Xông xênh tiền, PAN Group muốn sở hữu chi phối một công ty thuốc bảo vệ thực vật
Để mua thêm số cổ phiếu đăng ký lần này, công ty dự kiến chi hơn 220 tỷ đồng. Số tiền cho hoạt động đầu tư và M&A năm 2019 của tập đoàn này cũng lên tới 3.200 tỷ đồng.
PAN chi thêm 220 tỷ đồng để sở hữu chi phối VFG
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group - PAN) vừa công bố phương án chào mua công khai hơn 4,8 triệu cổ phiếu CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) nhằm nâng sở hữu và đầu tư dài hạn. Nếu giao dịch thành công, Tập đoàn PAN sẽ nâng số cổ phiếu nắm giữ từ 13,2 triệu cổ phiếu lên 18 triệu cổ phiếu. Cũng từ giao dịch này, công ty cũng dự kiến nâng sở hữu VFG lên mức chi phối, từ 41,26% lên 56,25%.
Giá chào mua không thấp hơn giá bình quân tham chiếu cổ phiếu VFG do HoSE công bố trong thời hạn 60 ngày liền trước ngày gửi bản đăng ký chào mua. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu VFG đã tăng mạnh giá cổ phiếu (+5,5%) lên 46.000 đồng/cp. Ước tính theo mức giá trên, số tiền mà PAN Group dự kiến chi ra đợt này là hơn 220 tỷ đồng.
Việc chào mua được thực hiện sau khi có chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và công ty công bố thông tin theo quy định. Thời gian giao dịch là từ 30 đến 60 ngày kể từ ngày chào mua chính thức.
Tập đoàn PAN bắt đầu sở hữu cổ phần của VFG từ cuối năm 2018 khi chào mua công khai 20% vốn VFG với giá bình quân 38.500 đồng/cổ phiếu. Công ty tiếp tục mua thêm cổ phần và nâng sở hữu lên mức 41% hiện tại.
VFG kinh doanh trong lĩnh vực nông dược với các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ năm 1999 và niêm yết cổ phiếu vào năm 2009. Trong nửa đầu năm nay, quy mô doanh thu của VFG giảm xuống dưới 1.000 tỷ đồng, chủ yếu do thị trường miền Nam thu hẹp tới 30%. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm 17% còn 60,7 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu nửa đầu năm đạt 1.855 đồng.
Mặc dù quy mô vốn điều lệ của VFG hiện chỉ ở mức 321 tỷ đồng nhưng quá trình hoạt động đã giúp công ty tích lũy được 388 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Cùng với các quỹ đầu tư phát triển, vốn tự có của VFG đến cuối quý II xấp xỉ 933 tỷ đồng.
Xông xênh tiền nhờ tích cực vay nợ
Tập đoàn PAN vẫn đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư và M&A với tổng số tiền chi ra năm 2019 lên tới 3.218 tỷ đồng. Riêng trong năm trước, số tiền mà tập đoàn PAN chi ra để mua thêm cổ phần VFG là hơn 484 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2019, PAN Food đã hoàn tất chào mua cổ phần của CTCP Thủy sản 584 Nha Trang (584NT), đưa doanh nghiệp sản xuất nước mắm trở thành công ty con với tỉ lệ sở hữu là 73,45%. Đồng thời, công ty cũng chính thức tham gia mảng kinh doanh cà phê bằng việc mua lại 80% cổ phần CTCP Cà phê Golden Beans (sở hữu thương hiệu Shin cà phê).
Dù chi đầu tư nhiều, đến cuối quý II/2020, Tập đoàn PAN vẫn đang trữ sẵn khá nhiều tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu với giá trị xấp xỉ 4.524 tỷ đồng, tăng 46% so với thời điểm nửa năm trước. Các tài sản có tính lỏng cao này tương đương 36% tổng tài sản. Bên cạnh đó, tài sản của tập đoàn tập trung và nhóm các tài sản cố định (máy móc, nhà xưởng…) với giá trị xấp xỉ 3.550 tỷ đồng và tồn kho hơn 1.850 tỷ đồng.
Quy mô tài sản của công ty đã tăng 17,8% trong nửa đầu năm lên 12.680 tỷ đồng. Nguồn vốn tài trợ tăng mạnh từ các khoản vay ngân hàng kỳ hạn ngắn (từ 1.691 tỷ đồng lên 4.382 tỷ đồng). Cũng vì vậy, tỷ lệ nợ của Tập đoàn PAN đã tăng từ 43% lên 53%. Công ty mở rộng các khoản vay, đặc biệt là vay bằng đồng USD. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay cả bằng nội tệ lẫn ngoại tệ đều giảm mạnh như khoản vay BIDV chi nhánh Sóc Trăng bằng USD áp dụng mức lãi chỉ 2,7–2,8%/năm.