Xoay xở trong đại dịch: Chuyển hướng chờ cơ hội
Đối với không ít người làm du lịch, nghề này đã ăn vào máu không dễ gì bỏ được. Giữa cơn bão dịch COVID-19, họ tìm mọi cách xoay chuyển tình thế để bám trụ, chờ đợi cơ hội để quay lại nghề.
Ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt chuyển hướng sản xuất khẩu trang, đưa hàng ra thế giới ảnh: U.P
Linh động thích ứng
Những ngày này, Công ty du lịch Việt (Q.1, TPHCM) không còn cảnh nhân viên tất bật đón khách, giới thiệu các tua, tuyến du lịch trong và ngoài nước. Thay vào đó, nhân viên lại bận rộn nhận đơn hàng, giao hàng là các sản phẩm khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ… Trong văn phòng làm việc của ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, đủ các loại khẩu trang xanh trắng, khẩu trang vải, khẩu trang y tế; có loại đặt riêng cho doanh nghiệp, tôn giáo… Ông tỉ mỉ so sánh những chiếc khẩu trang về độ đàn hồi của quai đeo, kiểm tra nẹp mũi, mức tĩnh điện của nguyên liệu làm sản phẩm…
“Người tiêu dùng Việt Nam nghĩ khẩu trang có màu xanh, màu trắng, 3 lớp hay 4 lớp là khẩu trang y tế nhưng thực tế không phải. Khẩu trang phải có các tiêu chí: lọc được virus, lọc được bụi mịn, kháng máu. Ba chỉ tiêu trên gần như công ty nào cũng đạt, nhưng chỉ tiêu cuối cùng là áp suất thở thì không nhiều công ty làm được. Áp suất thở chính là việc người dùng đeo khẩu trang giao tiếp không bị cảm giác ngạt. Chúng tôi đã làm được điều này” - ông Long phân tích. Chia sẻ lý do chuyển hướng làm khẩu trang, ông Long dí dỏm nói, chính ông cũng chẳng ngờ mình lại trở thành chuyên gia về khẩu trang trên thị trường ngày hôm nay. Lúc quyết định dấn thân vào lĩnh vực này, ông Long chỉ nghĩ đơn giản: “Mình là người đứng đầu công ty thì phải có trách nhiệm trước tập thể người lao động, xoay xở đủ kiểu miễn sao anh em có được thu nhập”.
Như tất cả những công ty du lịch khác, Công ty AZA Travel (Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng thiệt hại năng nề khi dịch bùng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. Tuy nhiên ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc AZA Travel đã kịp có phương án tự “cứu mình” trước đó. Doanh nhân này đã chuyển một phần nhân sự sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic. “Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với những người làm du lịch tạm chuyển sang bán hải sản, chế biến đồ ăn sẵn để họ bán đồ ăn kèm bia, còn mình quảng cáo đồ ăn cho họ để khách mua được cả đồ ăn và đồ uống đều ngon” - ông Đạt chia sẻ.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Golden Smile Travel (Q.Phú Nhuận, TPHCM) tỏ rõ sự mệt mỏi sau nhiều lần tái bùng phát dịch. Vốn chuyên tổ chức tua du lịch quốc tế, công ty ông phải chuyển sang khai thác thị trường nội địa. Nhưng đến lần bùng phát dịch này, ông quyết định tạm ngưng hoạt động du lịch. Tầng trệt của trụ sở công ty được ông tận dụng mở quán cà phê, tự tay ông hằng ngày pha cà phê và bưng ra phục vụ khách. Lúc cao điểm, nhân sự của công ty hơn 70 người, hiện chỉ còn hơn mười người. Theo ông, quán cà phê mở ra cũng chỉ để tạo cảm hứng cho mọi người trong công ty đi làm, có nơi để bạn bè gặp mặt, đồng nghiệp trong ngành tới chia sẻ cả những cơ hội và khó khăn…
Lấy ngắn nuôi dài
Theo ông Trần Văn Long, do lúc đầu không có ý định làm khẩu trang lâu dài nên chỉ mua vài máy. Tuy nhiên quan sát thị trường, thấy nhu cầu lớn nên ông quyết định đầu tư. Hiện, Công ty đã có 4 nhà máy chính và các nhà máy liên kết ở khắp ba miền và 1 nhà máy tại Mỹ. Tổng công suất trung bình của toàn bộ hệ thống có thể đạt 5 triệu khẩu trang/ngày, đồ bảo hộ có thể đạt 100.000 sản phẩm/ngày. Doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng về yêu cầu thời gian cùng những tiêu chuẩn chất lượng cho tất cả các đơn hàng lớn trong nước và xuất khẩu khắp thế giới.
“Tôi xác định đầu tư trong lĩnh vực y tế lâu dài chứ không phải đầu tư cơ hội hay mang tính mùa vụ. Tôi cho rằng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, du lịch có thể mất một vài năm nữa mới khởi động lại. Khi thị trường hồi sinh, tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển du lịch song song với sản xuất thiết bị y tế” - ông Long bày tỏ.
Gần đây, nhiều hãng lữ hành đã chuyển sang làm các thủ tục nhập cảnh, đưa đón chuyên gia và người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đại diện Công ty Ascend Travel cho biết, đơn vị đã chuyển hướng làm dịch vụ đón khách chuyên gia và Việt kiều từ nhiều tháng nay. “Chúng tôi nhận danh sách khách hàng từ các đối tác với sự cam đoan bảo đảm danh sách khách hàng phải đúng yêu cầu là các chuyên gia của công ty cử đến, bảo đảm sức khỏe và được kiểm tra về an toàn, phòng, chống dịch trước khi nhập cảnh. Từ danh sách này, phía công ty du lịch Việt Nam sẽ thuê các chuyến bay để đưa khách về Việt Nam theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn về phòng, chống dịch” - đại diện đơn vị này chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Lịch - Giám đốc Công Ty Du Lịch Việt Mỹ - Vietmytravel (Q.Tân Phú, TPHCM) cũng cho biết, thế mạnh của Vietmytravel từ trước đến nay là các tua du lịch đi Mỹ. Vì vậy, dịch bệnh bùng phát đã khiến hoạt động của Vietmytravel đóng băng hoàn toàn. Song, doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào những sản phẩm ngắn hạn mang lại nguồn thu để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này. “Để tồn tại trước những khó khăn do dịch bệnh, chúng tôi đang tập trung vào loại hình gói dịch vụ vé máy bay, làm thủ tục, công văn, tìm khách sạn cách ly cho một số khách từ nước ngoài về Việt Nam” - ông Lịch chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, đợt bùng dịch lần này khiến các doanh nghiệp du lịch khó khăn chồng chất khó khăn. Để “hà hơi thổi ngạt” cho ngành du lịch mới đây Hiệp hội có kiến nghị hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm để doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn cam go này”.
Đa số các doanh nghiệp du lịch còn bám nghề đều tìm đủ mọi cách cầm cự, thử nghiệm sản phẩm “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Hoàng Đức Huy - Giám đốc Công ty TransViet Travel (Q.3, TPHCM) cho hay, từ chỗ không thể khai thác khách quốc tế, công ty ông tập trung thị trường nội địa. Giờ dịch xuất hiện ở nhiều địa phương nên thị trường nội địa cũng gần như “đóng băng”. Sản phẩm du lịch mới toanh mà công ty ông còn khai thác từ cuối tháng 3/2021 là “Vitamin Tours”. Đối tượng nhắm đến là những khách hàng kết hợp làm việc với nghỉ dưỡng tại một khu resort, vừa tiếp tục làm việc, vừa tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng của riêng mình thay vì làm việc ở nhà để tránh dịch.
(còn nữa)