Xót lòng những giọt nước mắt chốn tụng đình

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Phạm Văn Hứa (SN 1979, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) ra xét xử về tội 'Giết người'. Nạn nhân của Hứa là cậu bạn trai của con gái mình. Suốt cả phiên tòa hôm ấy, cả phòng xử buồn đến nao lòng vì những giọt nước mắt chốn tụng đình lại rơi...

Bị cáo Phạm Văn Hứa tại phiên tòa. Ảnh: H.N

Bị cáo Phạm Văn Hứa tại phiên tòa. Ảnh: H.N

Nước mắt chốn tụng đình

Ở nhiều phiên tòa, cho dù bị can, bị cáo, bị hại... là ai, ở lứa tuổi nào, đã từng giữ cương vị nào, nhưng khi đối diện những bản án nghiêm khắc của pháp luật nhiều người đã rơi nước mắt. Nhưng những giọt nước mắt ân hận muộn màng của bị cáo không khiến người ta nặng lòng bằng những giọt nước mắt chốn tụng đình của những người đang dự thính bên dưới. Họ là bị hại, đại diện cho bị hại, là người thân, thậm chí là cả người dưng...

Theo cáo trạng, khoảng tháng 10/2022, cháu L.V.N (SN 2005, trú tại Phú Xuyên) có quan hệ tình cảm với cháu P.K.O (SN 2008, con gái Hứa). Khoảng 12 giờ ngày 2/11/2022, N. đến nhà cháu O chơi thì thấy chỉ có bạn gái ở nhà. Cả hai cùng nhau ăn cơm, nghỉ trưa tại nhà rồi cùng làm “chuyện người lớn”. Vừa lúc đó, Hứa đi làm về. Nhìn thấy con gái đang “quấn quýt” bên bạn trai, Hứa không kiềm chế được cơn nóng giận đang sục sôi, đã vung tay tát thẳng vào mặt N. và cũng vả luôn cả đứa con gái khờ dại mấy cái, rồi quát con gái mặc lại quần áo.

Khi đã trấn tĩnh, Hứa mường tượng ra cái cảnh ề chề, tủi hổ và tương lai xám xịt của đứa con gái cùng cả gia đình, một khi câu chuyện không đáng có này bị bung ra bên ngoài làng xóm. Hứa bắt cháu O gọi điện thoại cho mẹ về nhà ngay để tính chuyện giải quyết hậu quả.

Đến 15 giờ cùng ngày, chị Th về nhà. Cả hai cùng bàn bạc, thống nhất giữ N. tại nhà đến khoảng 22 giờ cùng ngày, khi mọi người đi ngủ, sẽ gọi gia đình N. đến nói chuyện, giải quyết sự việc. Vợ chồng Hứa thống nhất không báo Công an để tránh dư luận ảnh hưởng đến gia đình và con gái. Thời gian này, cháu N. bị giữ lại nhà của Hứa. Bố mẹ N. không thấy con về đã gọi điện hỏi thăm xem con trai có đi cùng cháu O không thì chị Th nói không biết. N xin gọi điện thoại về nhà để báo tin nhưng không được.

Vì quá lo sợ, N. nhiều lần tìm cách bỏ chạy. Nhân lúc vợ chồng Hứa lơi là, cháu N. bỏ chạy ra ngoài và kêu cứu. Hứa đuổi theo, quá trình giằng co, N. đẩy Hứa ngã rồi hét lớn “cứu con với”. Trong cơn nóng giận, thấy N. vẫn la hét để mọi người biết, nhìn thấy con dao ở góc sân, Hứa chạy đến lấy rồi vung dao chém một nhát trúng đỉnh đầu phía sau của cháu N. khiến cháu N. ngã xuống đất. Sau đó, Hứa bỏ dao xuống đi vào nhà. Hậu quả là cháu N. bị tổn hại 26% sức khỏe.

Tại phiên tòa, Hứa ân hận, đồng thời khẳng định, việc vung dao lên chém là do không giữ được bình tĩnh và chỉ xác định là sẽ gây ra thương tích cho cháu N. mà thôi. Tại Tòa, cháu O cũng thừa nhận việc cùng bạn trai “nếm trái cấm” là hoàn toàn tự nguyện, không có chuyện miễn cưỡng hay bị cưỡng bức. Trong những tiếng khóc nấc nghẹn, cháu O và mẹ chỉ có một thỉnh cầu duy nhất là mong Tòa xem xét và áp dụng mức án nhẹ nhất có thể đối với bố mình.

Trước tòa, cháu N cùng gia đình cũng xin giảm nhẹ tội trạng cho bị cáo, bởi hành vi của bị cáo một phần do bị hại. Bị cáo Hứa bị tuyên phạt 5 năm tù. Dù được khoan hồng, song những cay đắng, buồn tủi và cả hổ thẹn của gia đình bị cáo thì chẳng biết khi nào mới nguôi ngoai.

Hai bảo mẫu Nguyễn Thị An, Nguyễn Thị Lành tại tòa. Ảnh: N.D

Hai bảo mẫu Nguyễn Thị An, Nguyễn Thị Lành tại tòa. Ảnh: N.D

Nỗi lòng của người làm cha mẹ

Tại phiên tòa xử hai bảo mẫu Nguyễn Thị An (SN 1993; trú huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và Nguyễn Thị Lành (SN 1992,gần nhà An) trong vụ bạo hành khiến cháu bé 17 tháng tuổi tử vong, hai bảo mẫu cũng nhiều lần bật khóc.

Khi nghe VKSND đọc cáo trạng, cả An và Lành đều cúi gằm mặt, nước mắt giàn giụa khi nghe lại những hành vi của mình với nạn nhân.

Ở ghế đại diện cho bị hại, mỗi khi nghe những dòng miêu tả lại những hành hạ của hai bảo mẫu với con trai mình, chị T. (mẹ bị hại) lại khóc nấc lên thành tiếng. Phía cuối phòng xử, nhiều người cũng không kìm được ước mắt, tiếng sụt sùi nối tiếp vang lên.

Nội dung vụ án cho thấy An và Lành là những người không có bằng cấp chuyên môn về sư phạm. Tháng 11/2022, cả hai rủ nhau đứng ra mở lớp và thuê nhà tại xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) làm địa điểm nhận trông giữ trẻ.

Ngày 23/2, chị P.T.T. đưa con trai là bé P.T.Đ. đến gửi tại cơ sở trông giữ trẻ của hai bảo mẫu trên.

Trong buổi sáng cùng ngày, hai bảo mẫu đưa các cháu vào phòng ngủ thì cháu Đ. bỏ chạy ra ngoài, đứng ở cửa và khóc. Bực tức vì việc này, Lành và An đã thay nhau đánh đập cháu Đ. Tiếp đó, ngày 26/2, do bận việc nên Lành nghỉ, chỉ còn An trông các cháu. Khoảng 9h30, bé Đ. quấy khóc, An tiếp tục bạo hành cháu bé.

Sau đó, An thấy bé bất tỉnh và nôn nên gọi điện thoại cho Lành và báo mẹ bé đến lớp, đưa đi cấp cứu. Chiều 2/3, bé Đ. tử vong sau 5 ngày đi học. Giám định pháp y kết luận bé tử vong do suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục vì chấn thương sọ não nặng.

Tại tòa, chị T. cho biết từ khi con trai mất đến nay đã được nửa năm nhưng ngày nào chị cũng "sống trong đau khổ, nước mắt". Khi nói đến đoạn đến đón con sau khi nhận điện thoại của bảo mẫu, chị nghẹn ngào: “Tôi đến nơi, thấy cháu nằm trên sàn nhà, lạnh ngắt…”

Tiếp tục uất nghẹn, chị bảo do người quen giới thiệu cơ sở của An – Lành nên chị rất tin tưởng. Ai dè, tưởng đem gửi con để bố mẹ yên tâm lao động, lại là đưa con đến cửa tử…

Ở hàng ghế cuối phòng xử, cha và chồng của hai bảo mẫu ngồi thẫn thờ, hướng ánh mắt nhìn về phía các bị cáo. Bố của Lành nghẹn ngào khi được tòa hỏi về việc đền bù thiệt hại cho gia đình bị hại. Ông nói: “Đền bù bao nhiêu cũng được, gia đình chúng tôi sẽ chạy vạy, vay mượn để đền bù cho gia đình cháu Đ. Chỉ mong HĐXX xem xét và giảm án cho bị cáo, để bị cáo có điều kiện quay trở lại chăm sóc con nhỏ, bố mẹ già…”. Mắt ông ầng ậc nước.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo mang tính côn đồ, đã xâm phạm tính mạng của cháu bé, gây đau thương mất mát cho gia đình bị hại. Tòa quyết định tuyên phạt bị cáo An mức án tù chung thân, Lành mức án 20 năm tù về tội giết người.

Phiên tòa kết thúc. An, Lành bước lên xe chở phạm nhân. Lúc này, Lành mới gào khóc, thống thiết gọi bố. Người cha già của Lành mếu máo, bước liêu xiêu, nhìn theo chiếc xe thùng lao vun vút khuất dần sau cánh cổng tòa.

Người phạm pháp ắt sẽ bị xử lý thích đáng, thế nhưng những giọt nước mắt rơi tại phiên tòa lại không chỉ là những giọt nước mắt ân hận, mà nó còn là những giọt nước mặt đớn đau của chính những người cha già, những người vợ dại, những đứa con còn non trẻ khóc cho số phận nghiệt ngã của gia đình…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xot-long-nhung-giot-nuoc-mat-chon-tung-dinh-355478.html