Xóa nhà tạm, nhà dột nát là mục tiêu cấp bách của Điện Biên

Vừa qua, Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị nhằm bàn thảo, thúc đẩy các giải pháp hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Ảnh: TS

Tỉnh Điện Biên phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Ảnh: TS

Hoàn thành mục tiêu trong năm 2025

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, cần triển khai nhanh chóng, hiệu quả các giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong năm 2025.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thời gian qua, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt là đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng như hộ nghèo, hộ người có công.

Năm 2024, tỉnh Điện Biên đã thực hiện hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa 143 nhà ở cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở cho 1.647 hộ nghèo.

Theo ông Lê Thành Đô, trong năm qua, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đến các đối tượng là người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo; cán bộ công chức, viên chức, giáo viên và cán bộ ngành y tế; các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở và hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Công tác phát triển nhà ở xã hội cũng được triển khai cho các học sinh, sinh viên; đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, công nhân...

Cần tập trung xây dựng quỹ đất, có danh sách địa điểm và diện tích đất cụ thể để mời các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội tại Điện Biên. Ảnh: TS

Cần tập trung xây dựng quỹ đất, có danh sách địa điểm và diện tích đất cụ thể để mời các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội tại Điện Biên. Ảnh: TS

Chú trọng đến các nguồn lực phát triển

Báo cáo về tình hình tài chính, đại diện của UBND tỉnh Điện Biên nêu, năm 2024, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” có tổng dư nợ đến 31/12/2024 là 178 tỷ đồng với 520 khách hàng dư nợ. Kết quả rà soát cho thấy, tổng số hộ ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh gần 5.500 hộ.

Về nguồn vốn ủng hộ, tính đến ngày 04/02/2025, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận kinh phí ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên với số tiền 50.150 triệu đồng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, tỉnh cần quan tâm đến các vấn đề quỹ đất, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, đối tượng sử dụng nhà ở xã hội để triển khai hệ thống nhà ở xã hội cho hợp lý, cũng như xây dựng được cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả.

Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng nhà ở dột nát, Sở Nội vụ cần phối hợp với Sở Tài chính và Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ký ban hành.

Liên quan đến các vấn đề cần tháo gỡ, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường chỉ đạo, cần tập trung xây dựng quỹ đất, có danh sách địa điểm và diện tích đất cụ thể để mời các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội. Để tăng tính hiệu quả, khả thi, sau khi có quỹ đất, nên tổ chức hội nghị mời các nhà đầu tư họp bàn, trao đổi, nghiên cứu triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, cần xây dựng nguyên tắc ưu tiên, có giai đoạn, lộ trình thực hiện cụ thể, giao nhiệm vụ trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng Đề án về nhu cầu nhà ở xã hội của mình.

Kiểm toán nhà nước phát huy vai trò trong công tác phát triển nhà ở xã hội

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/BCSĐ thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Để góp phần vào công tác này, Ban cán sự đảng KTNN đề nghị các đơn vị thông qua hoạt động kiểm toán, thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong công tác phát triển nhà ở xã hội; gia tăng lợi ích xã hội và niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo KTNN yêu cầu các đơn vị nghiên cứu để kiểm toán khi đảm bảo các điều kiện theo quy định đối với Chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố; đánh giá chương trình nhà ở xã hội của địa phương có đảm bảo giải quyết nhu cầu chỗ ở ưu tiên cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật và các chính sách, chế độ có liên quan của nhà nước và địa phương về nhà ở xã hội.

Qua kiểm toán, nắm bắt, thu thập thông tin về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triến nhà ở xã hội. Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nâng cao công tác phát triển nhà ở xã hội./.

ĐỨC HUY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-la-muc-tieu-cap-bach-cua-dien-bien-38327.html