Xóa nợ bảo hiểm xã hội bằng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm xã hội

Hơn 200.000 người lao động bị 'treo' quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) do doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, giải thể - vấn đề gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nhiều năm nay được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ liên quan đề xuất giải pháp tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội xin ý kiến cho xóa nợ BHXH trong trường hợp này bằng nguồn kết dư Quỹ BHXH và các nguồn dự trữ, nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Để công tác phối hợp giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng thực chất, chủ động, hiệu quả, phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp chậm hoặc không trả lương, trốn đóng BHXH, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động. Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương. Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Đối với nội dung này, trao đổi làm rõ tại hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam cho biết: Trong năm 2023, BHXH đã thanh tra 22.600 đơn vị, vượt kế hoạch đề ra, đã yêu cầu các doanh nghiệp nợ đóng BHXH thực hiện truy thu BHXH. Nếu có đơn vị không chấp hành quyết định thanh tra hoặc có những vi phạm đủ để yêu cầu xử lý hình sự, BHXH Việt Nam đã chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, xử lý hình sự với các đơn vị trốn, chậm đóng BHXH chưa được nhiều, bởi việc phân định hành vi trốn đóng, chậm đóng trong luật chưa rõ ràng.

Tránh gây bức xúc

Cũng trao đổi về nội dung người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu… Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Vấn đề quyền lợi của người lao động bị "treo" đã tồn tại nhiều năm liền, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam đã giải quyết cơ bản. Cụ thể, đã xử lý hơn 4.000 chủ sản xuất kinh doanh cá thể đóng BHXH bắt buộc; hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động bỏ trốn, phá sản, giải thể… trước đây đang tạm dừng chính sách đang được giải quyết các chế độ theo quy định. Đối với những trường hợp mới phát sinh, hiện tạm thời đóng đến đâu người lao động hưởng tới đó. Về phần doanh nghiệp nợ BHXH khiến người lao động bị ngắt quãng thời gian đóng BHXH, phần nợ này quyền lợi của người lao động chưa được ghi nhận.

Để giải quyết tình trạng nợ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội xin ý kiến cho xóa nợ BHXH trong trường hợp này bằng nguồn kết dư của Quỹ BHXH và các nguồn dự trữ. Hướng giải quyết này nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động bởi hơn 200.000 người lao động bị "treo" quyền lợi BHXH, gây bức xúc. Trong khi đó, bảo hiểm chính là tiền của người lao động đóng góp.

Bên cạnh đề xuất giải pháp giải quyết triệt để vấn đề nợ BHXH, Bộ trưởng cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các luật liên quan trực tiếp đến người lao động. Đó là việc kết nối, liên thông Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và tới đây là Luật Việc làm, bởi những đạo luật này liên quan sát sườn với nhau, liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động như: tiền lương, giờ làm thêm, phương hướng thương lượng tập thể, đối thoại nơi làm việc...

Cùng với đó, về nội dung tạo việc làm bền vững, có chính sách an sinh xã hội tốt, Bộ trưởng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện các đề án liên quan đến Nghị quyết 42-NQ/TW của Trung ương. Trọng tâm là Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, trong đó, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ để thực hiện. Đồng thời, nêu thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt liên quan đến an toàn vệ sinh lao động.

TRẦN THU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/xoa-no-bao-hiem-xa-hoi-bang-nguon-ket-du-quy-bao-hiem-xa-hoi-i373698/