Xóa nhà dột, nhà tạm: Mệnh lệnh từ trái tim
Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái mà còn góp phần thành công vào công cuộc giảm nghèo bền vững, hướng tới mục tiêu 'không ai bị bỏ lại phía sau' trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) là một trong những địa phương tiêu biểu thực hiện Đề án "Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo" của tỉnh. Trong năm 2024, huyện đã nhận quyết định hỗ trợ từ cấp trên là 270 nhà, còn 10 nhà nữa là hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 270 nhà trong năm nay. Những ngôi nhà sau khi hoàn thành đều có diện tích trên 50m2, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng" của Bộ Xây dựng: nền cứng, khung tường cứng, mái cứng.
Bà Đinh Thị Kiều, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đà Bắc cho biết, Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành điểm tựa, giúp hộ nghèo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo.
Bà Kiều chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất trong việc xóa nhà dột, nhà tạm ở huyện vùng cao Đà Bắc đó là có rất nhiều đồi núi, đường sá, giao thông đi lại vất vả, không thuận tiện. Việc vận chuyển nguyên vật liệu đến từng hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở nên giá thành đội lên khá cao. Nhiều hộ gia đình gần khu vực vùng lòng hồ phải vận chuyển vật liệu bằng thuyền rồi lại tiếp tục vận chuyển bằng xe máy về nhà. Với số tiền 50.000.000 đồng hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình rất khó khăn, không có khả năng bù thêm mà chỉ trông chờ vào số tiền hỗ trợ đó.
Theo bà Kiều, trong quá trình thực hiện, điều thuận lợi nhất là có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là bà con nhân dân trong thôn, xóm, tất cả rất đoàn kết, đồng tình, đồng lòng ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ hàng xóm của mình trong điều kiện có thể. Có gia đình hỗ trợ bằng ngày công lao động, có gia đình hỗ trợ nguyên vật liệu cũ mà nhà mình không sử dụng đến. Một vài nơi có cách làm hay, sáng tạo là đi xin lại vật liệu của những khu xây dựng không sử dụng đến; Huy động máy móc của các công trình đang thực hiện trên địa bàn để hỗ trợ bà con nhân dân san gạt mặt bằng, đào móng nhằm giảm bớt chi phí cho bà con.
“Năm 2025, tổng số hộ cần xóa nhà tạm trên địa bàn là hơn 300 hộ. Với con số này chắc chắn phải chia thành 2-3 giai đoạn để thực hiện, vì nếu thực hiện ồ ạt thì sẽ gặp khó khăn trong khâu quản lý, giám sát và bà con trong xóm khó có thể hỗ trợ được nhau. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các hộ gia đình một cách hiệu quả nhất, từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, khởi công đến xây dựng. Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc hay khó khăn gì thì Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể sẽ chung tay vào cuộc giúp đỡ”, bà Kiều cho hay.
Bà Đinh Thị Kiều cho rằng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo là một chủ trương rất ý đối với người dân nghèo. Coi việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là mệnh lệnh từ trái tim là hoàn toàn đúng đắn. Bởi trong thời điểm hiện tại khi đất nước đang ngày một phát triển, xung quanh vẫn còn nhiều hộ gia đình khó khăn, nhiều hộ chưa có nơi để tránh mưa, tránh nắng, nhiều hộ gia đình vẫn sống trong căn nhà tạm bợ, không đảm bảo được đời sống thì không ai không bày tỏ lòng tình thương và lòng trắc ẩn. Còn người lãnh đạo thì phải thấy được trách nhiệm của mình để giúp người dân có một nơi sinh sống ổn định, theo đúng chủ trương là đảm bảo được cuộc sống, có nhà ở ổn định thì chính trị, an ninh mới ổn định được.
Tại buổi trao đổi chuyên đề về “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Tiếp theo thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Chỉ thị 42/CT-TTg về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, đồng chí, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần "tương thân, tương ái", "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít", thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.
TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, chủ chương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc là một chỉ đạo rất là đúng đắn. Bởi một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà hàng trăm triệu dân đoàn kết với Đảng, mọi người đều giàu có, ấm no, hạnh phúc mà vẫn để tồn tại nhà tạm, nhà dột nát là điều khó chấp nhận. Điều kiện an cư lạc nghiệp rất quan trọng với mỗi người nghèo. Chúng ta tạo điều kiện để họ có được một nơi an cư tốt, sức khỏe tốt thì họ sẽ yên tâm làm việc và có động lực để phát triển kinh tế. Điều này góp phần vào sự đồng thuận xã hội, cải thiện, nâng cao các tiêu chí toàn diện đánh giá về kỷ nguyên mới, nhất là kỷ nguyên của một đất nước phát triển có thu nhập cao. Cùng với đó, đảm bảo công ăn việc làm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Phong cho rằng, “xóa nhà tạm nhà dột nát là mệnh lệnh từ trái tim” là cách nói hoàn toàn đúng, xuất phát từ bản chất của chế độ kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải ưu tiên việc đảm bảo chất lượng sống của người dân cũng như lấy con người là động lực, mục tiêu phát triển.
Cùng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, xóa nhà dột, nhà tạm được coi là “mệnh lệnh từ trái tim” bởi vì nó xuất phát từ tình cảm, xuất phát từ tấm lòng toàn dân hướng đến đồng bào còn khó khăn, còn nghèo đói. Điều này thể hiện bản tính dân tộc Việt Nam “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Tới đây, nhà nước phải thể hiện vai trò chủ đạo phát động phong trào toàn dân chăm lo nhà ở cho người dân và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và mọi người đồng lòng chung sức cùng nhau để giải quyết vấn đề xóa nhà dột nát, nhà khó khăn cho đồng bào, cùng nhau vươn lên để xây dựng một xã hội văn minh, một xã hội tiến bộ hiện đại. Cùng xây dựng một đất nước đi lên, thịnh vượng và phát triển. Làm được việc này là chúng ta đang xây dựng một nhà nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mà người dân có cuộc sống ấm no thịnh vượng và đời sống được hạnh phúc.
Giảm nghèo bền vững là tiêu chí theo tiêu chuẩn liên hợp quốc với 8 chiều giảm nghèo, trong đó có chiều giảm nghèo về nhà ở, điều kiện về nhà ở phải đạt quy chuẩn thì việc xóa nhà tạm, nhà dột nát mới hiệu quả và ý nghĩa. Về mặt thực tiễn, việc này giúp những người trong diện được xóa, được cải thiện căn bản về điều kiện nhà ở không lo mưa, nắng, lạnh và các yếu tố khác để từ đó giúp bảo vệ sức khỏe, tăng chất lượng sống. Đây là giá trị nhân văn rất quan trọng và cũng là tiêu chí đo lường sự giảm nghèo tất yếu của một quốc gia.
Động thái này còn giúp tạo sự công bằng xã hội, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có rất nhiều nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm này là một trong những yếu tố giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân cư, nhất là nhóm dân cư dễ bị tổn thương và đây cũng là yêu cầu của phát triển bền vững theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc. Những yếu tố đó có thể khẳng định rằng, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội cũng như là tiêu chí đánh giá giảm nghèo bền vững của quốc gia. Chưa kể việc xóa nhà tạm, nhà dột nát còn giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo động lực phát triển cũng như cân bằng thị trường bất động sản trong nước trong bối cảnh có sự chênh lệch rõ nét trong thời gian qua.
Những người có nhà tạm, nhà dột nát thường ở những vùng nghèo, trước đây là những vùng chiến khu, căn cứ địa cách mạng, những nơi mà người dân bất khuất và có đóng góp nhiều vào cách mạng, thế nhưng suốt cả lịch sử đổi mới phát triển mà họ chưa nhận được thành quả, sự tri ân thì điều đó là không công bằng. Từ mệnh lệnh đến trái tim bao gồm cả trí óc, trí tuệ, cũng như sự tự giác của cả hệ thống lãnh đạo, hệ thống chính trị, các doanh nghiệp hay những người có điều kiện để giúp đỡ và cải thiện đời sống cho những người thuộc nhóm đối tượng có nhà tạm, nhà dột nát. Mệnh lệnh từ trái tim là tiếng kêu gọi chung dành cho cả hệ thống chính trị, dành cho các doanh nghiệp cũng như những người có điều kiện và có trái tim yêu thương “chia ngọt, sẻ bùi”.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là một trong những phát ngôn ấn tượng mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm và được toàn dân đồng thuận rất cao, đã tạo ra một làn sóng phấn khởi mới khởi động và thúc đẩy rất nhiều động lực phát triển. Tới đây chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Việc đầu tiên là đang bắt tay vào công cuộc cách mạng của hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy để làm nhẹ mình cũng như nâng cao năng lực phát triển cho bộ máy lãnh đạo quản lý đất nước trong tương lai.
Cùng với đó, tiếp tục định hướng phát triển kinh tế bằng kế hoạch 5 năm, 10 năm hay 1 năm thật có chất lượng gắn với định hướng chung và đường lối phát triển chung, đạt mục tiêu là nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045; Nâng cao, tiếp tục củng cố vị thế quốc tế của Việt Nam để nhận được sự đồng thuận cũng như môi trường hòa bình để Việt Nam tập trung phát triển kinh tế. Đây là điều rất quan trọng, nếu không nói là quyết định cho sự thành công của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
“Một điều quan trọng là cần tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hứng khởi, có niềm tin và khai thác tốt các cơ hội phát triển cũng như tiếp tục chống tham nhũng, làm lành mạnh xã hội, xây dựng hệ giá trị quốc gia và đổi mới công tác cán bộ. Trong những biện pháp để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới phải tập trung vào nâng cao trách nhiệm năng lực của mỗi cá nhân, thu hút người tài và một chính phủ thực tài. Đặc biệt là phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo của tất cả các cấp từ lãnh đạo cho tới doanh nghiệp, người dân, từ cấp trên cho đến cấp dưới, từ địa phương đến Trung ương, đổi mới sáng tạo cũng như khai thác các cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng 4.0, từ chuỗi cung ứng quốc tế mới là điều cực kỳ quan trọng cho sự phát triển”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào cả nước là chủ trương có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Việc chung tay xóa nhà tạm nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là chủ trương lớn và có ý nghĩa quan trọng nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Đây là một quyết sách của Đảng và Nhà nước ta và là một trong những điều kiện để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không để ai bị bỏ lại phía sau, một kỷ nguyên đất nước phát triển bao trùm toàn diện và đặc biệt phải làm sao để cho mọi người dân đều có nhà ở.
“Việc làm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung để giải quyết rất căn cơ trong năm 2025. Nếu làm được điều này thì rõ ràng đất nước đang phát triển mạnh và mọi người dân đều có cuộc sống ổn định, đây là động lực để chúng ta vươn lên xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và đời sống ấm no, hạnh phúc”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Để chủ trương này đạt hiệu quả cao và góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, chúng ta cần tạo ra sự đồng thuận thống nhất trong cả hệ thống chính trị; phải kêu gọi được tinh thần nhân ái, tinh thần chia sẻ, tinh thần đồng lòng chung sức. Nếu như toàn dân đồng thuận, toàn dân đồng lòng chung sức thì chủ trương này của Đảng, Nhà nước sẽ đạt được những thành tựu rất tốt đẹp. Để đạt được chủ trương rất nhân văn này thì ngoài việc thấm nhuần tư tưởng đồng lòng hiệp sức của cả xã hội thì cần kêu gọi sức mạnh của toàn dân sức mạnh của xã hội, sức mạnh của gia đình, dòng tộc để việc hỗ trợ làm nhà mới cho hộ đồng bào khó khăn đạt được hiệu quả như mong đợi.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/xoa-nha-dot-nha-tam-menh-lenh-tu-trai-tim-post1145274.vov