Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Dồn sức để kịp giao nhà mới trước Tết
Tính đến trung tuần tháng 12, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 29,7 tỷ đồng, phân khai gần 27,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, đến cuối năm 2024 phấn đấu hoàn thành 400 căn (xây mới 200 căn và sửa chữa 200 căn), với kinh phí thực hiện 18 tỷ đồng. Giai đoạn 2, đến tháng 8/2025 xây mới, sửa chữa số còn lại là 4 ngàn căn, với kinh phí thực hiện gần 218 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí để tỉnh Cà Mau thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, xã hội hóa, nguồn vận động hợp pháp khác.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa phối hợp với Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Ngọc Hiển tổ chức lễ khởi công xây dựng, sửa chữa 240 căn cho hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. 240 căn nhà này nằm trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Trong đó, 202 căn nhà xây mới, mỗi căn được hỗ trợ 60 triệu đồng, với kinh phí 12.120 triệu đồng; 38 căn nhà sửa chữa, mỗi căn được hỗ trợ 30 triệu đồng, với kinh phí 1.140 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ đợt này là 13.260 triệu đồng.
Có được nguồn tài trợ trên là nhờ trước đó, nhân chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau tháng 11 vừa qua, tham dự Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm đề nghị tỉnh Cà Mau chỉ đạo, tạo điều kiện để huyện Ngọc Hiển, nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc, sớm hoàn thành các chỉ tiêu để về đích nông thôn mới. Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Ban Vận động quỹ Vì người nghèo Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh Cà Mau kinh phí thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện Ngọc Hiển.
Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh: “Với ý nghĩa nhân văn của chương trình này, chính quyền địa phương cần tăng cường vận động xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân. Song song đó, phải kêu gọi hội, đoàn thể cùng chung sức góp ngày công. Từ đó, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của công trình, sớm hoàn thành trong giai đoạn 1 để người dân kịp vui xuân, đón Tết trong căn nhà mới”.
Ðối với huyện Trần Văn Thời, ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, qua rà soát, huyện có 561 hộ cần được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở, trong đó xây mới nhà là 389 hộ, sửa chữa là 172 hộ. Giai đoạn 1 triển khai thực hiện cho 56 hộ (xây mới 22 hộ, sửa chữa 34 hộ), hoàn thành trong tháng 12/2024; rà soát các hộ đủ điều kiện thực hiện hoàn thành trước tết Nguyên đán năm 2025 thêm 188 hộ (xây mới 110 hộ, sửa chữa 78 hộ), với nhu cầu vốn cần hỗ trợ thực hiện là 8.940 triệu đồng. Giai đoạn 2, huyện tiếp tục triển khai 317 căn còn lại, phấn đấu hoàn thành trong tháng 8/2025. Ðến nay đã tổ chức khởi công 60 căn, trong đó xây dựng mới 23 căn và sửa chữa 37 căn”.
“Huyện đang gặp khó khăn, bởi qua rà soát, có 47 hộ không có đất để làm nhà, đến nay đã vận động người thân cho 2 hộ mượn, còn lại 45 hộ đang tiếp tục vận động người thân cho mượn đất", ông Nguyễn Thế Châu chia sẻ. Ông cho biết địa phương tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với khu vực có điều kiện khó khăn.
Trong năm 2024, huyện Trần Văn Thời giảm 281 hộ nghèo (tỷ lệ 0,6%) và giảm 122 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,26%). Hiện nay, toàn huyện còn 342 hộ nghèo, chiếm 0,72% và có 451 hộ cận nghèo, chiếm 0,95%. Không có hộ nghèo, hộ cận nghèo là gia đình chính sách, người có công. Tiếp tục duy trì kết quả xã Khánh Lộc là xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024 và đạt thêm 1 xã xóa trắng hộ nghèo, là xã Khánh Bình.
Ở các địa phương trong tỉnh, công tác thi đua thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày càng sôi nổi. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán, các địa phương đang khẩn trương để 400 căn nhà “4 cứng” kịp bàn giao cho bà con./.