Xóm Bao

Con đường Hà Thanh (TP. Nha Trang) có hai lối vào từ hai đường lớn là Trần Quý Cáp và 2 tháng 4; dù là lối nào, điểm gặp nhau cuối cùng của nó là dòng sông Cái. Từ đường 2 tháng 4 rẽ vô Hà Thanh, khoảng vài trăm mét đến một ngã ba, rẽ tay trái là Xóm Huế, thông ra đường Trần Quý Cáp; rẽ tay phải là Xóm Bao, tên gọi quen thuộc của người dân nơi đây cách đây hơn… nửa thế kỷ. Từ nơi này, những chiếc bao bằng giấy dùng đựng đường, gạo, bột mì, đậu... được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong nước.

Vâng, đã từng có một nghề thầm lặng trong lòng thành phố. Cả xóm làm công việc dán những chiếc bao giấy cung cấp cho các hàng bán đồ khô ở các chợ. Âm thầm, cặm cụi, một công việc phù hợp với người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em, thu nhập không bao nhiêu nhưng đã gắn bó với xóm nhiều năm của thế kỷ trước.

Bao bì giấy ngày xưa.

Bao bì giấy ngày xưa.

Hồi đó, rất dễ dàng nhận biết khi rẽ vào Xóm Bao là nhìn vào bên trong nhà nào cũng có bao giấy, từ bao xi măng chưa xếp đến bao thành phẩm được cột lại gọn gàng. Thật ra, trước năm 1975, trong xóm có vài hộ dán bao bỏ mối ở chợ Đầm, chợ Xóm Mới. Sau năm 1975, bao bì xi măng khan hiếm, với nghề dán bao “truyền thống”, cả xóm đổ xô làm bao bì cho Nhà máy Xi măng Hòn Khói với những công việc tỉ mỉ như: Dán bao, đục lỗ bao, xỏ dây may bao… tận dụng mọi lao động từ người già tới trẻ em. Sau, Nhà máy Xi măng Hòn Khói không còn dùng bao giấy nữa, xóm chuyển sang làm bao bỏ chợ. Công việc này không thu hút lớp thanh niên suốt ngày phải ngồi nhà xếp, dán. Họ đi làm công nhân nhà máy, làm xây dựng..., tối về phụ gia đình dán bao.

Hồi đó, nguồn bao giấy là từ xi măng Hà Tiên, mua ở TP. Hồ Chí Minh. Trong xóm có một gia đình chuyên cung cấp bao và một gia đình chuyên làm công việc giũ bao cho sạch bụi xi măng (gọi là đập bao), phải là nhà có vườn rộng rãi. Đập bao, giũ bụi là công đoạn khá vất vả. Để làm nên một cái bao giấy 10kg, 20kg phải qua các công đoạn như: Rọc giấy, ủi cho thẳng (bằng cách lấy một con dao cùn miết mạnh lên tờ giấy, rồi phải “vá” những chỗ bị rách, sau đó xếp thành từng hàng dài để bết hồ và dán hông…). Nhà nào cũng rộng rãi, giấy được xếp hàng dài, đôi bàn tay thoăn thoắt dán xong rồi xếp đáy, mười cái kích thước đều như xếp bằng máy… Hồi xưa tôi hay đến chơi nhà bạn ở đường Hà Thanh, thế hệ trang lứa tôi còn biết ở Hà Thanh có một tiệm may nổi tiếng, chúng tôi hay may quần áo ở đây.

Khung cảnh yên bình ở khu vực Hà Thanh.

Khung cảnh yên bình ở khu vực Hà Thanh.

Một chiều, chợt nhớ Xóm Bao, tôi quành xe xuống đường Hà Thanh từ đường Trần Quý Cáp. Không thể tìm ra Xóm Bao ngày nào với những ngôi nhà đất rộng, giấy làm để bao lớp trong, lớp ngoài. Tôi đứng ngay Xóm Bao mà không biết đó là Xóm Bao ngày xưa. Một cô nói với tôi rằng, hồi đó cả xóm làm bao, hết dán rồi may bao, không xuể việc. Nhà cô cũng dán bao, công việc nhiều đến nỗi xe tải lấy bao chở vào miền Nam, không kịp giao. Bây giờ chỉ còn một gia đình làm.

Theo chỉ dẫn của cô, tôi đến nhà bà Hương năm nay 55 tuổi vẫn còn duy trì nghề. Bà kể, từ ngày về làm dâu, bà làm việc dán bao cho đến bây giờ. Những người già hồi ấy giờ đã về vui với mây trời hết rồi, bà làm vì bạn hàng còn đặt, lai rai có việc quanh năm. Nguồn giấy bây giờ vẫn mua ở TP. Hồ Chí Minh, có 2 loại bao làm từ giấy cũ và giấy mới. Bà Hương giải thích, khi bao bì ni lông xuất hiện thì bao giấy “hết ăn”. Khách hàng dùng bao giấy không nhiều nhưng đa dạng hơn như dùng bao giấy (mới) làm bao bì thực phẩm gà rán, khoai chiên, bánh tráng trộn… Nguồn bao giấy cung cấp cho TP. Nha Trang giờ đây chủ yếu từ thị xã Ninh Hòa vẫn còn nhiều gia đình làm nghề dán bao. Bây giờ, mặt hàng bao giấy đa đạng, mẫu mã đẹp, làm bằng máy nên nghề thủ công còn duy trì lai rai...

Tạm biệt Xóm Bao, tôi chạy xe ra sông. Những chiếc ca nô đưa khách du lịch ra đảo về neo bến sau những chuyến đi. Chiều thật bình yên khi từ bên này nhìn qua Cồn Dê thấp thoáng tháp chuông nhà thờ Ngọc Thủy. Tôi chạy xe qua cầu Hà Ra rẽ xuống Cồn Dê để nhìn về bên này. Lâu lắm rồi tôi chưa qua đó. Cây cầu xi măng mới thay thế cây cầu cũ ọp ẹp ngày xưa. Từ bên Cồn Dê nhìn qua Hà Thanh tôi thấy tượng Phật trắng chùa Long Sơn. Chưa bao giờ nơi con sông Cái Nha Trang trước khi đổ ra biển thôi mê hoặc tôi. Ký ức về một Xóm Bao xưa như biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong không gian thật yên ắng, những ngôi nhà với những hàng dừa, khu vườn thật rộng rãi, có những con người âm thầm, lặng lẽ hàng ngày cặm cụi dán những chiếc bao đựng hàng nông sản khắp các chợ trong thành phố ngày xưa ấy thật đáng quý biết bao bởi trong các loại bao bì hiện nay, bao bì giấy có thời gian phân hủy ngắn nhất.

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202407/xom-bao-cf943c4/