chăn nuôi bò, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình. Anh Sùng Lỳ Chá còn khoe thành tích về đàn bò của mình, dịp tháng 5 vừa rồi, con bò đực nặng hơn 6 tạ của anh Chá đạt giải cao tại cuộc thi do UBND huyện Yên Minh tổ chức, gồm giải Nhất môn thi “Bò ngoại hình đẹp” và “Lực sĩ bò vàng”. Sau hội thi, con bò của anh vinh dự được chọn để nhân giống với những con bò cái của các bản làng người Mông trong vùng.
Đến “Ngân hàng bò giống”
Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" và thực hiện Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ năm 2014 đến nay, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã trao tặng hàng trăm con bò giống cho các hộ gia đình nghèo khu vực biên giới theo mô hình “Ngân hàng bò giống”.

Bò Mông được mệnh danh là “Lực sĩ bò vàng”. Ảnh: Minh Anh
Để thực hiện mô hình này, các đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp kinh phí để mua bò giống sinh sản trị giá 15 triệu đồng tặng cho bà con nhân dân nghèo ở các xã khu vực biên giới. Khi bàn giao bò cho các hộ gia đình nghèo chăm sóc và nuôi dưỡng, với những con bò đã giao, đến khi sinh bê, đơn vị sẽ giao con bê cho gia đình nghèo khác. Lúc đó, hộ gia đình chăm sóc bò giống ban đầu sẽ được quyền bán hoặc nuôi tiếp, để có một số vốn nhất định tăng gia sản xuất. Để đảm bảo cho “Ngân hàng bò giống” phát triển bình thường, hàng tuần, đơn vị cử cán bộ đến kiểm tra việc chăm sóc, đồng thời hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi, vệ sinh thú y, phòng bệnh cho đàn bò. Cùng với đó, hướng dẫn bà con hoàn thiện về cơ sở vật chất chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống làm mát, khu chế biến thức ăn, khu trồng cây thức ăn thô xanh...
Anh Chứ Mí Dống, trú tại thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc cho biết, gia đình anh là một trong nhiều hộ nghèo của xã Sơn Vĩ được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ tặng bò giống theo mô hình “Ngân hàng bò giống”. Qua bàn tay chăm sóc của vợ chồng anh Dống, con bò mẹ rất khỏe mạnh và sắp sinh bê. Từ 16 con bò giống ban đầu được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ trao tặng cho các hộ dân nghèo, đến nay, xã Sơn Vĩ đã nhân lên thành 76 con. Cùng chung niềm vui như anh Dống, anh Hoàng A Sài, xóm Thuồng Luồng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc được nhận bò giống do BĐBP Hà Giang trao tặng chia sẻ, gia đình có 5 người con, nên kinh tế còn rất khó khăn. Từ khi được tặng bò giống, gia đình anh đã cùng nhau nỗ lực chăm sóc nó thật tốt để dùng làm sức kéo cho công việc đồng áng của gia đình. Sau thời gian chăm sóc, đến nay, bò giống đã sinh sản được 6 con bê. Gia đình đã thoát nghèo, các cháu có điều kiện để đến trường.
Với việc trao tặng cho mỗi hộ dân một con bò giống sinh sản đã giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo không có vốn sản xuất có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc thực hiện hiệu quả mô hình này không những bảo tồn, nâng cao năng suất, chất lượng giống bò vàng của địa phương, mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.