Xót thương gia cảnh ông bà nội ngoài 70 tuổi nuôi 4 cháu mồ côi ở Kiến Thụy (Hải Phòng)
Con trai mất, con dâu bỏ đi, đôi vợ chồng già ngoài 70 tuổi phải chật vật nuôi 4 đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Những ngày cuối tháng 9, ông Lương Xuân Hỵ (72 tuổi) ở thôn Cốc Liễn 1, xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) chỉ rầu rầu lo lắng những khoản đóng học đầu năm cho 3 đứa cháu nhỏ.
Hoàn cảnh vợ chồng ông Hỵ già cả, ốm đau, một nách nuôi 3 đứa cháu nội trong khi kinh tế chỉ trông chờ vào đồng lương hưu 4,4 triệu đồng/tháng của vợ ông Hỵ là bà Nguyễn Thị Phòng (70 tuổi) và việc làm đồng của ông khiến làng trên xóm dưới mỗi khi nhắc tới đều ái ngại.
Bước đi chậm chạp, ông Hỵ mệt nhọc gọi mấy đứa cháu ra rót nước mời khách. Ông rầu rầu kể: "Hai mươi năm trước, con trai tôi là Lương Xuân Hưởng kết hôn với chị Phạm Thị Hạnh và lần lượt sinh được 4 đứa con. Đứa lớn là Lương Bích Hường (SN 2000), đứa thứ hai là Lương Thu Hằng (SN 2007), đứa thứ ba là Lương Thu Hiền (SN 2009) và đứa út là Lương Công Minh Phúc (SN 2014).
Đông con, cuộc sống của vợ chồng con trai tôi lại chỉ trông vào mỗi việc làm ruộng nên vô cùng vất vả. Cách đây 4 năm, thằng Hưởng bị cảm và mất đột ngột để lại vợ và 4 đứa con, thằng bé nhất lúc đó mới 7 tháng tuổi. Vài tuần sau khi Hưởng mất, vợ tôi là giáo viên tiểu học về hưu cũng bị tai biến. Từ đó đến nay, bà ấy thường xuyên phải chữa trị bằng vật lý trị liệu.
Gánh nặng dồn cả lên vai con dâu. Thời gian đầu, Hạnh cũng gắng gượng, chạy vạy để chèo chống cả gia đình. Hai năm sau, không thể trụ nổi, Hạnh lặng lẽ bỏ đi lấy chồng tận Hàn Quốc. Từ đó, không ai còn liên lạc được nữa. Vậy là cả 4 đứa cháu, ông bà đều phải gánh lo".
Nén chút cảm xúc trong lòng, ông Hỵ giãi bày: "2 năm con dâu bỏ đi là 2 năm chúng tôi vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ cho 4 đứa trẻ. Gần đây, con bé lớn cũng đã đi lấy chồng. Vì mới sinh con nên Hường cũng không thể đỡ đần gì thêm cho ông bà nuôi các em.
Nguồn kinh tế duy nhất của cả gia đình hiện nay là 4,4 triệu đồng tiền lương của bà Phòng nên cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi. Chi tiêu sinh hoạt thường ngày cho 5 miệng ăn có thể co kéo được, nhưng chỉ cần 1 trong 5 thành viên ốm đau thì sẽ phải đi vay mượn. Chưa kể thêm khoản đóng học cho các cháu, quanh năm vợ chồng tôi chẳng dám đi đâu vì phải lo chạy vạy".
Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, được con cái chăm sóc nhưng ông bà Hỵ ngày ngày vẫn phải thay nhau đưa đón cháu Phúc đến lớp mầm non để học. Những hôm ông nằm viện thì bà lên chăm và ngược lại. Ở nhà, cô cháu gái thứ 3 thay ông đưa đón em đi học và lo cơm nước cho cả gia đình. Cô cháu gái thứ 2 đi học về muộn hơn đảm nhận việc tắm rửa cho các em, dọn dẹp và kèm em học bài, đi ngủ.
"Bố mất sớm, mẹ lại bỏ đi, cuộc sống của bọn trẻ cơ cực và thiếu thốn từ tinh thần tới vật chất. Thiếu bàn tay chăm sóc, tình thương, hơi ấm của bố mẹ nên bọn trẻ trở nên lầm lũi, thu mình, ngại giao tiếp. Riêng thằng bé Phúc, vì quá nhỏ chưa hiểu được sự thua thiệt của mình nên còn hồn nhiên đúng tuổi. Các cháu lớn thì đã thấm thía được sự thiệt thòi của bản thân, sự thua kém với bạn bè nên chúng nó rất mặc cảm. Còn chúng tôi đã già, cũng rất lúng túng không biết phải ứng xử sao cho phù hợp với từng độ tuổi của mỗi cháu", ông Hỵ buồn bã nói.
Thương cảm với hoàn cảnh của các cháu, hai người em của anh Hưởng thi thoảng cũng chạy qua thăm hỏi, cho tiền, sắm sửa bàn ghế cho các cháu vào đầu năm học mới. Nhưng chỉ là công nhân với mức lương ba cọc ba đồng nên họ cũng không thể thay ông bà nuôi 3 đứa cháu ăn học.
Bà Phòng than thở: "Tôi chẳng còn gì để ham hố cuộc sống này nhưng giời đừng bắt tôi đi trước ông ấy. Tôi cần phải sống để có đồng lương hưu mà thêm vào lo cho chúng nó, được ngày nào mừng ngày đó".
Mong ước của bà Phòng là 3 đứa cháu sẽ có học bổng hay một khoản trợ cấp hàng tháng nào đó để việc học của các cháu được duy trì nếu không may ông bà mất đi. "Các cháu đã không còn cha, vắng mẹ, nếu không được học hành thì rồi sau biết làm gì để thoát nghèo hay rồi lại mắc vào các tệ nạn, vào cái vòng luẩn quẩn của bố mẹ nó ngày xưa..."
Biết được hoàn cảnh neo đơn của gia đình ông bà Hỵ, vào dịp lễ tết, các cơ quan đoàn thể trong xã cũng đều đến thăm, cho quà, động viên ông bà và các cháu. Mọi sự chia sẻ đối với hoàn cảnh ông Hỵ bà Phòng luôn đáng quý.
"Mong các nhà hảo tâm dành chút tình cảm giúp đỡ vợ chồng chúng tôi, tiếp thêm động lực để chúng tôi vững vàng nuôi dạy các cháu", bà Phòng nghẹn ngào mong mỏi.
Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Lương Xuân Hỵ xin gửi về Mã số 499. :
1. Ông Lương Xuân Hỵ, thôn Cốc Liễn 1, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay Nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 499.
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 499
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0981656685.
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.