Xóm Ga mỏi mòn chờ sổ đỏ

Xóm Ga nằm cạnh ga Ninh Hòa, thuộc tổ dân phố 3 phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có 58 hộ sinh sống ổn định 60 năm nay. Điều ngạc nhiên là cho đến tận bây giờ, những gia đình này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xóm Ga nằm cạnh ga Ninh Hòa, thuộc tổ dân phố 3 phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có 58 hộ sinh sống ổn định 60 năm nay. Điều ngạc nhiên là cho đến tận bây giờ, những gia đình này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân chịu nhiều thiệt thòi

Ông Nguyễn Quang (tổ dân phố 3, phường Ninh Hiệp) cho biết, khoảng năm 1958, bố vợ ông tên Đoàn Thính (cán bộ ga Ninh Hòa) được Ty Ốc lộ Sài Gòn cho thuê đất tại vị trí đối diện ga Ninh Hòa. Sau đó, ông Thính cải tạo đất ruộng, mở rộng thêm thành tổng diện tích gần 1.200m2. Mặc dù ở ổn định hơn 60 năm nay, có đóng thuế nhà đất nhưng toàn bộ khu đất này vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Sau khi ông Thính qua đời, khu đất này được chia cho các con, xây nhà ngăn vách ra để ở. Đến năm 1961 - 1962, có nhiều cán bộ, công nhân ở Ty Ốc lộ Sài Gòn về đây sinh sống, tạo nên xóm Ga như bây giờ.

Khu vực ga Ninh Hòa (bên phải) và xóm Ga (bên trái).

Khu vực ga Ninh Hòa (bên phải) và xóm Ga (bên trái).

Bà Đoàn Thị Kim Huệ (con gái ông Đoàn Thính) chia sẻ, ngôi nhà bà đang ở được bố mẹ làm từ năm 1961, là nơi sinh sống của cả gia đình hơn 10 người trong mấy chục năm qua. Khi các con khôn lớn, lập gia đình, ra ở riêng, ngôi nhà chỉ còn vợ chồng bà cùng em gái và 2 đứa cháu sinh sống. Ngót 60 năm tồn tại, do ngày xưa không có xi măng, chủ yếu làm từ cát trộn vôi nên đến nay toàn bộ tường nhà đã bị bủng mục. Trên mái ngói âm dương cứ vá chỗ này lại thủng chỗ kia. Chưa kể nền nhà hiện đã thấp hơn mặt đường cả mét; mỗi lần mưa lớn, không chỉ dột từ mái, nước từ ngoài đường còn chảy vào nhà lênh láng. “Nhiều năm trước, bố mẹ tôi đã gõ cửa nhiều nơi hỏi về thủ tục làm sổ đỏ nhưng đều bị từ chối vì đây vẫn là đất của đường sắt. Đến đời chúng tôi cũng không hiểu vì sao đất đai người dân sử dụng ổn định 60 năm qua mà vẫn không được trao quyền sở hữu?”, bà Huệ nói.

Một góc Khu tập thể đường sắt bên cạnh ga Ninh Hòa.

Một góc Khu tập thể đường sắt bên cạnh ga Ninh Hòa.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Mai Hữu Chí (từng là Cung trưởng Cung đường sắt Ninh Hòa, nay là Tổ trưởng tổ dân phố 3) về xóm Ga từ năm 1996 theo diện được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cấp đất, hóa giá, nhưng đến nay ông vẫn chưa thể làm được sổ đỏ. Thời điểm năm 1996, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cấp đất, nhà cho rất nhiều cán bộ, công nhân đường sắt tại xóm Ga, nâng tổng số hộ từ vài chục lên đến gần 60 hộ như hiện nay.

Ông Võ Biệu - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp cho biết, không có sổ đỏ, người dân bị hạn chế giao dịch dân sự, việc vay vốn để làm ăn gặp khó khăn, công tác quản lý của địa phương cũng nhiều bất cập. Không có sổ đỏ, người dân xin cấp giấy phép xây dựng không được nhưng vẫn tự xây nhà.

Truy tìm nguồn gốc đất

Theo lãnh đạo phường Ninh Hiệp, nhiều năm trước, phường nhận được đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của các hộ ở xóm Ga. Qua rà soát, các trường hợp này đều do Công ty Đường sắt Phú Khánh bán thanh lý tài sản trên đất hoặc cho thuê đất, cấp đất cho nhân viên đường sắt quản lý, sử dụng. Thống kê hiện có 58 hộ đang ở ổn định lâu dài trên đất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong đó hộ ít nhất chỉ khoảng 10m2, hộ nhiều nhất hơn 1.000m2.

Mới đây, thị xã Ninh Hòa triển khai dự án mở rộng, nâng cấp đường Võ Văn Ký. Có 4 hộ ở xóm Ga bị ảnh hưởng bởi dự án này. UBND thị xã Ninh Hòa đã đền bù vật kiến trúc trên đất, nhưng không có cơ sở đền bù đất bị thu hồi và giải quyết tái định cư. Theo ông Nguyễn Sơn Vũ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa, qua rà soát, phòng đã báo cáo UBND thị xã Ninh Hòa xem xét, kiến nghị tỉnh và cơ quan cấp trên để sớm giải quyết việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nơi đây nói chung và 4 hộ bị ảnh hưởng bởi tuyến đường Võ Văn Ký nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là đất hỏa xa cần được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vào cuộc mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Kiến nghị nhưng chưa được trả lời

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, các hộ dân nơi đây sử dụng đất ổn định từ trước năm 1975 đến nay, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Từ năm 2015 đến nay, thị xã đã liên tục có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị việc thu hồi, bàn giao đất tại khu vực ga Ninh Hòa.

Bà Đoàn Thị Kim Huệ trong ngôi nhà xập xệ được xây từ năm 1961.

Bà Đoàn Thị Kim Huệ trong ngôi nhà xập xệ được xây từ năm 1961.

Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã 2 lần gửi văn bản đến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc bàn giao phần diện tích đã sử dụng làm đất ở tại khu vực ga Ninh Hòa với tổng diện tích hơn 11.000m2 cho UBND thị xã Ninh Hòa để xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định của pháp luật. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Người dân trao đổi với phóng viên về những bất cập khi chưa được cấp sổ đỏ.

Người dân trao đổi với phóng viên về những bất cập khi chưa được cấp sổ đỏ.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây, sở đã tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ ở xóm Ga, đồng thời xin ý kiến về việc bồi thường, tái định cư cho 4 hộ bị giải tỏa thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp đường Võ Văn Ký. Sở Tư pháp cho rằng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải có văn bản bàn giao khu đất này thì mới có căn cứ để xem xét thực hiện bồi thường, tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng.

Mới đây nhất, ngày 21-8, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bàn giao phần diện tích đã sử dụng làm đất ở tại khu vực ga Ninh Hòa (trong đó có trường hợp thuê đất của Hỏa xa Việt Nam từ năm 1958 và năm 1961) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để UBND thị xã Ninh Hòa có cơ sở xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa có văn bản trả lời.

VĂN KỲ - CÔNG ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202009/xom-ga-moi-mon-cho-so-do-8184295/