'Xóm Mồ Côi', ốc đảo cách mạng bất khuất giữa lòng Hội An

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại TP Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ trở thành căn cứ cách mạng kiên trung - xóm Chiêu hay còn nổi tiếng với cái tên 'xóm Mồ Côi'. Xóm vẻn vẹn mấy nóc nhà nhưng có tới 10 liệt sĩ, 2 anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân...

Mỗi mái nhà là một căn cứ bí mật

“Xóm Mồ Côi” hay gọi đúng hơn là xóm Chiêu thuộc địa bàn tổ 10, khối Trường Lệ (phường Cẩm Châu, TP Hội An), chỉ rộng chưa đầy 1 km2, lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn, được bao bọc bởi rặng tre, dừa và lau sậy. Nhỏ bé, hẻo lánh, nhưng trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, nơi đây lại là “địa chỉ đỏ” quan trọng của cách mạng.

Tấm bia di tích lịch sử “xóm Mồ Côi” đặt trước con đường dẫn vào xóm. (Ảnh: Công Huy).

Tấm bia di tích lịch sử “xóm Mồ Côi” đặt trước con đường dẫn vào xóm. (Ảnh: Công Huy).

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Hải Sơn (77 tuổi), một trong số ít cư dân gốc còn sống tại xóm, cũng là con trai của liệt sĩ Nguyễn Dưỡng và cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Cho cho biết, cái tên “xóm Mồ Côi” do lính ngụy đặt.

“Ngày trước, xóm này bốn bề nước bao quanh, như một ốc đảo biệt lập. Quân địch muốn vào đây rất mất công, đi bộ cũng khó, dùng xuồng thì mắc cạn. Vì thế, chúng mới gọi là “xóm mồ côi”, ý nói xóm bị cô lập, chứ không phải không có người hay mất cha mất mẹ gì cả”, ông Sơn kể.

Với địa hình thuận lợi, chỉ cách trung tâm Hội An khoảng 1km, xóm từng là tuyến giao thông mật đưa cán bộ, quân du kích từ vùng giải phóng vào nội ô địch.

Ông Nguyễn Hải Sơn, một trong số ít cư dân gốc còn sống kể giai đoạn hào hùng của “xóm Mồ Côi”.

Ông Nguyễn Hải Sơn, một trong số ít cư dân gốc còn sống kể giai đoạn hào hùng của “xóm Mồ Côi”.

Theo ông Nguyễn Hải Sơn, từ năm 1966, xóm Chiêu được chọn làm căn cứ tiền phương cho Thị ủy Hội An, điểm đặt trụ sở của Ban cán sự Công tác nội ô do Phó Bí thư Thị ủy Trương Minh Lượng lãnh đạo. Với địa thế hiểm yếu, người dân nơi đây kiên trung nuôi giấu cán bộ, giữ bí mật tuyệt đối, mỗi nhà là một căn hầm, mỗi người dân là một chiến sĩ thầm lặng. Từ đây, nhiều chiến công vang dội được "ươm mầm", điển hình là cuộc tấn công vào nhà lao Hội An ngày 14/7/1967, giải cứu hơn 1.000 tù nhân chính trị.

Tiếp câu chuyện, ông Sơn kể, nhưng do bị lộ cơ sở, vào ngày 18/10/1967, một tiểu đoàn lính ngụy tổ chức cuộc càn quét quy mô lớn, đốt phá làng. Trong tình thế hiểm nghèo, ông Trương Minh Lượng rút lui về căn cứ Trà Quế nhưng hy sinh khi vừa rời khỏi làng. Còn ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Chi bộ đã đốt cháy ngôi nhà của mình cùng toàn bộ tài liệu mật, tự thiêu trong lửa đỏ để bảo vệ bí mật cách mạng. Xóm bị đốt rụi, địch bắt giam tất cả người dân từ già đến trẻ đưa vào tù, ông Sơn cũng nằm trong số đó.

Chỉ vẻn vẹn mấy nóc nhà nhưng “xóm Mồ Côi” có tới 10 liệt sĩ, 2 anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. (Ảnh: Công Huy).

Chỉ vẻn vẹn mấy nóc nhà nhưng “xóm Mồ Côi” có tới 10 liệt sĩ, 2 anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. (Ảnh: Công Huy).

“Tôi bị bắt lúc đang làm giao liên cho cách mạng, mới 14 tuổi thôi. Bị nhốt ở nhà lao Hội An rồi sau đó đày ra nhà tù Phú Quốc ròng rã suốt 7 năm. Sau đó, mọi người được cách mạng giải cứu, anh em ai còn sống sót thì rủ nhau vào Sài Gòn để tiếp tục tham gia giải phóng miền Nam”, ông Sơn nhớ lại.

Nỗi đau của chiến tranh là không thể đong đếm. Cả xóm chỉ có bảy hộ nhưng có tới 10 liệt sĩ, 2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều thương binh, người từng bị đày ải trong tù ngục được Nhà nước ghi nhận công lao.

Từ “xóm trắng” đến làng du lịch sinh thái

“Xóm Mồ Côi” là một cái tên do giặc đặt với hàm ý cô lập, nhưng người dân nơi đây đã biến sự cô lập đó thành bức tường thành cách mạng vững chãi. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, những cư dân còn sống quay về làng. Họ dựng lại nhà tranh, phục hồi ruộng vườn, tiếp tục bám đất. Trên mảnh đất từng cháy đỏ bởi lửa đạn, họ gieo trồng sự sống, giữ gìn ký ức bằng gian thờ liệt sĩ, bằng những câu chuyện kể lại cho con cháu.

Quanh xóm, không gian truyền thống vẫn được người dân gìn giữ. (Ảnh: Công Huy).

Quanh xóm, không gian truyền thống vẫn được người dân gìn giữ. (Ảnh: Công Huy).

Ngày nay, giữa nhịp sống mới, những người con của xóm vẫn lặng lẽ làm công việc tưởng niệm, gìn giữ. Mỗi sáng và chiều, ông Nguyễn Hải Sơn đều đặn quét dọn gian thờ cha, chú cùng những người đồng đội đã ngã xuống năm nào.

“Chỉ khi tôi chết mới thôi nhớ về cái ngày ấy. Họ hy sinh vì đất nước được hòa bình, không ai tiếc mạng sống mình cả”, ông nói, ánh mắt toát lên sự tự hào, hãnh diện.

Bên nhà ông Sơn, căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Văn Cũ vẫn còn đó, nơi thờ mẹ ông là bà Trần Thị Ân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các con của mẹ đều là liệt sĩ. Cả xóm hiện còn lại 4 hộ dân gốc, phần lớn đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhưng từng câu chuyện, từng tấm ảnh, từng tấm bia khắc tên liệt sĩ vẫn còn đó sống động hơn bất cứ cuốn sách lịch sử nào.

Giờ đây, giữa lòng Hội An hiện đại và sôi động, “xóm Mồ Côi” đang dần “thay da đổi thịt”. Những căn biệt thự, nhà nghỉ dưỡng, villa homestay mọc lên khang trang. Du khách quốc tế ghé thăm bằng xe đạp, lặng lẽ dừng lại trước bia tưởng niệm đầu xóm, thắp nén nhang cho những người từng ngã xuống.

“Xóm Mồ Côi” nay khang trang hơn với những công trình nghỉ dưỡng được đầu tư.

“Xóm Mồ Côi” nay khang trang hơn với những công trình nghỉ dưỡng được đầu tư.

Điều đáng quý là khi phát triển du lịch, chính quyền TP Hội An và người dân vẫn giữ nguyên vẹn không gian truyền thống. Những con đường bê tông nhỏ xuyên qua cánh đồng lúa xanh mướt, những rặng tre già ven lối cũ vẫn đứng đó, như một sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại.

Một lãnh đạo TP Hội An thông tin: Địa phương xác định xóm Mồ Côi không chỉ là một điểm đến du lịch sinh thái, mà còn là di tích lịch sử sống, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”. Hiện tại, chính quyền cũng đang xúc tiến quy hoạch một số hạng mục phụ trợ tại đây như điểm dừng chân, không gian trưng bày tài liệu lịch sử, mô hình hầm bí mật… để vừa phục vụ khách tham quan, vừa lưu giữ giá trị tinh thần của vùng đất anh hùng.

Công Huy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xom-mo-coi-oc-dao-cach-mang-bat-khuat-giua-long-hoi-an-post547161.html