Xôn xao từ giải Nhất thi khoa học kỹ thuật: Sở GD&ĐT Ninh Bình lên tiếng
Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định, hai dự án dự thi cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia của học sinh trường THPT Hoa Lư A mặc dù có tên gần giống nhau, nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là hoàn toàn khác nhau.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2021 (Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 25 - 27/3 tại Huế) có 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham gia. Trong đó, cấp THPT có 113 dự án với 210 học sinh; cấp THCS có 28 dự án với 52 học sinh.
Cuộc thi đã tìm ra 91 dự án đạt giải, trong đó 12 dự án đạt giải nhất, 19 dự án đạt giải nhì, 26 dự án đạt giải ba và 34 dự án đạt giải tư. Trong đó, hai học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, học sinh trường THPT Hoa Lư A, đạt giải nhất cuộc thi với dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (lĩnh vực thi Hệ thống nhúng).
Hai học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, học sinh trường THPT Hoa Lư A, đạt giải nhất cuộc thi với dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (lĩnh vực thi Hệ thống nhúng).
Ngay sau đó, dư luận xôn xao khi thấy giải nhất của cuộc thi có vẻ giống với dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (cùng trường THPT Hoa Lư A, giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh Ninh Bình năm 2019), đã giành giải nhì trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019"
Việc 2 dự án có tên gần tương tự cùng đến từ trường THPT Hoa Lư A và do một thầy giáo hướng dẫn,nhưng chỉ khác năm dự thi đã dẫn đến một số ý kiến nghi ngờ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Tiền Phong ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định, hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau.
Cũng theo ông Khâm, hai dự án mà dư luận đang “xôn xao” là hai dự án của hai năm khác nhau, đều do một thầy giáo hướng dẫn. Tên của dự án được thầy và trò đặt đều liên quan đến bệnh nhân, đến giường bệnh nên mới gây ra hiểu nhầm khiến bạn đọc phản hồi như thế.
“Các học sinh và thầy giáo hoạt động rất tốt nhưng vì tên gọi gần giống nhau nên gây hiểu nhầm dù thầy cô và các học sinh đã cố gắng và làm rất tốt. Chứ hai dự án khác nhau hoàn toàn”- ông Khâm nói.
Ông Khâm cũng lý giải: Dự án năm 2019 (Dự án giường I.o.T) hỗ trợ cho người chăm sóc bệnh nhân. Người chăm sóc có thể vận hành từ xa thông qua mạng Internet để cho người bệnh ăn, uống, vệ sinh, di chuyển giường đi lại chính xác và an toàn.
Còn dự án năm nay về giường thông minh hỗ trợ người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể tự phục vụ, cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập chỉ bằng giọng nói để điều khiển,…
“Giải pháp của dự án hai năm là khác nhau chỉ mỗi tên có ý giống nhau nên có sự hiểu nhầm đáng tiếc.”- ông Khiêm nhấn mạnh.