Xóa nhà tạm, nhà dột: Không hình thức, không màu mè

Những ngày gần Tết Nguyên đán, nhiều địa phương đang gấp rút thực hiện giấc mơ an cư cho người nghèo thông qua phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Quyết tâm cán đích trong năm 2025

Kết luận số 97-KL/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua đã nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" trong năm 2025. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, các địa phương trong cả nước đã nhanh chóng triển khai phong trào. Điển hình tại Bắc Ninh, địa phương quyết tâm cán đích mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát ngay trong kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025).

Các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" trong năm 2025. Ảnh: Minh Thu

Các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" trong năm 2025. Ảnh: Minh Thu

Để hoàn thành mục tiêu, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng bắt tay vào cuộc, huy động toàn bộ hệ thống chính trị triển khai thực hiện, trước mắt rà soát, bình xét, công khai danh sách đối tượng, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, không bỏ sót, “không làm qua loa, bệnh thành tích”… Địa phương cũng thống nhất mức hỗ trợ 100 triệu đồng/1 hộ xây mới và 50 triệu đồng/1 hộ sửa chữa.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải: Trước đó, mặc dù chưa có chính sách chung về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, nhưng tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người yếu thế và đối tượng khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở.

Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và hộ nghèo theo Nghị quyết số 154/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh Bắc Ninh đã triển khai hỗ trợ 2.560 hộ, với tổng kinh phí 161,128 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực và hoàn thành hỗ trợ về nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia cho 7.926 gia đình, với tổng kinh phí 399,94 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh miền núi Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu phấn đấu hết quý I/2025 hoàn thành giải ngân trên 197,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 3.700 hộ. Dự kiến tháng 8/2025 sẽ hoàn thành nghiệm thu và đưa 100% công trình vào sử dụng; đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn theo kế hoạch đã đề ra.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, từ ngày 12/11/2024, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố đã phát động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến thời điểm ngày 2/1/2025, lũy kế toàn tỉnh đã khởi công xây dựng được 2.098 ngôi nhà; có 504 nhà hoàn thành đưa vào sử dụng; huy động các lực lượng, nhân dân tham gia hỗ trợ được 46.029 ngày công.

Riêng tại huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), qua rà soát, toàn huyện có 721 hộ đăng ký xóa nhà tạm. Tổng số hộ đã khởi công 466 hộ/721 hộ, đạt 65 %. Dự kiến đến Tết Nguyên đán 2025 hoàn thành 120 hộ. Toàn huyện cũng đã vận động hỗ trợ được 9.320 ngày công. Nguồn kinh phí Ban Chỉ đạo tỉnh cấp 13,74 tỷ đồng và đã giải ngân tới UBND các xã, thị trấn.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ quan trọng. Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để chung tay giúp hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận chính sách ưu đãi, quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình, điển hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương… Qua đó tạo sinh kế, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ghi nhận cách làm của tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay và huy động từ nhà tài trợ và cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong muốn Tỉnh Hà Giang tiếp tục làm tốt và quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm cho hộ nghèo kịp thời đón Tết cổ truyền dân tộc cũng như lộ trình đề ra…

Xây dựng bằng tinh thần đoàn kết

Bên cạnh những địa phương đang có điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình thì còn không ít địa phương vẫn gặp khó khăn. Song qua chia sẻ đều có chung quyết tâm thực hiện hoàn thành chương trình trong năm 2025.

Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, địa phương hiện còn hàng trăm hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng trong những năm tới cần được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở. Đây là các hộ không thể đưa vào danh sách hỗ trợ trong năm 2024 do chưa đủ điều kiện về đất ở (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); nhiều hộ đang sinh sống trên đất rừng, đất nông nghiệp cho nên việc cấp giấy chứng nhận gặp vướng mắc theo quy định của pháp luật...

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang cho biết: Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất ở, UBND cấp huyện, xã chủ trì cùng ngành tài nguyên và môi trường khẩn trương rà soát thống kê đầy đủ trường hợp có nhu cầu nhưng vướng mắc về đất đai hoặc thiếu đất ở; xem xét cụ thể từng trường hợp để có phương hướng, chủ trương biện pháp tháo gỡ với lộ trình sớm nhất; đồng thời nghiên cứu, đề xuất biện pháp tạo quỹ đất ở cho hộ gia đình đang ở trên đất rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, nằm trong hành lang an toàn giao thông.

Với mục tiêu không còn gia đình phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, năm 2025, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình. Đối tượng được ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát theo thứ tự là: Hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật); các hộ gia đình thuộc đối tượng yếu thế còn lại.

UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, các ngôi nhà được xây mới hoặc sửa chữa phải bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ đạt từ 20 năm trở lên.

Xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang tính toàn dân, toàn diện, vì vậy các địa phương đều trên tinh thần tiếp tục phát động phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng hành các đơn vị kinh tế, nhân dân trên địa bàn cũng như con em trên mọi miền Tổ quốc; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Trước đó, tại Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Đáng chú ý, chương trình phải bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; sử dụng hiệu quả nguồn lực, công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-khong-hinh-thuc-khong-mau-me-368413.html