Xóa trạm thu phí BOT T2 Cần Thơ: Nhà nước phải chi trả 880 tỷ đồng
Chủ đầu tư trạm thu phí BOT T2 Cần Thờ vừa đề nghị Chính phủ nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án sau khi trạm phí này bị dừng thu từ tháng Năm tới nay.
Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 (Cần Thơ-An Giang) vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có phương án hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT Quốc lộ 91.
Theo đó, dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.720 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn là 15 năm 9 tháng 25 ngày.
Dự án được chia làm hai phân đoạn, gồm phân đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn từ km14-km50+889; phân đoạn 2 là mở rộng, tăng cường nền, mặt đường Quốc lộ 91B đoạn từ km 0+000-km15+793.
Qua kiểm toán, xác định giá trị đầu tư là hơn 1.651 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là trên 277 tỷ đồng; tổng vốn vay theo hợp đồng BOT là trên 1.373 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, dự án đã nhiều lần bị lái xe, chủ phương tiện phản ứng bằng cách cho phương tiện dừng tại các làn thu phí của trạm T2 vì họ cho rằng trạm này thu phí bất hợp lý.
Đặc biệt, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành, thông xe đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 19/5, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dự án cũng đã được nhà đầu tư thực hiện xả trạm từ ngày 25/5/2019 đến nay.
“Dự án dừng thu phí tại trạm T2 đã dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nếu không có phương án xử lý sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng tài trợ vốn cho dự án,” lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang khẳng định.
Để xử lý dứt điểm thực trạng này, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án cho nhà đầu tư để nhà đầu tư có nguồn vốn trả nợ ngân hàng giúp nhà đầu tư ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.
Trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án, để đảm bảo duy trì thực hiện hợp đồng BOT theo đúng thỏa thuận đã được ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ dự án 880 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng và chi phí xây dựng Quốc lộ 91B khoảng 480 tỷ đồng). Dự án chỉ thực hiện thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn đầu tư xây dựng Quốc lộ 91.
Thừa nhận hình thức thu phí của dự án là thu hở nên không thể đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho người sử dụng, nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có phương án tiếp tục giảm giá phương tiện thuộc tỉnh Đồng Tháp (trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện tổng số 11.757 phương tiện của hộ dân có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm T1 và T2 thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang).
Được biết, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hình thức BOT, có hai trạm thu phí là trạm T1 đặt ở quận Ô Môn và trạm T2 qua quận Thốt Nốt (Cần Thơ). Năm 2016, hai trạm thu phí này đi vào hoạt động./.