Xoay xở phim truyền hình Việt
Được đầu tư sản xuất, phát sóng đều đặn giữa bối cảnh các loại hình giải trí như trăm hoa đua nở, phim truyền hình Việt buộc phải đổi mới để thu hút khán giả. Với người làm phim, đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để có thêm cơ hội sáng tạo, mặc dù có thể chưa được như mong muốn.
Liên tục bổ sung, đổi “thực đơn”
Nhằm tạo thêm cầu nối, tích cực đưa phim truyền hình tiếp cận đông đảo khán giả, từ ngày 17/2, Đài Truyền hình Việt Nam đã dành hẳn khung “giờ vàng” cho phim truyền hình trên VTV - 20h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3. Như vậy, trong một buổi tối, khán giả của VTV có thể xem phim từ 20h đến 20h45 trên kênh VTV3 và từ 21h00 đến 21h30 trên kênh VTV1. Cùng với những nỗ lực tiếp cận khán giả, ngay từ đầu năm 2025, khán giả yêu thích phim truyền hình Việt liên tiếp được bổ sung và hứa hẹn sẽ còn được bổ sung thêm nhiều món ăn tinh thần mới.

Nhiều diễn viên quen thuộc tái xuất trong phim “Cha tôi, người ở lại”.
Cụ thể, khán giả của VTV3 có phim “Cha tôi, người ở lại” - một bộ phim khai thác đề tài quen thuộc - đề tài về gia đình, tình thân, nhưng được dựa theo một bộ phim rất nổi tiếng của Trung Quốc là “Lấy danh nghĩa người nhà”. Thu hút khán giả ngồi trước màn hình buổi tối trong khung giờ vàng là những tên tuổi nổi tiếng ở nhiều “lãnh địa” giải trí khác, nhất là các tiểu phẩm hài đang “làm mưa, làm gió” trên nhiều kênh phát hành trực tuyến như NSƯT Thái Sơn, Trung “ruồi”. Đồng hành cùng họ là nhiều gương mặt quen thuộc và được yêu thích khác như NSƯT Bùi Như Lai, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, NSƯT Kiều Anh, Minh Tiệp, Ngọc Huyền…
Cũng khai thác về gia đình, tình thân nhưng “Những chặng đường bụi bặm” lại hứa hẹn mang đến một gam màu khác, lạ hơn cho phim truyền hình Việt. Như chia sẻ của đạo diễn Trịnh Lê Phong thì đây là dạng phim hành trình và nhân vật chính đều là những người đàn ông. Đoàn làm phim không quay ở tại một bối cảnh chính mà rong ruổi qua nhiều tỉnh, thành, theo hành trình của 3 nhân vật chính - 3 người đàn ông ở 3 độ tuổi khác nhau, cùng bị đẩy bên lề cuộc sống, cùng lên một chuyến xe, muốn chạy trốn thế giới.
“Những chặng đường bụi bặm” sẽ đưa khán giả qua rất nhiều vùng, miền của đất nước, với những cung đường, không gian văn hóa đặc sắc, trong đó có nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa. Đây là một hành trình khá vất vả, phải đi nhiều, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều trải nghiệm mới, lạ mà không phải lúc nào các diễn viên và ê-kíp làm phim cũng có được. Phim có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Võ Hoài Nam, NSƯT Thanh Bình, Đình Tú, Đức Phong, Quỳnh Châu…

Cảnh trong phim “Cha tôi, người ở lại”.
Năm 2025, dự kiến, khán giả của Truyền hình CAND cũng sẽ có khá nhiều phim mới do Điện ảnh CAND sản xuất với đề tài, nội dung đa dạng hơn, không chỉ dừng ở phim về Cảnh sát hình sự. Trong đó, phim “Sống tận hiến” dựa trên câu chuyện có thật về một cán bộ tình báo CAND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dự án phim này đã được chuẩn bị từ cuối năm 2024 và chính thức khởi động ngay từ đầu năm 2025.
Một dự án phim khác cũng được Điện ảnh CAND dự kiến sản xuất phục vụ khán giả là phim truyện truyền hình về Kế hoạch CM12 - chiến công lớn, mang ý nghĩa sâu sắc về nghiệp vụ phản gián, để lại nhiều bài học quý báu cho công tác đấu tranh chống các thế lực thù địch hiện nay. Đây không chỉ là mốc son trong những trang vàng truyền thống của lực lượng CAND mà còn là dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dự kiến, cũng trong năm 2025, khán giả yêu thích phim Cảnh sát hình sự của Điện ảnh CAND sẽ tiếp tục có phần 3 của “Đội điều tra số 7”…
Nỗ lực tạo sự khác biệt
Trao đổi quanh câu chuyện nỗ lực đổi mới, cố gắng tạo ra những bộ phim hấp dẫn, đồng thời có cách tiếp cận khán giả tốt hơn trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà sản xuất, người làm phim đều cho rằng đây là yêu cầu bắt buộc. NSƯT Lê Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, việc Đài truyền hình Việt Nam quyết định dành thêm khung sóng vào “giờ vàng” cho phim truyền hình được kỳ vọng sẽ giúp các bộ phim có thể tiếp cận được đông đảo khán giả truyền hình hơn.
Trước đó, Đài truyền hình Việt Nam đã thực hiện những khảo sát và đã nghiên cứu, điều chỉnh, sắp xếp về khung giờ để làm sao có sự phù hợp nhất với khán giả. Khung “giờ vàng” - 20h - là khung giờ tốt nhất dành cho phim. Tất nhiên, quyết định như thế cũng tạo sức ép lớn đối với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam trong xây dựng nội dung cho năm 2025. Vì vậy, từ cuối năm 2024, toàn bộ nghệ sĩ và ê kíp làm phim của Trung tâm đã phải tập trung để xây dựng để làm sao có những nội dung mới mẻ với cách kể chuyện độc đáo, đáp ứng đúng nhu cầu người xem. Sự mới mẻ đến từ sự khác biệt từ cách trình bày, cách kể chuyện của đạo diễn đến nội dung kịch bản…

Thiếu tá, biên kịch Vũ Liêm, Phó Giám đốc Điện ảnh CAND.
Đồng quan điểm về yếu tố mới, lạ trong thu hút người xem, Thiếu tá, Biên kịch Vũ Liêm, Phó giám đốc Điện ảnh CAND còn kỳ vọng, việc “chạm” đến những đề tài mới không chỉ mang lại hứng thú với người xem mà còn tạo cảm hứng sáng tạo cho chính những người làm nghề. Anh từng tham gia nhiều dự án phim Cảnh sát hình sự, nhưng với lĩnh vực tình báo vẫn là lãnh địa còn nhiều mới mẻ. Với phim “Sống tận hiến”, biên kịch Vũ Liêm tiết lộ, kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Mặt nạ” của tác giả Lê Duy Nghĩa. Tiểu thuyết này tái hiện một cuộc chiến thầm lặng đầy thách thức, hiểm nguy của lực lượng CAND Việt Nam chống lại những đối thủ tầm cỡ hàng đầu thế giới. Cuộc chiến ấy lại diễn ra ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm ngăn chặn tận gốc những tham vọng xâm chiếm và làm suy yếu hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…
Tất nhiên, sự hấp dẫn của câu chuyện cũng tỷ lệ thuận với những khó khăn, thách thức dành cho ê kíp làm phim. Vì nhân vật chính là một cán bộ tình báo CAND, hoạt động của nhân vật chủ yếu diễn ra trên đất Lào, bối cảnh phim sẽ đặc biệt hơn các dự án phim thông thường. Để chuẩn bị cho dự án phim “Sống tận hiến”, ngay từ cuối năm 2024, nhà sản xuất và ê kíp thực hiện đã có những chuyến đi thực tế, đến tận đất Lào để tìm hiểu sâu, kỹ nhất. Cùng với đội ngũ làm nghề có uy tín trong lĩnh vực điện ảnh, nhà sản xuất còn mời các chuyên gia, những cán bộ lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong CAND để hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện, từ các khâu chuẩn bị cho đến quá trình làm phim…
Đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa cũng cho hay, với những bộ phim kể những câu chuyện về gia đình nhưng phải được khai thác ở khía cạnh mới lạ và việc thực hiện bộ phim theo một bản gốc đã quá nổi tiếng và ăn khách là áp lực không nhỏ đối với bất kỳ ê kíp làm phim nào. Với phim “Cha tôi, người ở lại”, anh và ê kíp diễn viên đã quyết định kể lại câu chuyện trong phim theo cách của riêng mình, mang đậm những yếu tố văn hóa và xã hội Việt Nam. Khi Việt hóa bộ phim, anh xác định chỉ lấy cái tứ, nói đúng hơn là lấy mô hình của câu chuyện đó để diễn giải lại theo cách của riêng mình. Vì vậy, câu chuyện phim có thể giống nhau, nhưng cách thể hiện, cách kể lại khác nhau.
Câu chuyện của “Cha tôi, người ở lại” có nét tương đồng, nhưng cũng có nét khác biệt so với bản gốc - phim “Lấy danh nghĩa người nhà”. Tất nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn thì cần có sự hợp tác, nỗ lực từ nhiều phía, kể cả nỗ lực để vượt qua những áp lực do độ nổi tiếng của phim gốc để hoàn thành tốt nhất vai diễn, thuyết phục được khán giả khi họ xem phiên bản Việt.

Cảnh đẹp ở nhiều vùng miền lên phim “Hành trình bụi bặm”.
Đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng từng chia sẻ, với phim “Hành trình bụi bặm”, đoàn phim thực hiện ghi hình trong gần 3 tháng, trải qua chặng đường gần 1.000 km và quay chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Việc đi lại rất vất vả. Đổi lại, trong hành trình này, đoàn làm phim có dịp đi qua nhiều vùng miền với nhiều khung cảnh rất đẹp. Vì vậy, mọi người vẫn vui và chia sẻ với nhau, bởi vì không phải lúc nào cũng có được những trải nghiệm đặc biệt bên nhau nhiều như thế…

NSƯT Võ Hoài Nam trở lại với khán giả trong phim “Hành trình bụi bặm”.
NSƯT Võ Hoài Nam cũng cho biết, mặc dù vất vả nhưng anh rất hào hứng khi được tiếp cận với một kịch bản lạ và cũng là một câu chuyện lạ dù cuối cùng vẫn nhằm đưa đến khán giả thông điệp hãy yêu thương, bao bọc nhau. Đồng quan điểm với NSƯT Võ Hoài Nam, nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng, một kịch bản lạ với câu chuyện lạ là yếu tố hấp dẫn với chính diễn viên. Tất nhiên, kết quả lao động sáng tạo của họ, sức hấp dẫn của phim đến đâu thì phải đợi phản hồi từ khán giả. Sự đón nhận của khán giả luôn là động lực lớn để những người làm phim, các nghệ sĩ, nhà sản xuất tiếp tục mạnh dạn đổi mới, lao động sáng tạo nhằm đem đến ngày càng nhiều những tác phẩm hấp dẫn, giàu ý nghĩa nhất trong thời gian tới.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/xoay-xo-phim-truyen-hinh-viet-i759986/