Xóa nhà tạm, lan tỏa yêu thương
MỘT căn nhà đã hư hỏng nặng, gọi là nhà vì đây là nơi sinh hoạt mỗi ngày của gia đình ông Vương Văn Vó, thôn Lãng Cư, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) nhưng căn nhà ấy rình dập hiểm nguy đổ sập vì đã xuống cấp. Nhưng đó là câu chuyện cách đây hơn 2 tháng. Gia đình ông Vó có 7 nhân khẩu, 2 lao động chính thường xuyên ốm đau. “Lúc đó, mưa gió lùa hắt vào chỗ nào thì mình che chỗ đó thôi”, ông Vó nhớ lại. Căn nhà đan bằng tre luồng rồi đắp đất siêu vẹo giờ đây đã được thay thế bằng một ngôi nhà xây kiên cố từ nguồn hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” huyện Sơn Dương, cùng sự kêu gọi ủng hộ tiền, ngày công của Hội thiện nguyện vòng tay nhân ái.
“Chẳng cần gì bởi quá khó khăn” đó cũng từng là suy nghĩ của bà Trần Thị Tâm, thôn 17, xã Lang Quán (Yên Sơn). Trước đây hai bà cháu nương tựa nhau trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng. Niềm vui đến với bà khi thông qua Quỹ “Vì người nghèo” huyện Yên Sơn, bà nhận được sự hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở. Cùng với đó là sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con làng xóm ngôi nhà mới khang trang đã được hoàn thiện. Bà Tâm chia sẻ, mùa đông năm nay trở nên ấm áp hơn rất nhiều. Sự sẻ chia của mọi người đã tiếp thêm động lực để bà sống vui sống khỏe, để cháu của bà dám mơ ước về một công việc ổn định trong tương lai.
Ngôi nhà xây cấp 4 khang trang, sạch đẹp mới được hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng của gia đình ông Hoàng Văn Oanh ở thôn Hợp Thành, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) có tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng. Để làm được ngôi nhà này, cùng với số tiền tiết kiệm và vay mượn anh em dòng họ, gia đình ông còn được Ban Chỉ huy quân sự huyện hỗ trợ 80 triệu đồng nhờ xã hội hóa từ các nguồn lực. Đến nay, gia đình ông Oanh đã nhận đủ số tiền được hỗ trợ. Có nhà mới để ở, gia đình ông vui mừng, phấn khởi, yên tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những căn nhà từng là nỗi lo trước mỗi mùa mưa bão. Giấc mơ về một căn nhà đã từng trở nên xa vời với những hộ nghèo thì nay đã trở thành sự thật.
ĐỀ án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án 308) như một chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc cho nhiều hộ nghèo.
Trong căn nhà rộng 80m2 mới được đưa vào sử dụng từ tháng 7 – 2024, gia đình ông Nguyễn Văn Tá, thôn Thượng Bản, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) vẫn còn vẹn nguyên không khí phấn khởi. Ông Tá chia sẻ: “Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, lại có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, chẳng bao giờ dám mơ ước một ngôi nhà mới. Được cán bộ MTTQ tỉnh và mọi người giúp đỡ, gia đình tôi vô cùng biết ơn”. Đặc biệt, ngôi nhà của gia đình ông Tá là ngôi nhà “Đại đoàn kết” thứ 6.000 được triển khai hỗ trợ theo Đề án. Ngôi nhà có tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.
Theo Đề án 308, các hộ nghèo làm nhà ở mới được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; hộ sửa chữa nhà ở được hỗ trợ không quá 25 triệu đồng/nhà. Riêng hộ nghèo thuộc diện chính sách được hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà mới và 40 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.
Các con số trên cho thấy tất cả các địa phương đều xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có sự chung tay đóng góp và vào cuộc của tất cả các ban, ngành từ trung ương tới địa phương, nguồn lực từ nhân dân, nguồn lực từ xã hội hóa kết hợp nguồn lực Nhà nước.
Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực lớn của nhà nước và nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Là địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Sơn Dương đã có những cách làm sáng tạo. Để xây dựng những căn nhà với chi phí cao hơn, huyện có chủ trương vận động xã hội hóa để các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là anh em họ hàng, hàng xóm đóng góp. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ xây nhà, huyện Sơn Dương còn triển khai nhiều biện pháp giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi được khuyến khích, kết hợp với các chính sách vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện để người dân vươn lên.
Sau 3 năm thực hiện Đề án 308, huyện Yên Sơn đã thực hiện hỗ trợ 896 căn nhà, trong đó, làm mới 785 nhà, sửa chữa 111 nhà. Tuy là địa phương có số nhà được hỗ trợ đứng thứ 4 trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng Yên Sơn đã huy động được sự hỗ trợ của cộng đồng rất lớn với trên 15 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn tỉnh.
Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh đã tập trung vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia ủng hộ kinh phí, hỗ trợ nguyên vật liệu ngày công lao động để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở. Điển hình như, Công an Tuyên Quang vận động, triển khai hỗ trợ 1.850 nhà, huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ đóng góp trên 3.000 ngày công; hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham gia trên 6.770 ngày công san nền, đào móng, vận chuyển và ủng hộ nguyên vật liệu; Tỉnh đoàn thanh niên đã vận động, xây dựng 150 “Ngôi nhà 26/3”, huy động trên 5.000 ngày công lao động hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở…
Tại lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm và đạo lý đền ơn đáp nghĩa và “thương người như thể thương thân”, để không ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng đã nhấn mạnh một mục tiêu, hai phát huy, ba bảo đảm trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Kể từ tháng 11 – 2024, mức hỗ trợ cho hộ nghèo đã được nâng lên là 60 triệu đồng đối với làm mới nhà ở và 30 triệu đồng đối với sửa chữa nhà ở. Điều kiện hỗ trợ là những hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Hộ gia đình được hỗ trợ phải được xây dựng hoặc sửa chữa trên đất ở hợp pháp, không có tranh chấp, không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở...
Tại Tuyên Quang, hiện nay, qua rà soát, tổng số hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh còn 6.928 hộ (làm mới 4.525 hộ, sửa chữa 2.403 hộ); dự kiến kinh phí cần hỗ trợ trên 343 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, dột này tỉnh đã thống nhất đến quý I-2025, hoàn thành việc giải ngân trên 197 tỷ đồng hỗ trợ cho 3.709 hộ. Phấn đấu đến hết quý II-2025, cơ bản khởi công toàn bộ 3.219 nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, xây mới còn lại được hỗ trợ. Đến ngày 30-8-2025, hoàn thành nghiệm thu, đưa 100% công trình vào sử dụng.
Với tinh thần “Ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công, góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phối hợp với chính quyền, các sở, ngành, tổ chức thành viên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả Đề án, tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát để xác định nhu cầu làm mới và sửa chữa nhà ở theo lộ trình. Nắm chắc hoàn cảnh hộ nghèo, lập danh sách hộ nghèo không có khả năng đối ứng hoặc kinh phí đối ứng ít, từ đó có phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Đặc biệt, tỉnh sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 10%, hoàn thành xóa nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo giai đoạn 2021 -2025 và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị tới các huyện vùng cao, địa phương nào cũng tích cực triển khai, với cách làm hay, sáng tạo, tất cả với mục tiêu chung là đem đến những mái ấm khang trang và bình yên cho những hộ nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xoa-nha-tam-lan-toa-yeu-thuong-204678.html