Xót xa cảnh hàng trăm cây rừng bị đốn hạ trơ gốc ở Quảng Trị
Hàng trăm gốc cây sao sao, dẻ cùng nhiều loại cây khác đã bị đốn hạ trơ gốc, ứa nhựa. Những gốc cây còn sót lại có đường kính lên tới 50cm nằm san sát nhau, có những vạt rừng nhìn từ xa chỉ thấy nhuộm màu lá khô.
Báo Bảo vệ pháp luật nhận được phản ánh của người dân tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị về việc hàng loạt cánh rừng thuộc các xã ở huyện này đã bị đốn hạ hàng loạt.
Rừng bị đốn hạ hàng loạt
Cùng thời điểm này năm ngoái, Báo Bảo vệ pháp luật có loạt bài “Rừng phòng hộ ở Quảng Trị bị tàn phá bất chấp “công lệnh” của Phó thủ tướng”, phản ánh việc 1 diện tích lớn rừng phòng hộ tại huyện Đắkrông bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ, mở đường đưa xe ô tô vào tận gốc chở gỗ ra khỏi rừng.
Giữa tháng 8 năm nay, PV Báo Bảo vệ pháp luật lại nhận được phản ánh từ người dân ở 1 huyện nằm ngay cạnh huyện Đắkrông về việc 1 diện tích lớn rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc. Phần lớn diện tích rừng bị đốn hạ nằm tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Phùng và xã Hướng Sơn thuộc huyện Hướng Hóa.
Nhận được tin báo, PV đã trực tiếp thâm nhập các vùng rừng có phản ánh tình trạng phá rừng để xác minh tìm hiểu. Thật bất ngờ khi những gì chúng tôi ghi nhận được là cảnh hàng trăm gốc cây có đường kính lên tới 50cm bị lâm tặc đốn hạ san sát, cả 1 vùng rừng nhuốm màu lá khô.
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu từ xã Hướng Linh. Ngay tại vùng rừng thuộc thôn Ba Cong, thôn Xã Bai của xã này chúng tôi không khỏi đau xót khi chứng kiến cả 1 vạt rừng bị lâm tặc đốn hạ khô khốc.
Tại 1 cánh rừng thuộc thôn Ba Cong có tới hàng trăm gốc cây sao sao bị đốn hạ trơ gốc, phơi cành. Chúng tôi chia nhau ra cố gắng kiểm đếm xem có bao nhiêu gốc cây bị đốn hạ nhưng dường như đó là việc không thể. Khi mà có cả 1 diện tích lớn trải rộng bị hạ và số lượng gốc cây sót lại là quá nhiều.
Những gốc sao sao có đường kính lên tới cả hơn 50cm bị cưa tới gốc, cành ngọn còn sót lại vương vãi khắp nơi. Đáng nói, tại đây việc khai thác gỗ ở đây chẳng khác gì 1 đại công trường, khi mà vệt bánh xe tải còn lưu lại vào tới từng vạt cây bị đốn, các gốc cây bị cưa nằm san sát nhau.
Có vị trí trong vòng bán kính chưa tới 20m2 nhưng qua kiểm đếm có tới hơn 30 gốc cây sao sao có đường kính từ 30- 50cm bị cưa hạ, cùng hàng loạt các cây nhỏ khác cũng nằm trơ gốc.
Rời cánh rừng sao sao, người dẫn đường đưa chúng tôi sang 1 địa điểm khác vừa bị cắt hạ, tại đây có hàng chục gốc cây sao sao, dẻ vừa mới bị cưa, vết cắt mới tinh. Ngay bờ suối cạnh lối đi có cả 1 đống gỗ vừa được cắt vận chuyển ra chờ xe vào chở.
Rời xã Hướng Linh chúng tôi ngược lên địa bàn xã Hướng Phùng, nơi mà người dẫn đường tiết lộ có cả 1 vùng rừng gỗ dẻ già cỗi vừa bị đốn hạ. Vị trí chúng tôi tới là vùng rừng nằm cạnh thác Chênh Vênh thuộc địa bàn thôn Chênh Vênh.
Từ trục đường chính chỉ mất vài phút đi bộ chúng tôi đã tới vùng rừng bị hạ, đập vào mắt là 1 triền núi tan hoang, ngả màu lá khô. Tại đây có tới cả trăm gốc dẻ lớn nhỏ bị đốn hạ. Những gốc dẻ bị cưa tận gốc, nằm san sát nhau ứa nhựa, những gốc dẻ còn trơ lại có đường kính lên tới hơn 40cm, thậm chí có gốc 1 người ôm không hết. Tại đây, việc khai thác cũng rất quy mô, khi mà xe cơ giới được mở đường vào tới chân núi để chở gỗ.
Lực lượng chức năng kêu khó xử lý
Trao đổi với PV về sự việc này ông Phan Ngọc Long – Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết khu vực rừng tại thôn Chênh Vênh đã giao cho bà con quản lý rồi. Tuy nhiên việc khai thác gỗ như vậy là hoàn toàn không được.
“Theo quy định của pháp luật, chính sách hưởng lợi của người được giao khoán rừng thì họ vẫn được thu nhưng phải có kế hoạch. Khi mà trữ lượng đạt đủ yêu cầu theo quy định thì mới được khai thác với điều kiện hồ sơ thủ tục đầy đủ. Hiện tại, tại thôn Chênh Vênh chúng tôi chưa hề cấp 1 giấy phép gì cho người dân khai thác rừng hết”, Ông Long cho biết.
Để làm rõ hơn vấn đề PV đã làm việc với ông Lê Văn Quốc - Hạt phó phụ trách Hạt kiểm lâm Hướng Hóa và nhận được câu trả lời ngược lại.
Theo ông Quốc thì phía đơn vị cũng đã bắt giữ nhiều trường hợp tuy nhiên việc xử lý gặp nhiều khó khăn chủ yếu là do Thông tư 27 của Thủ tướng chính phủ đưa ra mập mờ và tạo nhiều kẻ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng.
Theo thông tư thì trước khi khai thác không phải báo cáo cho kiểm lâm hay ủy ban xã gì cả, chủ rừng là quyết định toàn bộ. Theo Thông tư 27 thì người dân chỉ cần lập 1 bảng kê bao nhiêu tấn, bao nhiêu khối đó là được, không có thông qua 1 văn bản của xã, thôn hay gì hết. Chỉ có khai thác rừng tự nhiên cây lâm sản ngoại vụ là chỉ qua cộng đồng là thôn trưởng ký còn lại thì xã cũng không ký.
“Thông tư nó thông thoáng tới mức độ đó cho nên mình khó quản lý lắm, các xã cũng có ý kiến nhiều, nhiều xã còn bảo sao kiểm lâm cho họ đi mà không bắt họ làm giấy, nhưng thông tư của thủ tướng chính phủ ra như thế thì chúng tôi làm sao bắt được”. Ông Quốc cho biết thêm
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin