Xóa nhà tạm, nhà dột nát - khởi đầu cho hành trình vươn lên

Chỉ trong hơn 10 ngày kể từ Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đã có thêm khoảng 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát được xóa bỏ.

Số liệu thống kê của Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho thấy, tính đến hết ngày 19/7, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 266.511 căn, trong đó, khánh thành 231.513 căn và đang khởi công, xây dựng 34.998 căn. Đặc biệt, cả nước đã có 19/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả ba nhóm đối tượng (người có công, hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Chương trình phát động). Các địa phương này đã “về đích” sớm từ 5 đến 8 tháng so với mốc thời gian ban đầu là 31/12/2025.

Những con số ấn tượng đó cho thấy, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một phong trào có quy mô và sức lan tỏa rộng khắp. Với quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ, ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình của Quốc hội, sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, cam kết đi đôi với hành động của các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, người dân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã thực sự chuyển hóa thành một chính sách quốc gia mang đậm tính nhân đạo, nghĩa đồng bào, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển của đất nước.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, quyết tâm hoàn thành mục tiêu trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025; trong đó hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 24/7 nhằm thiết thực kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Một căn nhà vững chãi không chỉ là nơi che mưa nắng - mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, sự cưu mang, của "nghĩa đồng bào". Ở góc độ chính trị - xã hội, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, tạo nền tảng để người dân an cư, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, đóng góp cho đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển bao trùm, việc đảm bảo mọi người dân - đặc biệt là người có công, thân nhân liệt sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế - có nơi ở ổn định, chính là thước đo của sự tiến bộ xã hội.

Nhân văn trong mục tiêu, quyết liệt trong hành động, sâu rộng trong triển khai thực hiện, đặc biệt là với tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, mỗi căn nhà là một món quà, một mái ấm, một tình thương, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào" như vừa qua, có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ "về đích" mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, thậm chí có thể sớm hơn cả thời hạn 31/8 mà Thủ tướng yêu cầu. Đây chắc chắn sẽ là một thành tựu có ý nghĩa lịch sử đối với nước ta. Tuy nhiên, “về đích” không phải là điểm kết thúc, mà chính là khởi đầu cho một giai đoạn mới của chính sách nhà ở, hướng đến phát triển bền vững và bao trùm.

Để bảo đảm kết quả bền vững, cần xây dựng hệ thống hậu kiểm chặt chẽ sau khi hoàn thành chương trình. Đặc biệt là rà soát, cập nhật số liệu thường xuyên ở các địa bàn dễ xảy ra thiên tai - bão lũ, sạt lở, lũ quét - nơi người dân có thể mất nhà chỉ sau một đêm. Đồng thời, cần nghiên cứu việc thể chế hóa Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thành một chính sách an sinh lâu dài, bền vững cho người nghèo, người yếu thế, gắn với quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đô thị, gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Một điều quan trọng nữa là, từ "an cư", cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập, nâng cao năng lực của người dân, để mỗi căn nhà tạm, nhà dột nát được xóa không chỉ là nơi an cư, là mái ấm mà còn là nơi bắt đầu của hành trình vươn lên của mỗi gia đình, mỗi người dân.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-khoi-dau-cho-hanh-trinh-vuon-len-10380610.html