Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Hành trình hiện thực hóa giấc mơ an cư của người nghèo

Từ những căn nhà xiêu vẹo giữa sườn núi Hà Giang đến mái lá rách nát vùng biên giới Tây Nam Bộ, giấc mơ về một nơi 'che nắng, trú mưa' bao năm ám ảnh những phận đời nghèo khó. Nhưng giờ hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không còn là giấc mơ xa vời.

Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không còn là giấc mơ xa vời khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng hành động bằng quyết tâm và trách nhiệm. Hơn cả một chính sách an sinh, đây là biểu hiện sinh động của tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau".

Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo không còn là giấc mơ xa vời, khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng hành động bằng quyết tâm và trách nhiệm. Ảnh: Baochinhphu

Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo không còn là giấc mơ xa vời, khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng hành động bằng quyết tâm và trách nhiệm. Ảnh: Baochinhphu

Chính sách lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nội dung cốt lõi thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ năm 2021 đến nay, nhiều quyết sách chiến lược đã được ban hành. Đáng chú ý là quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là chương trình 1719).

Đặc biệt, chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 đã khẳng định rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành và vai trò vận động nguồn lực xã hội hóa.

Tinh thần ấy lan tỏa thành các phong trào thi đua, từ chính quyền cấp cơ sở đến các đoàn thể, tôn giáo và người dân.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động được hàng nghìn tỷ đồng qua Quỹ "Vì người nghèo" để xây mới và sửa chữa hàng vạn căn nhà.

Hàng nghìn tỷ đồng cũng được vận động từ các nguồn lực xã hội hóa, từ các doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, cộng đồng người Việt ở nước ngoài để thực hiện chương trình đầy ý nghĩa này.

Những con số biết nói

Tính đến đầu tháng 5/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 208.357 căn, khánh thành 108.956 căn và khởi công xây dựng mới 99.401 căn; riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 106.000 căn.

Trong đó, tính riêng hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 25.356 căn (khánh thành 10.921 căn, đã khởi công xây dựng 14.435 căn); Hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 1719 là 59.054 căn (khánh thành 39.224 căn, khởi công 19.810 căn); Hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 123.947 căn (khánh thành 59.291 căn, khởi công 64.656 căn).

Những địa phương tiêu biểu trong triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát có thể kể tới: Hà Giang, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau...

Tại Hà Giang, lũy kế đến cuối tháng 2/2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 2.858 ngôi nhà, trong đó xây mới 2.629 nhà, sửa chữa 229 nhà; hoàn thành đưa vào sử dụng 1.914 căn, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Tại Thanh Hóa, theo số liệu của UBND tỉnh tính đến ngày 20/4/2025, toàn tỉnh đã khởi công 7.686 căn nhà (xây mới 6.280 căn, sửa chữa 1.398 căn), trong đó, đã hoàn thành 5.876 căn (xây mới 5.482 căn, sửa chữa 394 căn).

Hàng ngàn căn nhà khang trang đã mọc lên giữa những phum sóc, bản làng heo hút. Nhiều hộ gia đình bao lâu nay sống trong căn lều tranh dột nát, chưa từng mơ tới ngày được sống trong nhà gạch kiên cố, nay đã có mái ấm gia đình thực sự.

Gia đình ông Rah Lan Loan ở buôn Chư Tê, xã Ia Rsai (Gia Lai) là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông cho hay, nhà không có ruộng rẫy, trong khi ông lại bị bệnh, phải chạy thận hàng tuần. Mặc dù ông đã chuẩn bị gỗ từ hơn chục năm nay rồi nhưng vẫn không đủ tiền để thuê người làm lại ngôi nhà. Nay được hỗ trợ làm nhà, cả gia đình đã có nhà ở. "Mưa không ướt, nắng không rát, cái bụng vui lắm” - ông nói.

Cũng giống ông Loan, nhiều gia đình Khmer tại xã Vĩnh Hải (tỉnh Sóc Trăng) từng sống trong những căn nhà lụp xụp giờ đã có nhà mái tôn, tường xây chắc chắn. Trẻ em đi học đều đặn, người lớn yên tâm sản xuất.

Giấc mơ không còn xa

Hành trình xóa nhà tạm không dễ. Khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực, nhất là tại những địa phương vùng sâu, vùng xa, thiên tai dồn dập, kinh tế khó khăn. Có nơi xây một căn nhà phải chở vật liệu bằng thuyền, gùi từng bao xi măng qua rừng qua núi.

Nhưng vượt lên tất cả là tinh thần "lá lành đùm lá rách". Bộ đội biên phòng giúp dựng nhà. Thanh niên tình nguyện đi làm mái tôn. Các doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu. Các tổ chức tôn giáo kêu gọi đóng góp. Mỗi căn nhà là kết tinh của lòng dân, ý Đảng, sự đồng lòng vượt qua gian khó.

Mỗi mái nhà được xây lên là một cuộc đời đổi thay. Nhà kiên cố giúp người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. “An cư lập nghiệp” không còn là khẩu hiệu mà trở thành hiện thực sống động.

Đảng, Nhà nước đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn nhà tạm trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đích đến này không chỉ thể hiện trách nhiệm chính trị mà còn là đạo lý nhân văn của dân tộc.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là xóa đi những mái tranh nghèo khó, mà là dựng xây tương lai, tạo nền tảng cho một xã hội công bằng, văn minh. Hành trình này dù gian nan nhưng đầy tình nhân ái, đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khi mỗi người nghèo có mái ấm đồng nghĩa giấc mơ an cư thành hiện thực.

Minh Dực

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-hanh-trinh-hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-cua-nguoi-ngheo-2398410.html