Xoay xở giữ việc cho công nhân
Dù đơn hàng sụt giảm nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tìm mọi biện pháp để duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập cho công nhân
Gần 18 giờ nhưng nhà xưởng của Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific (chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; quận Hà Đông, TP Hà Nội) vẫn sáng đèn. Chị Khuất Thị Hà, một công nhân (CN) có thâm niên tại công ty, cho biết: "Gần đây, dù thời gian tăng ca có giảm một chút nhưng thu nhập của chúng tôi vẫn bảo đảm. Trong khó khăn chung, giữ được việc làm là may mắn".
Vững tâm trước khó khăn
Theo ông Nguyễn Tràng Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific, nhiều tháng qua, đơn hàng công ty sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sụt giảm sâu nhất là ở các thị trường như Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã phối hợp chặt chẽ tìm mọi cách để bảo đảm việc làm, giữ chân NLĐ.
Cụ thể, lãnh đạo công ty đã tích cực tìm kiếm các đơn hàng thay thế, chuyển hướng từ các thị trường đang khó khăn, sang các thị trường khác đỡ căng thẳng hơn như thị trường Hàn Quốc. Sát cánh cùng doanh nghiệp (DN), Công đoàn công ty chủ động tuyên truyền vận động, giúp CN ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, sẵn sàng đồng hành với DN trong thời kỳ khó khăn.
"Đối tác Hàn Quốc đã sang làm việc và họ rất tin tưởng vào tay nghề của CN cũng như năng lực sản xuất của công ty nên sẵn sàng ký kết hợp đồng. Hiện công ty cũng chỉ mới rút thời gian làm thêm của NLĐ xuống còn 1 giờ mỗi ngày chứ chưa cho NLĐ nghỉ việc hay giãn việc. Thu nhập của NLĐ vẫn được bảo đảm bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm nay cũng sẽ được giữ nguyên và các hoạt động chăm lo Tết cho CN cũng sẽ được thực hiện đầy đủ, chu đáo" - ông Huy cho biết.
Nỗ lực giữ việc cho CN dù trong điều kiện có nhiều khó khăn cũng là tinh thần của ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Nam Phát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ông Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết do công ty chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Từ tháng 8, công ty đã phải cắt giảm 1 giờ làm việc/ngày và nghỉ thứ bảy hằng tuần. Dù vậy, ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng thay thế trong nước để bù đắp phần thiếu hụt, không để CN thiếu việc làm.
Hạnh phúc khi có việc làm
Từ tháng 10-2022 đến nay, toàn bộ CN Công ty May liên doanh Plummy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) hầu như không phải tăng ca cuối tuần, số giờ tăng ca ngày thường cũng giảm từ 3-4 giờ/ngày xuống còn 1 giờ/ngày hoặc không phải làm thêm.
Anh Nguyễn Văn Hải, một CN tại công ty, cho biết do thu nhập giảm 2-3 triệu đồng/tháng nên ngoài giờ làm ở công ty, anh tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm. "Tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn may mắn bởi ở nhiều nơi CN còn khó khăn hơn khi không có việc làm. Những lúc ăn nên làm ra, ban giám đốc và Công đoàn luôn chăm lo cho CN chu đáo nên khi DN gặp khó khăn, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, hy vọng tình hình sẽ ổn trở lại" - anh Hải bày tỏ.
Bà Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy, cho biết do các đơn hàng của khách hàng truyền thống giảm khoảng 70% nên DN gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo công ty đã năng động, tìm kiếm các đơn hàng nhỏ lẻ nội địa thay thế cho phần sụt giảm của các đơn hàng truyền thống. Dù các đơn hàng nhỏ lẻ có đơn giá thấp và thay đổi mẫu mã liên tục nhưng công ty vẫn nhận để bảo đảm việc làm, thu nhập cho CN.
Nỗ lực này của ban giám đốc giúp việc làm của CN luôn được bảo đảm. "Hiện Công đoàn cơ sở đang thương lượng với công ty về kế hoạch thưởng Tết. Mục tiêu là duy trì bằng năm ngoái. Các khoản chi quà Tết, hỗ trợ gia đình khó khăn vẫn được bảo đảm" - bà Phương Anh cho biết.
Tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất, huyện Quốc Oai), do DN thiếu đơn hàng nên thu nhập của CN giảm từ 15%-20%. Tuy nhiên, công ty không để CN nào mất việc. Hơn nữa, việc hỗ trợ những CN có hoàn cảnh khó khăn từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ người cho 100-200 trường hợp/ năm vẫn được duy trì. Công ty đang rà soát tiền thưởng Tết, cố gắng duy trì, không cắt giảm so với các năm.
Không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng
Theo LĐLĐ TP Hà Nội, tính đến nay, có 31 DN có Công đoàn cơ sở báo cáo phải giảm giờ làm, cắt giảm 13.016 lao động, trong đó, có 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 1.017 người lao động bị nợ lương, số tiền nợ 9,977 tỉ đồng. Riêng KCN-KCX có 7 DN với 6.148 lao động, có 1.609 lao động bị giảm giờ làm; 647 người bị chấm dứt HĐLĐ; 100 người bị nợ lương, số tiền nợ 850 triệu đồng. Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, LĐLĐ TP Hà Nội đã yêu cầu các cấp Công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của CN, đồng thời phối hợp với DN rà soát để thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng đối với NLĐ theo nội dung đã thỏa thuận. LĐLĐ TP Hà Nội đặc biệt lưu ý Công đoàn cơ sở quan tâm vấn đề tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.
Kỳ tới: Nỗ lực giữ chân người lao động
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/xoay-xo-giu-viec-cho-cong-nhan-20221210202420956.htm